Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

  • 07:53 | Thứ Hai, 22/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc khai thác quá mức, bất hợp pháp dẫn đến sự suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên biển cũng như vùng nước nội đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác, chế biến thủy sản (TS) và đời sống ngư dân. Để bảo vệ và phát triển ngành TS bền vững, các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ NLTS, phát triển ngành nuôi trồng TS bền vững.
 
Bài 1: Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm
 
Thời gian qua, nghề khai thác, đánh bắt TS ở Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, cũng chính vì khai thác quá mức cho phép nên NLTS đang dần cạn kiệt, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm ven bờ đang dần biến mất.
 
Nỗi lo "biển cạn"…
 
Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116km với 5 cửa sông đổ ra biển; có vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km² hình thành nên các ngư trường với trữ lượng lớn. Bên cạnh đó, vùng nước nội thủy khá lớn với nhiều sông, suối, hồ, đập, phá... đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển khai thác và nuôi trồng TS.
 
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục TS Lê Ngọc Linh thì hiện nay, TS khu vực gần bờ cũng như TS nội đồng trên địa bàn tỉnh đang giảm dần cả về trữ lượng cũng như chất lượng đánh bắt được. Mặc dù tổng sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước nhưng chất lượng không tăng, hải sản có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước.
 
Tại bến cá chợ Đồng Hới (TP. Đồng Hới), chúng tôi được chứng kiến tàu cá của ông Nguyễn Trà Giang, xã Quang Phú cập bến sau chuyến biển kéo dài 4 ngày. Chuyến biển này, tàu ông được đánh giá là chuyến biển thắng lợi, nhưng ông vẫn không vui bởi số lượng thì nhiều nhưng hơn 2 phần là cá tạp và ghẹ dăm, còn lại chỉ được khoảng 50-80kg tôm bộp, mực và khoảng 2 tạ cá bơn, cá chai, cá đuối... có giá trị.
Các loài hải sản giá trị ở gần bờ ngày càng khan hiếm.
Các loài hải sản giá trị ở gần bờ ngày càng khan hiếm.
Theo ông Giang, trước đây, tôm, mực nhiều nên anh em đi về chia nhau tiền công ít cũng được 800.000 đồng/ngày nhưng hiện nay, TS khan hiếm, bạn thuyền đi biển về cũng chỉ được 300-400.000 đồng/ngày, nhiều lúc thời tiết không thuận lợi, tàu không đánh bắt được thì phải chịu lỗ. Nghề khai thác, đánh bắt TS nơi đây cơ bản chỉ bảo đảm cuộc sống của ngư dân chứ khó để làm giàu từ biển như trước.
 
Tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh), hiện là thời gian chính vụ của loài cá khoai nhưng theo ngư dân, loài cá này đang ngày càng khan hiếm, mặc dù giá cao nhưng cũng không có để bán, chuyến nào may mắn thì được 30-40kg, còn không thì chỉ được 3-5kg. Mặc dù cá khoai có giá thành cao nhưng khan hiếm nên nhiều ngư dân phải bỏ lưới đánh bắt các loại cá khác, như: Trích, cá đù..., giá thấp nhưng số lượng nhiều.
 
Không chỉ tàu đi biển, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng. Do lượng hải sản đánh bắt giảm mạnh nên 5 tàu hậu cần thu mua hàng tươi sống gồm: Tôm, ghẹ, ốc, cá mú… ở vùng lộng của ông Đào Xuân Dũng, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) nay chỉ còn 3 chiếc. Ông Dũng cho biết: Hiện 3 tàu dịch vụ của ông chỉ hoạt động vào mùa vụ chính đánh bắt còn mùa thu và mùa đông chỉ hoạt động 1 tàu vì không có hải sản để thu mua. Trước đây, mỗi chuyến thu mua được khoảng 1 tấn tôm, ghẹ nhưng nay chỉ còn 5-7 tạ hải sản là phải vào bờ vì không có hàng để gom. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì chỉ vài năm tới, không chỉ vùng bờ mà vùng biển khơi cũng có nguy cơ cạn kiệt NLTS.
 
