.

Nhạc sĩ Dương Bích Hà: "Âm nhạc dân gian người Nguồn, chỉ có thể nói Tuyệt vời!"

.
07:37, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Suốt 4 năm ròng, ngày hè bỏng nắng hay chiều đông rét mướt, người dân Minh Hóa vẫn thấy 2 người phụ nữ, một đã trạc ngũ tuần, một mới đôi mươi đèo nhau bằng xe máy trên những con đường đồi núi quanh co, hiểm trở. Họ đến tận từng nhà các nghệ nhân hát dân ca ở đây. Đó là hai mẹ con nhạc sĩ Dương Bích Hà, người "ngược miền sơn cước” đi tìm vốn cổ.

Gặp chị trong một chiều giáp Tết trở về quê thăm mẹ, chị đã cởi mở chia sẻ những điều thú vị trong luận án tiến sĩ của mình: "Âm nhạc dân gian của người Nguồn ở Quảng Bình". Hỏi chị, công trình đến đâu, chị nói: “Sắp đến đích rồi”. Hỏi thêm chị cảm xúc khi đã thấm đẫm trong tâm trí âm nhạc dân gian người Nguồn, chị đáp: "Chỉ có thể nói, tuyệt vời!"

PV: Hai chữ "tuyệt vời" ấy được hiểu ở góc độ giá trị âm nhạc của người Nguồn trong âm nhạc dân tộc như thế nào, thưa chị?

- Nhạc sĩ Dương Bích Hà: Người Nguồn ở Quảng Bình có số cư dân tập trung đông nhất ở huyện Minh Hóa. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, người Nguồn đã sáng tạo ra một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, như: thơ ca, truyện cổ...

Đờn ôống (đàn ống) là nhạc cụ do người Nguồn tự chế.
Đờn ôống (đàn ống) là nhạc cụ do người Nguồn tự chế.

Đặc biệt, âm nhạc dân gian của người Nguồn (ANDGNN) vô cùng phong phú về thể loại, đa dạng về bài bản, đậm đà bản sắc và phản ánh chân thực cuộc sống, lao động, tâm tư, tình cảm của con người nơi vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.

Phổ biến là các làn điệu: ru con, đúm-pí (đối đáp, giao duyên), đồng dao, hò kéo dôốc (kéo thuyền, kéo gỗ) hát nhà trò, hát bội, múa tiên. Trong đó, hò thuốc cá là một điệu hò đặc sắc, riêng có của người Nguồn. Sự có mặt của các thể loại âm nhạc trong đời sống của người Nguồn là những nét chấm phá trong bức tranh đa sắc của âm nhạc dân gian Quảng Bình, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt.

Nhìn vào sự phong phú, đa dạng của âm nhạc dân gian người Nguồn, có thể thấy rõ sự giao thoa và tiếp biến văn hóa ở vùng đất này?

- Đúng vậy! Chính sự giao thoa, tiếp biến văn hóa đã tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các loại hình văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, đã là âm nhạc dân gian thì mỗi vùng, miền đều có bản sắc riêng và phương ngữ góp phần tạo nên bản sắc đó.

ANDGNN có một số điều thú vị, đó là thể loại này được sử dụng trong thể loại khác (đồng dao với hát ru); cùng một thể loại (hò thuốc cá, hò kéo dôốc, hò phổ rệp), nhưng cấu trúc, giai điệu lại khác nhau, hoặc được sử dụng ở môi trường diễn xướng khác nên được gọi tên khác. Điều làm cho chúng tôi băn khoăn và muốn góp phần làm sáng tỏ  là một số thể loại, bài bản dân ca của tộc người này bị gán ghép, ngộ nhận là của tộc người khác, như hát ru của người Nguồn lại được cho là của tộc người Khùa chẳng hạn.

Đã có một số cuộc hội thảo khoa học bàn đến việc xác định thành phần tộc người cho người Nguồn ở Quảng Bình nhưng chưa tìm được sự đồng thuận, theo chị âm nhạc dân gian có thể gợi mở được điều gì?

