.

Ý niệm phồn thực từ một câu hò đối đáp

.
14:33, Chủ Nhật, 17/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Cần thấy rằng, ý niệm phồn thực trong kho tàng văn hóa truyền thống Quảng Bình không phải là một biệt dị, mà nó có nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc nhân loại.

Ở huyện Lệ Thủy có câu hò đối đáp dân gian rất phổ biến như sau:

Nữ (đối):
Cá có đâu mà anh ngồi câu đó
Biết có không mà công khó
                                      anh ơi
Anh ra đây em vẻ(1)  cho một nơi
                                   cá nhiều

Nam (đáp):
Anh ngồi đây ngày đôi ba lượt
Biết mất công mong cất
con  cá diếc lên
Để anh đem về làm giống nhân
                        trên ruộng đồng.

Đây là một cặp hò đối - đáp hay, thông minh, tuy nhiên từ nhiều năm nay chúng tôi vẫn hoài nghi phẩm chất dân gian của riêng câu kết của người nam: Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng.

Đánh đu, một trò chơi phồn thực ngày Tết.
Đánh đu, một trò chơi phồn thực ngày Tết.

Cơ sở để hoài nghi là:

- Thứ nhất, các khái niệm làm giống, nhân giống, ruộng đồng, gợi cho người đọc cảm giác câu này có niên đại muộn, gần gũi với phong trào làm ăn hợp tác xã, hợp tác hoá thời hiện đại.

- Thứ hai, trong câu hò, cô gái sau khi dùng các cặp nói lái theo kiểu miền Trung một cách tài tình (có đâu - câu đó, có không - công khó) đã dẫn dắt chàng trai đến một nơi chốn khó khăn nhất ở câu cuối:  Anh ra đây em vẻ (chỉ) cho một nơi cá nhiều. Con cá trong văn cảnh, trong "khí hậu" cụ thể của vế đối này  là hình ảnh hai mặt vừa chỉ con cá cụ thể, đồng thời vừa là biểu tượng phái sinh mà cô gái dùng nó để ám chỉ sinh thực khí của giới mình, nhằm thử tài và lỡm chàng trai một cách tinh nghịch và táo bạo.

Ấy thế mà chàng trai chỉ đối đáp như đã ghi chép (Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng)  thì quả là vừa không thoả đáng vừa  cam chịu cả về niêm luật lẫn khẩu khí. Trí tuệ dân gian một khi đã vượt được rào cản thời gian hàng trăm năm để đến với chúng ta hôm nay, không phải chỉ để trình bày một sự đối đáp thật  thà chân chỉ như thế. Trong văn học dân gian có chấp nhận dị bản, nhưng trên thực tế đây chưa phải là một dị bản dân gian, lại càng không phải là một dị bản hay.

Tuy nhiên, mặc dù vậy, nhiều năm qua, chúng tôi vẫn chưa làm sáng tỏ được mối hoài nghi của mình, và do đó, câu hò vẫn đang được coi là một tồn nghi phonclo chờ xử lý.

Rốt cục, quả nhiên, linh cảm của chúng tôi đã đúng, bởi sau đó, trong một bài viết của mình, một nhà sưu tầm văn học dân gian tiền bối ở địa phương đã hồi nhớ lại: hàng chục năm trước, chính ông đã sưu tầm được câu hò này với câu kết nguyên gốc hoàn toàn khác:

Biết mất công mong cất con
                             cá diếc lên
Để đem về anh đặt một bên
                          con cá tràu(2).

Cá tràu, về mặt hình thức gần gũi với sinh thực khí của người nam, đặt bên cá diếc mà người nữ dân gian chủ động ỡm ờ về sinh thực khí của giới mình quả là đăng đối cả về niêm luật, âm vận, lẫn..."cấu tạo". Tuy nhiên, do cho rằng câu kết này thông tục, dung tục, nên chính ông đã sửa lại như chúng ta đã biết (Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng), cho gần gũi với đời sống mới.
Câu chuyện như thế là đã rõ.

Nêu ra câu chuyện này, chúng tôi hoàn toàn không có ý định phê phán ai cả, mà chỉ muốn coi đây như một duyên cớ để trình bày một luận điểm rằng, trong văn học dân gian Lệ Thủy, cũng như trong văn hoá truyền thống Quảng Bình có những dòng ý niệm phồn thực ngày đêm thao thiết chảy. Ý niệm phồn thực này có thể nhìn thấy được, thậm chí khá đậm đặc, từ rất nhiều thể loại: phong tục tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội, văn học dân gian khác nhau, có mặt khắp nơi trong toàn tỉnh. Chẳng hạn:

- Ở hò đối đáp:
Đối:  Tiếng đồn anh làm thợ mộc
                                        khéo
Em cậy anh làm bức đối xéo
Mực mẹo khéo khôn dò
Anh không đưa lưỡi chàng mà
              kết khéo thò lò mộng ra
Đáp: Em cậy anh làm bức đối
                                         xéo
Mực mẹo anh có dò, bởi vì dài
                    mộng ra là tại o(3)
Muốn đóng thêm vào một chút
          nữa để thò lò mà treo khăn.

