.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững

.
16:51, Thứ Năm, 02/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 2-8, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham dự có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Tuân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Công Thuật trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho các tập thể.
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trao bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho các tập thể.

Qua 10 năm thực hiện nghị quyết, sản xuất nông nghiệp Quảng Bình tiếp tục phát triển, nông thôn đổi thay tích cực, thu nhập và đời sống của nông dân được cải thiện, góp phần quan trọng về phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, từ 24,2% (năm 2008) xuống còn 18,4 (năm 2017); công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 75,8% (năm 2008) lên 81,6% (năm 2017).

Sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 5 hội nghị cấp tỉnh, 197 hội nghị cấp huyện và xã để quán triệt nghị quyết cho cán bộ chủ chốt, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc và sâu rộng, qua đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân tích cực hưởng ứng. Nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất ngày càng tăng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; khai thác xa bờ phát triển mạnh, nuôi trồng thuỷ sản chuyển sang hướng thâm canh, bền vững. Lâm nghiệp từng bước được xã hội hoá; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại được quan tâm đầu tư.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự nhận thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân và cộng đồng. Số tiêu chí đạt được bình quân/xã tăng từ 3,6 tiêu chí lên 14,6 tiêu chí, cao hơn bình quân chung cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thành tựu cơ bản và những tồn tại, chỉ ra các nguyên nhân trong quá trình tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết và đề xuất giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết thời gian tới.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho 7 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện nghị quyết.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Công Thuật nhấn mạnh đến những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết để cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn, thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, coi đây là khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước...

Ngọc Mai

 

 

 

,