- Làm sao để người Nguồn có được vị trí, chỗ đứng của mình một cách bình đẳng như các tộc người anh em khác, đó không chỉ là công việc của các nhà khoa học mà cả với những người nghiên cứu âm nhạc. Chính vì vậy, trong luận án, chúng tôi chú trọng đặc trưng về mặt âm nhạc học.

Dựa trên đặc điểm, giai điệu, cấu trúc của các thể loại, chúng tôi phân biệt, so sánh những nét tương đồng, dị biệt của âm nhạc các tộc người lân cận rồi đưa ra những lý giải, phân tích, đúc kết về các đặc trưng thể loại, chức năng thực hành của ANDGNN. Hy vọng, sự tìm tòi này sẽ góp phần xác định những giá trị văn hóa riêng có của người Nguồn.

Kỷ niệm nào làm chị nhớ nhất trong những lần đi điền dã?

- Đó là lần ghi âm tiếng hát của nghệ nhân Đinh Thị Tình ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa. Nghệ nhân đang hát thì có một chị ở nhà bên chạy sang, vừa nghe vừa lẩm nhẩm hát theo. Kinh nghiệm trong những lần đi điền dã cho tôi linh cảm chị ấy biết hát. Và thật ngạc nhiên, không những biết hát, chị Hồ Thị Huê, (người Mày) còn hát hay và thuộc rất nhiều bài.

Có điều lạ là hai người ở cạnh nhà nhau, thuộc hai tộc người khác nhau hát cùng một bài dân ca mà cách hát, bài bản, làn điệu hoàn toàn khác biệt, không hề có sự ảnh hưởng. Mừng quá, chúng tôi say sưa thu âm, mặc cho trời mưa xối xả, có lúc át cả tiếng hát. Khi về nhà, mở máy để nghe và ký âm, tôi lại một lần nữa ngơ ngẩn vì những câu luyến láy tinh tế, sắc thái đâu ra đấy của chị ấy. Nhiều nghệ nhân dân gian, khi gặp họ, không ai nghĩ họ có thể biết hát, vậy mà... Đến giờ, khi nhớ lại kỷ niệm này, tôi vẫn còn... ngây ngất ! (cười)

Chị thích nhất nhạc cụ nào của người Nguồn?

- Người Nguồn có một nhạc cụ duy nhất họ tự chế, đó là chiếc đờn ôống. Âm thanh của đờn ôống rất lạ tai, nghe na ná như đàn nhị nhưng mộc hơn, dung dị hơn, phù hợp để có thể đệm cho hò thuốc cá, đúm-pí. Cái hay là ai yêu thích cây đờn ôống cũng có thể học và kéo được những bài dân ca Nguồn.

Chúng ta quay trở lại với hò thuốc cá, về những cái hay của điệu hò này?

- Cuộc sống của người Nguồn trước đây chủ yếu dựa vào săn bắt, làm nương rẫy, lấy mật ong. Thịnh hành nhất là nghề thuốc cá. Mùa đông và mùa xuân, dân bản cùng nhau lên rừng bới rễ cây tèng. Bên cái cối lớn đặt cạnh dòng suối, họ giã tèng thành nước rồi hòa vào  suối, làm cho cá bị mờ mắt mà nổi lên mặt nước.

Để  động tác giã thuốc thật nhịp nhàng, đều đặn, tạo không khí vui tươi, quên đi mệt nhọc, người ta cất lên tiếng hò: Tầm tèng thì tầm chò sòng/Tở cho cá chết lâm sông lâm bờ. (Giã tèng thì giã cho sòng/ Để cho cá chết đầy sông, đầy bờ). Dần dần, hò thuốc cá xuất hiện thêm những dị bản khác như hò đối đáp, giao duyên. Không giống với một số điệu hò lao động khác ở vùng Bình-Trị-Thiên như hò kéo gỗ, hò đập bắp, hò giã gạo, hò thuốc cá có tiết tấu vừa phải, giai điệu theo hình lượn sóng, mềm mại, ít có quãng nhảy xa, nên sắc thái nhẹ nhàng, dung dị nhưng không kém phần khỏe khoắn, rộn ràng.

