Chủ động kiểm soát dịch sốt xuất huyết thời điểm giao mùa

  • 07:25 | Thứ Sáu, 20/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm xen lẫn những trận mưa rào là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển mạnh và dễ bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, thời gian qua, cùng với công tác phòng chống dịch Covid-19, ngành Y tế Quảng Bình đã chủ động huy động các nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH. Nhưng để phòng, chống dịch hiệu quả rất cần sự chung tay của mỗi người dân nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng trước các dịch bệnh mùa hè.
 
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 34 ca SXH, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca mắc cao nhất là huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới (mỗi địa phương ghi nhận 11 ca); còn huyện Lệ Thủy 4 ca, Bố Trạch 3 ca, TX. Ba Đồn 3 ca, Minh Hóa 1 ca. Đến thời điểm này, Quảng Bình là một trong những tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH và chưa xuất hiện ổ dịch SXH trong cộng đồng.   
Ngành Y tế tăng cường công tác giám sát, điều tra chỉ số côn trùng khu vực có nguy cơ để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Ngành Y tế tăng cường công tác giám sát, điều tra chỉ số côn trùng khu vực có nguy cơ để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Bác sỹ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để có được kết quả đó, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về phòng, chống dịch SXH, như: Tổ chức triển khai tuyên truyền, giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch; hướng dẫn kiểm tra, giám sát chuyên môn, bảo đảm cung ứng đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất xử lý ngay các ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế để ngăn chặn bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.
 
Đồng thời, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở trong việc phát hiện và thu dung điều trị bệnh nhân. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị y tế cần nắm bắt rõ tình hình thực tế tại địa phương để có những kế hoạch cụ thể và các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, đạt hiệu quả cao.  
 
Theo bác sỹ CKI Huỳnh Công Hùng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Bình): SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Muỗi vằn là vật chủ trung gian truyền bệnh, loài muỗi này hay đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà. Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) một cách triệt để; tâm lý chủ quan cộng với tình hình thời tiết đang bước vào thời điểm giao mùa dễ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển mạnh và gây bệnh. 
Các dơn vị y tế chủ động phun hoá chất diệt muỗi tại các địa phương có nguy cơ cao.
Các đơn vị y tế chủ động phun hoá chất diệt muỗi tại các địa phương có nguy cơ cao.
Với mục tiêu khống chế tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, không để dịch lớn xảy ra cũng như đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống SXH, CDC Quảng Bình phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã,  thành phố chủ động giám sát ca bệnh, điều tra muỗi, lăng quăng để theo sát sự biến động bất thường của các chỉ số vector truyền bệnh tại các vùng trọng điểm. Từ đó, các biện pháp can thiệp được triển khai để ngăn chặn sự bùng phát dịch một cách kịp thời, hiệu quả.
 
Đặc biệt, những ngày vừa qua, CDC Quảng Bình đã phối hợp phun chủ động hóa chất diệt muỗi phòng, chống SXH tại các xã điểm Trung Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch), Lộc Thủy (Lệ Thủy) và tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch SXH cũng như các dịch bệnh mùa hè đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.
 
Quảng Ninh là một trong 2 địa phương có số ca mắc SXH cao từ đầu năm đến nay, theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh Nguyễn Kim Thành, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch SXH; chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn lập kế hoạch phòng, chống dịch SXH tại địa phương cũng như tăng cường công tác giám sát các ca bệnh SXH để hướng dẫn người dân điều trị kịp thời, không để bệnh trở nặng.  
Cán bộ y tế hướng dẫn cho người dân diệt lăng quăng, bọ gậy một cách triệt để, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển và gây bệnh SXH.
Cán bộ y tế hướng dẫn cho người dân diệt lăng quăng một cách triệt để, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển và gây bệnh SXH.
Bên cạnh đó, các địa phương phát huy vai trò của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân trong công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Cán bộ của trung tâm y tế huyện tăng cường công tác giám sát điều tra chỉ số côn trùng, nhất là các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Song song, phối hợp với bệnh viện đa khoa huyện giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để khoanh vùng dịch tễ; chủ động phun hoá chất tại các xã, thị trấn có nguy cơ cao. Trung tâm cũng đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị máy móc, thuốc, hoá chất, nhân lực để kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. 
 
Bác sỹ Nguyễn Hữu Tuân, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận vào điều trị nội trú cho 9 bệnh nhân SXH. Cùng công tác điều trị, chúng tôi đã tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH cho bản thân cũng như gia đình nhằm giảm bớt nguy cơ bùng phát dịch SXH trên địa bàn...", 
 
“Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Thời tiết của tỉnh đang bước vào thời điểm giao mùa, nếu người dân không dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường xung quanh… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng, phát triển, kéo theo nhiều ca bệnh SXH xuất hiện...”, bác sỹ Tuân nhấn mạnh.
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống SXH, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống SXH trước mùa dịch; cùng  các địa phương tăng cường các hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tham gia vào công tác phòng, chống SXH. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH; đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Cùng với đó, Sở Y tế có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện...

Nội Hà

tin liên quan

Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025

(QBĐT) - Ngày 17/5, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 807/KH-UBND về Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025.

Hướng dẫn mới về sàng lọc, phân luồng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám chữa bệnh

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh.

Bản tin Covid-19: Thêm 4 bệnh nhân ra viện

(QBĐT) - Trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 18/5/2022 đến 6 giờ ngày 19/5/2022), Quảng Bình có 3 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, 4 bệnh nhân ra viện. Hiện, tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện là 16 ca.