Vụ Việt Á và "bay giải cứu" chưa được đề cập rõ trong báo cáo giám sát
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả.
Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" là chuyên đề giám sát tối cao nên phải làm rõ được thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém; nguyên nhân khách quan, chủ quan. Giám sát phải gắn với trách nhiệm.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?
Lưu ý hai vụ sai phạm rất lớn là vụ "chuyến bay giải cứu" và vụ Việt Á, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề này cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa thấy đề cập rõ.
Về y tế cơ sở, tình hình phát triển còn nhiều vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ngành y tế hay thuộc về các địa phương; đề xuất mô hình, hệ thống, biên chế của y tế cơ sở ra sao để khắc phục những tồn tại hiện có, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để triển khai trên phạm vi cả nước.
Đối với một số đề xuất, giải pháp nêu trong báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn thiếu cơ sở chính trị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác.
Một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương…
Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu các đề xuất để đảm bảo cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn về tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo "Hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch."
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét kỹ nội dung này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Bởi tuy hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, chuyên đề giám sát này rất đúng và trúng, được dư luận xã hội quan tâm.
Thực tế công tác phòng, chống dịch ở nước ta đã cho thấy những tồn tại, yếu kém của y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Đối với nội dung liên quan đến Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, nội dung Báo cáo cần thể hiện được tinh thần, tầm quan trọng của Nghị quyết này trong công tác phòng, chống dịch vừa qua, đã khắc phục được những lúng túng trong giai đoạn đầu chống dịch ở nước ta như thế nào.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ trên 47 nghìn tỷ đồng.
Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều; trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.
Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Căn cứ tình hình dịch bệnh, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các đơn vị, địa phương, nguồn tài trợ, viện trợ đã được phân bổ kịp thời cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch, các đơn vị tiếp nhận cơ bản đã thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước.
100% huyện có trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.