.

Đọc thơ 'Có tình ngân hàng' của Nguyễn Viết Mạch

.
08:21, Thứ Sáu, 29/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm 2018, Nguyễn Viết Mạch trình làng tập thơ đầu tay“Có tình ngân hàng”, NXB Thuận Hóa. Đọc tập thơ “Có tình ngân hàng”, thấy toát lên tinh thần, trách nhiệm  của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đối với nhân dân, tình đồng bào, đồng chí, tình yêu quê hương, đất nước, con người.  
 
Nguyễn Viết Mạch tâm sự: “Năm 1963, lúc vừa tròn 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp II, tôi có năng khiếu về hội họa, nên được Ty Văn hóa đào tạo và huấn luyện vẽ tranh cổ động hơn một tháng. Lớp học có 8 thanh niên, trong đó có tôi và Lê Duy Ứng, người Hiền Ninh sau này là họa sỹ nổi tiếng – Anh hùng lực lượng vũ trang”.
 
Khi giặc Mỹ mang bom đánh phá miền Bắc, xã Duy Ninh cử Nguyễn Viết Mạch làm cán bộ thông tin tuyên truyền, ông bắt đầu tập làm thơ ca, hò vè. Gắn bó với ngành ngân hàng trong suốt cuộc đời, ông có những bài thơ ca ngợi ngành và đồng nghiệp.... Tập thơ “Có tình ngân hàng”  gồm 74 bài được đăng rải rác trên các báo và tạp chí, có những bài đã đạt giải cao trong cuộc thi thơ của ngành.
 
Bìa tập thơ “Có tình ngân hàng”, NXB Thuận Hóa
Bìa tập thơ “Có tình ngân hàng”, NXB Thuận Hóa
Tập thơ được chia thành 3 phần.
 
Phần 1: “Tình quê hương và đồng nghiệp”, 44 bài. Có bài sáng tác xong, ông tự phổ nhạc như bài “Tân Lâm ngày mới”. Thơ ông mộc mạc dung dị, chủ yếu phục vụ mục đích cổ động, tuyên truyền. Bài “Có tiền đem gửi ngân hàng” thuyết phục người đọc thấy được ích nước, lợi nhà của việc gửi tiền tiết kiệm: “ Có tiền mà để trong nhà/ Chi không kế hoạch khó mà vẹn nguyên”;“Có tiền đem gửi ngân hàng/ Có lãi, thêm thưởng, tiền càng nhiều hơn/ Góp phần kiến thiết nước non/ Mỗi đồng tiết kiệm, một hòn gạch xây”.  Phát triển tiếp mạch thơ trên, ông động viên mọi người nên gửi tiền tiết kiệm: “Để trong nhà, tiền nằm yên/ Gửi vào tiết kiệm nó liền vòng quay/ Tăng nhanh tốc độ dựng xây/ Đẩy nhanh cuộc sống tới ngày sướng vui”. (Gửi tiền tiết kiệm ai ơi).
 
Làm thơ tuyên truyền cổ động, kêu gọi nhân dân gửi tiền tiết kiệm,  lời lẽ  phải dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hiểu. Viết về đồng tiền đã khô, đã khó, viết về tác dụng của đồng tiền lại càng khó hơn. Ấy thế mà Nguyễn Viết Mạch vẫn khai thác tốt đề tài này để có bài thơ hay, đăng trên Báo Quảng Bình: “Anh thợ xây hát trên giàn giáo/ Anh có hay/ Để anh không ngừng tay bay/ Có chúng tôi chuyên cần tiếp vốn/ Cần mẫn thẩm tra từng trang dự toán/ Không để bốc hơi, lãng phí vốn này” (Chúng tôi đến công trường). Đồng tiền ngân hàng là mồ hôi nước mắt của nhân dân, là tiền đầu tư của Nhà nước cho những công trình sản xuất, phúc lợi, nên người cán bộ ngân hàng phải biết dự toán, thẩm tra không để lãng phí, “bốc hơi”.
 
Trong bài “Có tình ngân hàng sau cơn lũ miền Trung”, ông viết: “Lũ ào vào ngập trắng miền Trung/ Nước cuốn xô sập cả nhà tầng/ Nhiều năm chắt chiu và tạo dựng/ Triệu người dân bỗng chốc tay không”. Hình ảnh cơn lũ thật khủng khiếp. Lũ càn quét mọi nơi, nhiều công trình bị biến mất trong chớp mắt. Lúc đó người cán bộ ngân hàng xuất hiện thật đúng lúc, họ bám theo cơn lũ về với bà con tạo dựng cuộc sống mới. Đồng tiền lúc này thật quý, thật có ý nghĩa và ấm áp tình người: “Tình ngân hàng gửi đến miền Trung/ Từ khi cơn lũ vẫn còn dâng/ Cán bộ ngân hàng theo lũ xuống/ Phương án cho vay tính kỹ càng/ Bao vốn vay đã bị lũ trôi/ Ta đầu tư làm lại cuộc đời/ Tín dụng lần theo nơi tổn thất/ Đồng tiền đi ấm áp tình người”. Với bài thơ này, Nguyễn Viết Mạch đã giành được giải nhì trong cuộc thi thơ và ca khúc do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Hà Nội tổ chức năm 2002.
 
