icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Tạo ra cơ chế ràng buộc để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời"

  • 18:15 | Thứ Tư, 24/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đó là ý kiến thảo luận của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại phiên họp chiều 24/5/2023, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm khẳng định báo cáo của UBTVQH đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật rất rõ các ý kiến của đại biểu tham gia trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại phiên họp chiều 24/5
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại phiên họp chiều 24/5

Cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH, tại khoản 4, Điều 2, quy định về “đối tượng dễ bị tổn thương”, trong đó quy định phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, đại biểu đề nghị nâng lên dưới 36 tháng để thống nhất với các luật khác như Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các khoản giải thích 2 cụm từ “khu vực sơ tán” và “khu vực tập kết” tại các Điều 18, 19 và 32. Theo đại biểu, đây là những khu vực quan trọng, cần thiết, cần phải hiểu rõ để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ ngay từ đầu, khi chưa xảy ra các sự cố, thảm họa nhằm phục vụ sơ tán, phân tán, tập kết lực lượng, phương tiện và nhân dân bảo đảm an toàn.

Về thông tin về sự cố, thảm họa và việc tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa của cá nhân, trích dẫn Khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “1. Thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa và diễn biến của sự cố, thảm họa phải kịp thời, chính xác,…” và Điểm a khoản 1 Điều 37 dự thảo quy định: Cá nhân có quyền “Tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành;”, đại biểu khẳng định, việc thông tin về sự cố, thảm họa được cập nhật kịp thời, chính xác và thường xuyên đến với nhân dân cũng như việc người dân được tiếp cận những thông tin chính thống về sự cố, thảm hoạ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi khi nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác thì người dân có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời có các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả khi sự cố, thảm hoạ xảy ra, tránh được những hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt, những “tin xấu”, “tin độc” do một số đối tượng có động cơ không tốt tung ra.

Nêu ví dụ về tầm quan trọng của thông tin trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, đại biểu cho rằng, bên cạnh sự nhiễu loạn thông tin xấu, độc,  cũng có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh và các quy định, chính sách, thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch của người dân chưa được tiếp cận một cách hiệu quả nhất, dẫn tới lúng túng trong phòng, chống dịch và chấp hành các quy định, thậm chí nhiều người không được bảo đảm về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực. Theo đại biểu, đây là bài học quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật, bởi nếu nhu cầu thông tin chính đáng của người dân không được bảo đảm, đặc biệt trong các tình huống mang tính khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh thì rất nhiều quyền khác cũng bị ảnh hưởng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu bổ sung vào Chương II một mục quy định riêng về “Chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự”, bao gồm các quy định về hình thức, tần suất thông tin về sự cố, thảm hoạ; các nội dung của thông tin; trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để người dân tiếp cận thông tin chính thống, như vậy mới tạo cơ chế ràng buộc để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời.

Về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 41), đại biểu nhất trí với phương án 1, tuy nhiên, ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét thêm bởi hầu hết các lĩnh vực các Luật đều có quy định việc thành lập nhưng mô hình, nguyên tắc, mục đích hoạt động, nguồn và phương thức huy động tài chính không thống nhất. Vì vậy, đại biểu đề nghị Luật chỉ quy định việc thành lập Quỹ, còn các nội dung khác ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ý kiến đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 31 “c) Tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra”.

Theo đại biểu, trong tình trạng thiên tai, thảm họa, UBND có thể không hoạt động ổn định và phải xử lý khá nhiều công việc liên quan đến sự cố, thảm hoạ xảy ra nên có thể dẫn đến chậm trễ trong việc phối hợp thực hiện hoạt động cứu trợ, hỗ trợ. Do vậy, nên chăng có thể đưa đầu mối để các tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện phối hợp về Ủy ban MTTQ Việt Nam - nơi được hỗ trợ để bảo đảm hoạt động này được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời bổ sung một khoản vào Điều 54 quy định về trách nhiệm phối hợp, huy động, vận động đóng góp tự nguyện và tiếp nhận, phân bổ các nguồn lực đóng góp để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra của Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có nguy cơ gây xảy ra sự cố, thảm họa, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào khoản 2 Điều 38 nghĩa vụ “chủ động khắc phục hậu quả và bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động, sản xuất”. Ngoài ra, cần phải nghiêm cấm hành vi che giấu khi chính các tổ chức kinh tế đó gây ra sự cố, thảm họa.

Ngọc Mai (lược ghi)

tin liên quan

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai dự án đầu tư công trên địa bàn TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Sáng nay, 24/5, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác số 2 về giải ngân đầu tư công đã đi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình và Dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh tại địa bàn TP. Đồng Hới. 

Nhiều vi phạm mua sắm, đấu thầu bắt nguồn chính từ giá gói thầu

Các quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế của dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) còn chưa đủ căn cứ thực hiện, cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho đầy đủ.
 

Cần vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn công tác

(QBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ bế giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị K14 (hệ không tập trung), khóa học 2021-2023, do Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Trường Chính trị Quảng Bình tổ chức, chiều 24/5.