Thủy sản nội đồng trở nên khan hiếm
 
Với hệ thống sông ngòi dày đặc, các loại tôm, cá trên địa bàn tỉnh luôn phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài TS chưa cao nên tình trạng khai thác trái phép NLTS trên địa bàn tỉnh còn diễn ra khá nhiều, nhất là các hình thức đánh bắt mang tính tận diệt.
Khai thác tận diệt khiến các loài thủy sản không có cơ hội để lớn.
Khai thác tận diệt khiến các loài thủy sản không có cơ hội để lớn.
Một trong những dụng cụ đánh bắt TS mang tính tận diệt và nguy hiểm đến tính mạng con người hiện nay là dùng xung điện. Mặc dù đã có quy định cấm, nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện để bắt cá vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào ban đêm trên các cánh đồng lúa, trên sông, phá…
 
Nói về lý do mạo hiểm dùng xung điện, một người dân chuyên đánh bắt cá trên phá Hạc Hải (Lệ Thủy) bày tỏ: “Không phải tôi làm nghề đánh cá này quanh năm mà chỉ làm vào mùa nước nổi để kiếm thêm thu nhập. Lý do khiến tôi buộc phải sử dụng xung điện là vài năm trở lại đây, cá tôm trên sông chẳng còn nhiều. Nếu dùng câu, lưới như chục năm về trước thì giăng suốt ngày có khi không có con cá nào”.
 
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, năm 2023, lực lượng chức năng huyện đã xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp khai thác TS nước ngọt bằng xung điện. Các đối tượng vi phạm tập trung ở các xã An Thủy, Hoa Thủy, Hồng Thủy, Phong Thủy, Xuân Thủy, thị trấn Kiến Giang… Mặc dù các địa phương đã mở nhiều cuộc ra quân kiểm tra, xử lý, tuyên truyền, song lực lượng tại các địa phương hiện nay vẫn còn mỏng, phương tiện kiểm tra còn hạn chế nên công tác quản lý bảo vệ NLTS vẫn chưa thật sự hiệu quả.
 
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.600 phương tiện tàu thuyền khai thác TS từ 6m trở lên nhưng tàu cá khai thác xa bờ chỉ có 1.168 chiếc, còn lại chủ yếu là tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ và vùng lộng. Việc mất cân đối giữa hai lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ chính là mối lo trong tương lai khiến NLTS ven bờ của tỉnh ngày càng suy giảm.

Theo ông Lê Ngọc Linh, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm NLTS là do việc khai thác quá mức nên dẫn đến suy thoái hệ sinh thái gần bờ, ngư dân sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt và các công cụ khai thác bất hợp pháp. Nhiều ngư dân sử dụng mắt lưới quá nhỏ nên tận diệt các loài TS, không cho chúng có cơ hội lớn. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp quá nhiều của người dân cũng đã dẫn đến môi trường nước trên các sông suối, đầm phá ảnh hưởng, một số loài TS giảm đáng kể, như: Cá ngạnh, tôm đất, cá diếc…

Trước tình trạng này, để hoạt động khai thác, bảo vệ NLTS phát triển bền vững, thực sự là thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu khai thác vùng ven bờ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như công tác bảo vệ NLTS đến từng ngư dân.
Thanh Hoa
 
>>> Bài 2. Đa dạng giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

tin liên quan

Bảo Việt Nhân thọ Quảng Bình phấn đấu đạt doanh thu 650 tỷ trong năm 2024

(QBĐT) - Với chủ đề "Nâng tầm chất lượng, vững vàng vị thế", ngày 21/1, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Quảng Bình đã tổ chức ngày hội ra quân năm 2024. 
 

Sinh kế bền vững từ cây sả chanh

(QBĐT) - Nhiều năm trở lại đây, sả chanh trở thành cây thoát nghèo của nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Tận dụng diện tích đất đồi dốc, người dân đã trồng sả để sản xuất tinh dầu đem lại thu nhập cao, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.

Viên nén năng lượng-xu thế sản xuất xanh

(QBĐT) - Tại báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch phát triển ngành Công thương năm 2024, một con số gây chú ý đối với nhiều người đó là sản phẩm viên nén năng lượng sản xuất đạt 60 nghìn tấn (tương đương 114 nghìn mét khối), tăng trên 500% so với cùng kỳ năm 2022.