- Ở ca dao:
Tạnh trời ra đứng phân miêng(4)
Hỏi thăm bên bạn đùi chiêng anh
                                      mô rồi

- Ở tục ngữ:
Nếp lộn lòn con ăn mau nậy(5)
- Ở câu đố (chỉ con mắt nhắm):
Trên lông dưới lông, tối nằm
                        chồng lên nhau.

Và đặc biệt là ở truyện cười và giai thoại thì ý niệm phồn thực lại xuất hiện khá dày đặc (ví dụ các truyện: Nàng dâu, mẹ chồng, Đi thú mới về, Chuyện một ông hai bà,  Tao đã tìm được huyệt rồi...). Trong văn hóa truyền thống Quảng Bình, các biểu tượng  phồn thực xuất hiện nhiều dưới ba hình thức: Đó là sự miêu tả trực tiếp các hình ảnh cổ sơ của sinh thực khí nam, nữ; đó là sự miêu tả trực tiếp các hành vi tính giao và cuối cùng là hình ảnh, biểu tượng phái sinh như trường hợp câu hò đối đáp được dẫn chứng.

Lễ hội đập trống người Ma Coong, một lễ hội phồn thực.
Lễ hội đập trống người Ma Coong, một lễ hội phồn thực.

Có một cái nhìn toàn cảnh như vậy thì câu chuyện sẽ không còn dừng lại ở vấn đề thanh - tục  thuần tuý nữa, mà phải có cái gì đây sâu xa hơn, bản chất hơn từ vỏ bọc phồn thực hồn nhiên, dân dã trong vốn cổ quý giá mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta.

Cần thấy rằng, ý niệm phồn thực trong kho tàng văn hóa truyền thống Quảng Bình không phải là một biệt dị, mà nó có nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc nhân loại.

Các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh rằng dân tộc Việt Nam có hẳn một dòng văn hoá phồn thực từ văn học, nghệ thuật, mỹ thuật, phong tục, lễ hội dân gian..., bằng các hình tượng những người có âm dương vật khổng lồ, bà Triệu Ẩu có vú dài vắt vai, các cặp nam nữ giao phối trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, đến tục rã la, tục cướp nõ nường v.v...

Xa hơn chút nữa, người ta tìm thấy phồn thực như một tín ngưỡng, như một tôn giáo xuất hiện từ thời cách mạng đá mới và phổ biến trong nhân loại. Không ít dân tộc bên cạnh các biểu hiện phồn thực thông thường còn có tục thờ cúng sinh thực khí (linga và yoni) như một năng lượng thiêng. Bởi vì, người xưa tin rằng: "Mỗi cái thực cụ thể đều có nguyên nhân nằm khuất lấp trong cái huyền rộng lớn. Bởi vì họ thờ sinh thực khí và hành vi tính giao như những biểu tượng của thế giới huyền hùng mạnh, toàn năng có thể ban phát mọi sự phồn thịnh"(6)

Như vậy, toàn bộ ý niệm phồn thực trong văn hóa truyền thống Quảng Bình không thể là một sự tục tĩu giản đơn, mà đó là một ý thức hệ đứng đắn, nghiêm túc của cộng đồng người Quảng Bình xưa hướng vào thế giới huyền hùng mạnh, nhằm cầu mong một cuộc sống đương thời tốt đẹp.

Thông qua câu hò có tính phồn thực trong văn học dân gian Lệ Thủy, và đặc biệt thông qua các biểu hiện nghệ thuật tài tình của nó, chúng ta có quyền tự hào về các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo ra và để lại cho chúng ta một nét văn hoá truyền thống độc đáo, tài hoa, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân Quảng Bình.

Ngày nay, dấu vết của sự phồn thực vẫn đang còn trong cuộc sống đương đại. Nếu chúng ta để ý và chịu khó thống kê thì thấy không ít các tình huống giao tiếp đương đại, khi văn cảnh cho phép, đều ngả sang hướng phồn thực một cách tự nhiên, thích thú. Dĩ nhiên, sự phồn thực chân chính ngày nay  nhã hơn,  thanh hơn truớc, vì nó đang được một nền văn hoá bác học yểm trợ.

Phải chăng đó là sự bảo lưu một nét văn hoá truyền thống với mục đích làm vui cuộc sống, nâng cao chất lượng sống, mà chúng ta đang vô tình không để ý?

                                                                   Trần Hùng

__________________
Chú thích:
(1)Vẻ cho: Chỉ cho, bảo cho (tiếng địa phương miền Trung)
(2) Cá tràu: Cá chuối
(3) O: Cô
(4) Phân miêng: Phân minh
(5) Nậy: Lớn
(6) Đỗ Lai Thuý - Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực-Tạp chí văn học 10-1994.









 

,