Ông còn dành nhiều bài thơ ca ngợi các đồng nghiệp trong cả nước như: “Nghĩ về biểu tượng Ngân hàng Đầu tư”, “Ba thế hệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển”, “Vẫn màu xanh tươi”, “Gửi em gái Kon Tum”, “Xí nghiệp may thương binh”, “Lắng nghe em hát Ba Đồn”…  
 
Phần thứ 2: “Thơ cho thiếu nhi” gồm 18 bài, lời thơ khoáng đạt, mềm mại, tha thiết.... Các bài nổi bật là “Vui hát dưới trăng rằm; “Trung thu nhớ Bác”; “Nhận quà của bạn Liên Xô”. Bài thơ lục bát “Trâu ơi lo gì” để lại trong  lòng người đọc sự hoài niệm, da diết: “Gió bấc mày thổi ù ù/ Chuồng trâu đã kín mày lùa vào đâu?/ Bốn bề trên, dưới, trước, sau/ Trong rơm, ngoài rạ, phủ đầu, phủ đuôi/ Cho dù gió thổi ngược xuôi/ Nghỉ ngơi đầm ấm, trâu ơi lo gì!”.  
 
Đặc biệt bài “Trung thu nhớ Bác” làm ta liên tưởng đến bài “Trăng sáng sân nhà em” của Trần Đăng Khoa: “Trăng tròn như mặt trống/ Lướt nhẹ lên ngọn tre/ Đất trời vằng vặc sáng/ Vui đến khắp vùng quê”. Ta liên tưởng đến “Thư trung thu gửi các cháu thiếu nhi” của Bác Hồ năm 1951: “Ôi! Đêm thu ngày trước/ Bác Hồ ngắm vầng trăng/ Thương nhi đồng khắp nước/ Như ánh hằng mênh mang”.
 
Trong phần này có rất nhiều câu thơ hồn nhiên, trong sáng phản ánh đúng tâm lí lứa tuổi: “Nắng tung tăng nhảy trên cây/ Nhạc chim ríu rít cả bầy ngây ngô/ Con quen ngay với thầy cô/ Con nhìn như mẹ điểm tô nụ cười”. (Con kể về ngày khai trường đầu tiên). Trong thơ có nhạc, có họa, có cả niềm vui con trẻ khi lần đầu tiên bước đến trường. ...
 
Khép lại tập thơ là phần “Thơ thế sự”.  Vỏn vẹn chỉ 12 bài thơ trào phúng, góc cạnh, bài nào cũng để lại dấu ấn làm cho người đọc suy tư, trăn trở. Ngày 25 tháng 5 năm 1987, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân (kí tên là N.V.L) thì tháng 7,  Nguyễn Viết Mạch đã có 2 bài thơ đăng báo. Bài “Có nơi chẳng muốn làm ngay”:“Có nơi họ chẳng muốn làm ngay/ Vì “rửa chân” sợ nước “ướt tay”/ “Chữa nhọt má” sợ dây “méo mặt”/ “Nhổ răng sâu” sợ “động não” này. Và cuối cùng ông cảnh báo: “Những nơi nào ít có làm ngay/ Đèn pha cần soi kỹ nơi này/ Bọ xít dài sinh trong bờ bụi/ Lúa tốt tươi mất trắng có ngày”.
          
Ông chỉ ra sự tha hóa của đồng tiền trong các bài “Đồng tiền cạm bẫy”, “Thói đời”, “Vỡ hụi”. Ông chỉ ra tệ nạn tham nhũng từ thấp đến cao như “Bao giờ tóm được nhiều hổ lớn”: “Kẻ tham nhũng vẫn cao giọng chống/ Người cần lao thì lớn lòng chờ/ Bao giờ tóm được nhiều hổ lớn/ Ấy ngày dân tin tưởng ngọn cờ”. Điều băn khoăn của Nguyễn Viết Mạch mấy chục năm về trước nay đã được thực hiện. Dưới ngọn cờ chống tham nhũng của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu thì những que củi dù tươi, dù to đến đâu khi đưa vào lò cũng phải cháy!
 
Cảm ơn tác giả Nguyễn Viết Mạch, với tập thơ viết những năm mười tám, đôi mươi đến giờ đối với người đọc vẫn còn nguyên giá trị, những bài thơ thấm đẫm tình người, mang tính chiến đấu, giáo dục cao.
                                                                                                   
 Hoàng Minh Đức
,