Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện cứu hộ ở Phong Nha-Kẻ Bàng

  • 07:42 | Thứ Năm, 28/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tình yêu, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết trong công việc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (CHBT-PTSV) thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì, bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD), thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng…
 
Công việc lặng thầm
 
Tháng 3/2022, VQG PN-KB tiếp nhận 7 cá thể hổ Đông Dương từ VQG Pù Mát (Nghệ An), mỗi con có trọng lượng trung bình từ 56-64kg. Qua hai năm nuôi dưỡng, chăm sóc, các cá thể hổ nay đã lớn nhanh, khỏe mạnh, hiện, con có trọng lượng lớn nhất đã hơn 1,5 tạ. Để có được những thành quả đó, vai trò của các nhân viên, chuyên gia ở khu cứu hộ ĐVHD rất đáng ghi nhận.
 
Anh Cao Quý Hà (SN 1985), nhân viên chăm sóc hổ tại khu cứu hộ ĐVHD thuộc Trung tâm CHBT-PTSV chia sẻ, chăm sóc thú dữ, đặc biệt như hổ là công việc rất khó khăn và không để sơ suất xảy ra. Vì thế, thái độ thân thiện, cởi mở của người chăm sóc là yếu tố rất quan trọng. Không những vậy, mỗi cá thể hổ còn có những tập tính, sinh hoạt khác nhau, vì vậy, người chăm sóc hổ cũng cần phải hiểu được tập tính, những điểm yêu thích của từng cá thể để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp, giúp từng cá thể hổ vui vẻ thư giãn, giảm stress hiệu quả nhất…
  Ảnh 1,2:
Cá thể hổ Đông Dương được chăm sóc tại khu cứu hộ động vật hoang dã.
“Mỗi ngày, các cá thể hổ ăn hai lần và thường xuyên thay đổi món ăn. Ngoài hơn 3kg khẩu phần ăn, gồm: Thịt thỏ, gà, bò, heo…, chúng tôi còn chú trọng đến việc theo dõi sức khỏe của chúng qua kiểm tra việc tiêu thụ thức ăn hàng ngày. Hiện, ở đây, chúng tôi cấm người ngoài, người lạ tiếp cận những cá thể hổ để tránh cho chúng bị stress, bỏ ăn…”, anh Hà cho hay.
 
Gặp chị Trần Mai Chi (SN 1995), nhân viên của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD)-tổ chức khoa học-công nghệ của Việt Nam-đang mở cửa để vào lồng chăm sóc các cá thể rùa sa nhân ở khu cứu hộ ĐVHD. Mai Chi là người ở TP. Hồ Chí Minh, chị mới về làm cán bộ ở khu cứu hộ ĐVHD từ năm 2023. Trước đây, Mai Chi đã có thời gian làm việc ở Trung tâm CHBT-PTSV Hoàng Liên thuộc VQG Hoàng Liên (Lào Cai).
 
“Công việc hàng ngày của chúng tôi là vệ sinh chuồng trại, đưa thức ăn cho các ĐVHD; theo dõi sức khỏe, tập tính của các cá thể để đưa ra biện pháp, giải pháp chăm sóc, cứu hộ phù hợp trước khi ĐVHD được tái thả về môi trường tự nhiên…”, Mai Chi chia sẻ.
 
Trò chuyện với các nhân viên nơi đây, chúng tôi vỡ ra được nhiều điều ý nghĩa về công việc họ làm. Giữa những cánh rừng bạt ngàn, cuộc sống và công việc hàng ngày cứ âm thầm, lặng lẽ. Với họ, ngoài 7 cá thể hổ Đông Dương đang được chăm sóc, hiện tại khu cứu hộ ĐVHD còn chăm sóc 74 loài ĐVHD quý hiếm khác, như: Khỉ, trăn, công má vàng, rùa, chim hồng hoàng, thú ăn thịt nhỏ…
 
“Nhìn những cá thể ĐVHD được cứu hộ phát triển khỏe mạnh, sau đó tái thả về với môi trường tự nhiên trong VQG PN-KB là niềm hạnh phúc lớn nhất với những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD như chúng tôi…”, anh Phạm Kim Vương, phụ trách Phòng Cứu hộ động vật thuộc Trung tâm CHBT-PTSV cho hay.
 