Ngoài đánh bắt cá, người Nguồn dần dần sử dụng điệu hò này trong dịp Tết, lễ hội, cưới hỏi, đâm bồi, đắp đập. Hiện nay, hò thuốc cá còn được đưa lên sân khấu ca nhạc hiện đại.

Như vậy là người Nguồn đã tự bảo tồn vốn cổ và ANDGNN đã có được sự thích ứng văn hóa trong thời kỳ hội nhập?

- Người Nguồn hát dân ca cũng hồn nhiên, vô tư như cuộc sống đơn giản, mộc mạc của họ. Âm nhạc đã tồn tại trong cuộc sống của họ từ xa xưa và đến nay vẫn còn một số nghệ nhân cố gắng trao truyền nó cho thế hệ sau. Tuy nhiên, nghệ nhân dân gian ở đây cũng ngày một thưa vắng dần.

 Nhạc sĩ Dương Bích Hà với các nghệ nhân hát nhà trò ở thôn 5, Kim Bảng.
Nhạc sĩ Dương Bích Hà với các nghệ nhân hát nhà trò ở thôn 5, Kim Bảng.

Chính quyền và các ngành chức năng muốn bảo tồn, phát huy vốn cổ thì cần phải có phương án giữ gìn để nó không bị mai một. Nếu chậm, e rằng các cụ mang theo tài sản quý đó về thế giới bên kia và việc công nhận người Nguồn là một tộc người độc lập sẽ càng thêm khó khăn.

Hiện, câu lạc bộ dân ca người Nguồn đã được thành lập. Một số nhạc sỹ như: Dương Viết Chiến, Minh Chiều, Lê Anh, Minh Đấu đã vận dụng nét đặc trưng của hò thuốc cá để sử dụng trong các sáng tác của mình một cách sáng tạo, hiệu quả.

Thế còn nhạc sĩ Dương Bích Hà, chị có dự định sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nguồn?

- Không phải là dự định nữa mà nó đã thành hiện thực trong các sáng tác âm nhạc gần đây của tôi. Trong ca khúc "Em đi đâu", đề cập đến tình yêu đôi lứa ngọt ngào, đằm thắm, tôi đã sử dụng câu xô “hôi lên là hôi lên” của điệu hò thuốc cá và thay đổi tiết tấu, làm cho ca khúc mang tính hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nét mềm mại.

Mỗi lần ngân lên giai điệu hò thuốc cá, tôi lại có cảm giác như những giai điệu đơn sơ, mộc mạc cứ ngân nga, bay qua đồi núi chập chùng, vượt qua mưa nguồn thác lũ, thấm đẫm vào lòng người một sự tươi mới, dung dị, hồn nhiên. Giai điệu ấy, câu ca ấy cứ vấn vương, vang vọng mãi với cuộc đời!

Cảm ơn nhạc sĩ Dương Bích Hà. Chúc chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và có thêm những ca khúc hay!

Nhạc sĩ Dương Bích Hà sinh ngày 2-2-1964, quê ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, hiện là giảng viên Khoa Sáng tác-Lý luận-Chỉ huy, Học viện âm nhạc Huế. Chị là tác giả, đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học và các tác phẩm đã in thành sách như: “Âm nhạc dân gian của người Tà Ôi-Pa Kô ở Thừa Thiên-Huế”,“Hát nhà trò ở Quảng Bình”,“Lý Huế”…

Một số ca khúc do chị sáng tác đã được trao giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cuộc thi sáng tác ca khúc, liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp như: “Những người hát bè trầm”,“Đừng đợi em”,“Đò chiều”, “Đêm hoang sơ”…

Trần Hồng Hiếu (thực hiện)



 

,