Có một "cây" mai vững vàng trước sóng gió
(QBĐT) - Trước thềm xuân mới, mai vàng lại khoe sắc khắp nơi. Những người trồng hoa kiểng thật khéo chăm bón để hoa mai không bao giờ gặp gió bão, làm đẹp thêm cho những ngày Tết…
Vậy nhưng có một…“cây” mai nay đã thọ ngoại bát tuần, trải bao sóng gió vẫn không nghiêng ngả. Bạn có ngạc nhiên không, khi “cây” mai đó là kỹ sư cao cấp Võ Khắc Mai, quê làng Mỹ Lộc (xã An Thủy, Lệ Thủy)! Tôi gọi anh là một “cây” vì chợt nhớ không ít người từng gọi các nhà văn nổi tiếng về một thể loại nào đó là “cây”; ví như: “Cụ Nguyễn Tuân là một “cây” bút ký khó ai sánh được!...” Chúng ta cũng từng biết trong lao động có người được tặng danh hiệu “cây sáng kiến”-loại danh hiệu không có bằng khen nhưng không dễ đạt đến!
Có thể nói Võ Khắc Mai là một con người như thế. Thân phụ anh là cụ Võ Khắc Triển (1883-1966), tiến sĩ (TS) cuối cùng của triều Nguyễn; một con đường ở TP. Đồng Hới vừa được mang tên cụ, nên nhiều người đã biết. Trong những người con của Cụ, Võ Khắc Mai là một trong số con cháu họ Võ đã nối tiếp truyền thống vẻ vang của gia tộc và quê hương một cách xuất sắc.
Anh hơn tôi 2 tuổi, nhưng năm 1964 mới tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Anh vào đại học muộn do tuổi thơ “loanh quanh” với các trường phổ thông khi Quảng Bình bị thực dân Pháp tái chiếm. Tuy vào đại học muộn, nhưng suốt từ cấp tiểu học, anh luôn là học sinh giỏi, nên ra trường, đến đâu anh cũng chứng tỏ khả năng vượt trội của mình, được chọn cử đến những “điểm nóng”, xử lý những vấn đề kỹ thuật khó khăn.
Cuối năm 1964, sau khi tốt nghiệp, anh lên vùng núi làm tổ trưởng tổ khảo sát công trường 113 mở đường từ Yên Bái đi Lào Cai. Tiễn con lên đường, cụ Võ Khắc Triển lúc đó đã hơn 80 tuổi, chỉ có chiếc bánh bao cho anh ăn khi đói lòng, nhưng lời bố dặn dò thì suốt đời anh noi theo: “Con phải sống sao cho trên mến, dưới yêu, không luồn cúi bợ đỡ cấp trên và chèn ép, quát nạt cấp dưới. Nhà nước giao cho công việc gì dù lớn, dù nhỏ, cũng là để làm việc cho dân cho nước, đừng lấy đó làm cửa quyền”.
Hoàn thành công trình ở Yên Bái, rồi tìm đường tránh đèo Lũng Lô, với thành tích 3 năm liền là chiến sĩ thi đua, đúng vào dịp Tết Mậu Thân-1968, khi đồng bào cả nước náo nức nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà…” thì anh được Bộ điều vào “Ban 67”-đơn vị đặc biệt phụ trách vùng tuyến lửa vừa thành lập…
Từ đó cho đến ngày Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, với cương vị chủ chốt của Phòng Kỹ thuật, anh liên tục được cử đến giải quyết những “điểm nóng” tại hai tuyến vượt Trường Sơn trọng yếu là đường 20, đường 12A và đã không biết bao lần suýt chết vì bom đạn và bệnh sốt rét. Trước thềm xuân Kỷ Dậu-1969, trong khi Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc nhưng tập trung đánh phá ác liệt các cửa khẩu đường 20 và đường 12A, dù anh đang bị sốt rét rất nặng, công trình sư Phan Trầm (Trưởng ban 67) đã tin cậy giao anh phải tìm cho được đường tránh đèo Mụ Giạ.
