.

Tăng cường công tác thanh tra để giữ gìn kỷ cương, phép nước

.
09:08, Thứ Năm, 17/01/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Chiều 16-1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Thanh tra năm 2019. Dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu ở 63 tỉnh thành cả nước.
 
Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các đơn vị tham dự hội nghị  tại điểm cầu Quảng Bình.
Năm 2018, toàn ngành Thanh tra triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 33.839 tỷ đồng, 33.972ha đất; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 29.769 tỷ đồng, 1.007ha đất. Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.076 tập thể và cá nhân; ban hành 118.598 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính gần 3.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 96 vụ, 151 đối tượng.
 
Ngành Thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra thực hiện 4.007 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 13.223 tỷ đồng; đôn đốc xử lý 1.426 tập thể, 3.747 cá nhân vi phạm, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 149 vụ với 31 đối tượng.
 
Trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), cơ quan thanh tra các cấp phát hiện 50 vụ, 101 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 43 người liên quan đến tham nhũng. 13 vụ, 14 đối tượng liên quan đến tham nhũng khác được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ.
 
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra có nhiều đổi mới, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế của những năm trước. Công tác PCTN, công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, các nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương trong tình hình mới.
 
Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố đã góp ý vào phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2019, tập trung vào một số nhiệm trọng tâm như: đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; phát hiện các sai phạm trong quản lý, điều hành; tham mưu, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những biện pháp khắc phục sai phạm…
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả ngành Thanh tra đạt được trong năm 2018. Thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình đã thực hiện tốt công tác PCTN, góp phần xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm, giữ nghiêm kỷ cương và sự nghiêm minh pháp luật.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành Thanh tra như: một số vụ thanh tra, kiểm tra thời gian kéo dài, chất lượng kết luận thanh tra chưa cao; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác tiếp công dân; công tác PCTN, phòng ngừa tham nhũng chưa tốt, chưa có biện pháp ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng vặt, thu hồi tài sản sau thanh tra còn thấp; hệ thống cán bộ thanh tra đông nhưng chưa đủ mạnh…
 
Năm 2019, để góp phần giữ gìn kỷ cương, phép nước Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ vững mạnh, tạo uy tín, niềm tin cho xã hội; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giảm các vụ việc khiếu kiện đông người; thanh tra các vụ việc được xã hội quan tâm phải dứt điểm, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
 
Kết quả của công tác thanh, kiểm tra cuối cùng chính là yên dân; chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh thêm điểm nóng; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả các văn bản pháp luật về PCTN...
 
T.Long
 
,