Nằm đối diện với khu cứu hộ ĐVHD là điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường vườn thực vật thuộc Trung tâm CHBT-PTSV. Vườn thực vật được thành lập từ năm 2007, là nơi lưu giữ nguồn gen nhiều loài thực vật rừng quý hiếm.
 
Anh Lê Thuận Kiên, phụ trách Phòng Bảo tồn và giáo dục môi trường cho biết, vườn thực vật hiện chăm sóc, bảo tồn các giống gen quý hiếm, như: Lim xanh, gụ lau, bách xanh, kim giao, phong lan; đồng thời đây cũng là nơi tham quan, nghiên cứu, học tập lý tưởng cho các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo và  học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh…
 
Nỗ lực cứu hộ bảo tồn
 
Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng nghìn cá thể ĐVHD, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được Trung tâm CHBT-PTSV tiếp nhận, chăm sóc, nghiên cứu và tái thả về môi trường tự nhiên.
 
“Đề nghị các cấp, đơn vị có thẩm quyền cần phê duyệt đề án điều chỉnh phạm vi, lộ trình tham quan điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường vườn thực vật; kêu gọi đầu tư, liên doanh liên kết trong việc khai thác các tiềm năng lợi thế; hỗ trợ sửa chữa cơ sở hạ tầng để bảo đảm phục vụ cho hoạt động BT và PTSV; xây dựng khu bán hoang dã cho hổ và hệ thống hành lang an toàn trong khu cứu hộ ĐVHD…”, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm CHBT-PTSV Trần Ngọc Anh cho biết.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm CHBT-PTSV Trần Ngọc Anh cho biết, năm 2023, đơn vị đã cứu hộ và chăm sóc 128 cá thể ĐVHD thuộc 31 loài; thả về môi trường tự nhiên 48 cá thể thuộc 17 loài; tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 94,5%; tiến hành thu thập được 4.888 hạt giống cây bản địa, thuộc 7 loài để nhân giống bảo tồn nguồn gen; sản xuất được 5.225 cây giống bản địa thuộc 10 loài; trồng bảo tồn 281 cây bản địa thuộc 4 loài có giá trị kinh tế, cảnh quan; thả 199 giò lan (212,7kg) thuộc 4 loài về môi trường tự nhiên tại vườn thực vật; tổ chức đón và phục vụ an toàn cho 21.092 lượt khách đến tham quan tại vườn thực vật . Trong đó có 2.217 khách Việt Nam; 18.875 khách quốc tế…

Ông Trần Ngọc Anh cho biết thêm, dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác BT-PTSV vẫn còn những khó khăn, thách thức, như: Cơ sở hạ tầng cho hoạt động BT-PTSV chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và chưa thực sự bảo đảm các tiêu chuẩn để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; chi phí cho hoạt động cứu hộ ĐVHD khá tốn kém nhưng kinh phí đặc thù do ngân sách nhà nước cấp những năm qua khá thấp, chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Trung tâm CHBT-PTSV là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, có nhiều hoạt động sự nghiệp đặc thù, như: CH, BT, phát triển động vật rừng, thực vật rừng, giáo dục môi trường và phải vận hành cùng lúc nhiều cơ sở hoạt động độc lập, nhưng nhân sự ít, nguồn thu hoạt động sự nghiệp thấp nên rất khó khăn…
Ngọc Hải

tin liên quan

Những cụ già sống khỏe quê tôi

(QBĐT) - Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những cụ già quê tôi "sống khỏe". Còn tất nhiên rồi, bởi vì họ là những nông dân "cổ cày, tay trâu" nên làm gì có "của để dành" và có "nhiều người biết đến".

Đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại

(QBĐT) - Một tour du lịch hơn cả một trải nghiệm khi ở đó, những cựu chiến binh (CCB) đã từng đi qua khói lửa chiến tranh như được tìm về với ký ức, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã khuất. Tour du lịch này còn được kỳ vọng sẽ góp phần "đánh thức" một vùng biên cương vốn heo hút, khó nghèo.

Công nghệ tưới thông minh hỗ trợ nông nghiệp thời 4.0

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm (tưới béc phun, tưới nhỏ giọt… theo công nghệ Israel) trong sản xuất nông nghiệp. Đây được đánh giá là xu hướng phát triển mới, đem lại nhiều hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới xây dựng nền NN thông minh.