Anh đã chống gậy lên đường, có hai tiểu đội công binh và y sĩ mang thuốc đi theo và anh đã tìm được đường tránh Phou-toóc-vu cách đèo Mụ Giạ 1km… Giữa 2 cơn sốt trong những ngày giáp Tết rét mướt trên đỉnh Trường Sơn, chàng kỹ sư 32 tuổi say mê tìm đường mới, quên cả chuyện tìm… nàng dâu cho người mẹ già đang mỏi mắt trông đợi ở quê nhà nhưng hồn thơ vẫn dâng tràn: “Có phải nơi đây gọi Cổng Trời/Sáng đầy sương núi tựa trùng khơi/Giăng Màn một dải in tranh vẽ/Đất nước ta sao đẹp tuyệt vời...”.
Nhưng như một câu ca dân gian “Hoa đến thì, hoa phải nở”, chàng kỹ sư sau bao năm lăn lộn trên tuyến lửa Quảng Bình rồi cũng đến lúc lọt vào “mắt xanh” người đẹp quê Xuân Ninh. Nàng từng là chiến sĩ thanh niên xung phong đại đội 737, từng tham gia trận chiến đấu bi tráng cùng cả nghìn người dân hai xã Hạ Trạch, Bắc Trạch cứu chữa đoạn ngầm bờ Nam sông Gianh cho đoàn tên lửa SAM đi vào Vĩnh Linh; sau đó được đi học trở thành y tá. Một ngày xuân đầu năm 1970, khi Quảng Bình tạm vắng tiếng bom, chàng kỹ sư đến chữa vết thương ở chân tại Bệnh viện 24 thuộc Ban 67 thì gặp nàng. Thế là nên duyên!...
Trong rất nhiều công trình đó, anh đặc biệt nhớ tới thời gian khôi phục cầu Hiền Lương năm 1974, nối lại đôi bờ “sông tuyến” và nhiều cầu lớn trên tuyến đường sắt Thống Nhất đồng loạt được khôi phục đúng vào một năm Rồng-năm Bính Thìn-1976. Đó là các cầu: Mỹ Trạch, Phú Hòa, Mỹ Đức, Phú Kỳ. Sau khi về giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật ở cầu Roòn, anh chuyển dần vào các công trình từ Đà Nẵng trở vào… Người ta còn nhắc nhiều tới anh là tác giả chính của sáng kiến những con “đường cứu nạn”-công trình đậm tính khoa học và nhân đạo này đã cứu được hàng trăm con người thoát chết khi xe đứt phanh không bị trôi xuống vực sâu…
Sau ngày nghỉ hưu (năm 1997), rời cương vị Phó Tổng Giám đốc Khu Đường bộ 5, anh định cư tại Đà Nẵng là vì thế. Tuy vậy, với quê hương Quảng Bình và họ tộc, anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thiết kế xây lại nhà thờ họ Võ Khắc, làm phiên bản bia TS từ Văn Thánh Huế có tên cụ Võ Khắc Triển về dựng trước nhà thờ, hàng năm tổ chức họp họ, cùng nhau tôn tạo lăng mộ ông bà, tổ chức Chi hội Khuyến học, vận động 1.000 cuốn sách cho thư viện nhà trường…
Tháng 6 vừa qua, anh rủ tôi về quê Lệ Thủy họp họ. Thật tiếc là do sức khỏe có hạn, tôi không về chứng kiến cuộc hội tụ đông vui con cháu họ Võ Khắc ba miền bên dòng Kiến Giang, vùng đất đã sinh thành nên không ít nhân vật tài danh của đất nước.
Năm Rồng này, anh Võ Khắc Mai đã xấp xỉ cửu tuần; vậy mà bộ tiểu thuyết dài hơn nghìn trang lấy bối cảnh đường 12A và cuốn sách mới xuất bản của tôi, anh đọc xong rất nhanh, lại còn viết bài bình luận dài hơn chục trang-trong đó, nhân câu chuyện tôi viết về cuộc đấu tranh thực hiện các sáng kiến, anh hăng hái kể lại mấy lần anh cũng phải gặp các cán bộ cao cấp như ông Đồng Sỹ Nguyên, Lê Ngọc Hoàn mới bảo vệ được những phương án có lợi trong việc xây dựng các công trình lớn, như: Đường dây tải điện 500kV và đường Hồ Chí Minh… Cũng là một câu chuyện cũ nhưng hẳn là vẫn có ý nghĩa đến hôm nay…
Xin được gọi anh là một “gốc mai cổ thụ” vẫn không ngừng nở hoa…
Nguyễn Khắc Phê