.

Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 2: K8-Cuộc "Thiên di" chan chứa tình người

.
10:30, Thứ Tư, 26/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày xa nhà đi K8, tôi mới 9 tuổi, đi trong bom đạn, đi trong nỗi ngơ ngác xen lẫn niềm hứng khởi của một chuyến đi xa và đi mà không biết khi nào về lại, đặc biệt đâu biết sẽ có ngày hôm nay ngồi viết thế này. Cho nên nhiều chuyện hoặc đã bị quên, hoặc nhớ không chính xác, nhất là thời gian và địa điểm...
 
Đêm đầu tiên, đò đưa chúng tôi về đâu thì tôi bị quên, chỉ có điều này là tôi nhận ra và nhớ: Đoàn chúng tôi từ Lệ Thủy đi là đông có đến trên trăm bạn, với độ tuổi nhiều nhất là cỡ 12 - 13; còn thấp nhất là 6 thậm chí là 5 tuổi.
 
Chúng tôi được chia ra các đoàn nhỏ 20 – 30 bạn, và do 2-3 người (thanh niên, hoặc thầy cô giáo) được gọi là “hộ tống”, đi theo chăm sóc, giúp đỡ, hướng dẫn cho chúng tôi mọi việc. Chúng tôi chỉ biết ăn, ngủ và đi theo đúng lời chỉ dẫn của anh chị hộ tống.
 
Hộ tống đoàn chúng tôi là có 2 người: một chị (tôi không nhớ tên, chỉ nhớ là còn trẻ măng, trắng, rất hiền) và thầy Điền (thầy là anh ruột của bạn tôi – bạn Nguyễn Văn Tăng, sau này là BS CK Nhi, học cùng ĐHY Hà Nội với tôi, nhưng bạn Tăng đã mất cách đây mấy năm).
 
Nhớ những đêm đầu, chúng tôi được chia thành nhóm nhỏ nằm ngủ trong hầm trú ẩn của các nhà dân. Cả nhóm nằm, nhớ nhà, nhớ bố mẹ khóc. Lúc đầu thì thút thít, chị hộ tống nhắc thì còn nghe. Một lúc sau cứ khóc to dần, rồi đua nhau khóc như ri, có đứa gào to, khóc nức nở đòi về. Chị hộ tống nhắc, rồi dỗ, rồi dọa, không ai nín cả. Chị cũng muốn khóc luôn. Tình hình coi như vỡ trận!
 
Tôi lúc đầu cũng khóc, cũng thút thít, cũng gào to. Nhưng sau đó tôi nằm im, suy nghĩ và rồi đột ngột bật dậy, đứng lom khom, tay bám chặt vào 2 cái cột hầm chữ A, rồi hét to: “Răng mà lại khóc! Cậu Khôi tau đi bộ đội, đánh giặc ở miền Nam mà còn không khóc, không sợ chi cả, không nhớ nhà, không nhớ ba mạ chi cả! Răng mà miềng khoo…o óc! Không khóc! Không khóc!”. (Nhà tôi có ông cậu ruột tên là Trần Văn Khôi. Cậu Khôi đi bộ đội và khi ấy đã là sỹ quan cao cấp, đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam).
 
Nói xong tôi nằm xuống. Tự nhiên cả bọn im bặt, rồi thiếp vào giấc ngủ khi nào không biết! Sáng mai, vừa tỉnh dậy, ra khỏi hầm chị hộ tống xoa đầu tôi và nói: “Túi (tối) qua Trí dũng cảm hung! Đáng biểu dương nghe!”.
 
 
Đoàn chúng tôi dừng ở Võ Ninh, vào ở trong các nhà dân. Cả xóm tất bật, nhưng lặng lẽ chuẩn bị cơm nước cho chúng tôi để tối đó vượt qua sông Nhật Lệ. Tôi nhớ khoảng chạng vạng tối, thì chúng tôi được lệnh qua sông. Chúng tôi mau lẹ nhảy lên con đò của mụ Suốt (quê tôi “mụ” là “bà”).
 
Chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Mụ Suốt chèo đò sang sông Nhật Lệ tề!” Đó là một người phụ nữ phải gần 60 tuổi, to khỏe và rất nhanh nhẹn. Mẹ Suốt giục bọn trẻ lên đò, bắt ngồi xuống trong lòng con thuyền khá rộng của mẹ. Lúc thuyền cập bến, chúng tôi không trèo lên được mạn thuyền để nhảy lên bờ, mẹ Suốt đã “cắp nách” từng đứa rồi nhẹ nhàng đặt lên bờ và không quên dặn: “Đi khỏe, an toàn con hí”.
Cuộc  "thiên di " lịch sử-ký họa của Văn Sỹ Nhật, một cựu học sinh K8.
Cuộc "thiên di" lịch sử-ký họa của Văn Sỹ Nhật, một cựu học sinh K8.

Dọc đường đi của đoàn K8 rất hay gặp máy bay địch chặn đánh. Đây là nỗi lo thường trực hiện rõ trên khuôn mặt của các anh chị hộ tống, trưởng các đoàn và cả các bạn lớn tuổi trong đoàn K8 chúng tôi. Nhưng mọi chuyến đi đều trót lọt, đều an toàn. Vì đến đâu, dù chỉ dừng chân tạm thời vì phía trước có bom, có từ trường chưa sang sông được... thì đã thấy ngay chính quyền địa phương xuất hiện để tìm cách giúp đỡ cho chúng tôi.

Nhân dân đùm bọc, che chở chúng tôi. Bà con nhường hầm cho K8 ngủ. Còn nhớ, khi đến Hà Tĩnh, Nghệ An có nhà còn nấu cơm nếp, làm thịt gà cho chúng tôi ăn, vì biết “chắc bọn nó đói và thèm lắm, tội nghiệp!”. Tôi mang đi mấy cái quần áo cũ và rách, nhưng vẫn có đủ để dùng vì rất hay được gia đình các mẹ kiểm tra túi dết cá nhân, rồi nhét thêm, hoặc bỏ áo rách ra mà cho thêm áo lành vào...

Dẫn chúng tôi đi, thường có những “giao liên” - đó là những người nhanh nhẹn, tháo vát, có người hát hay, hò giỏi, kể chuyện rất hấp dẫn. Câc anh, chị thường ăn vận gọn gàng, đội mũ tai bèo, tay chống gậy, lưng đeo túi dết. Mệnh lệnh các anh chị đưa ra là tất cả phải răm rắp nghe theo. Chúng tôi rất chóng thân với nhau. Các anh chị thường cõng các bạn bị mệt trong đoàn, hoặc bế từng đứa chúng tôi qua suối, qua dốc; có khi thì đẩy chúng tôi vào hầm, khi thì kéo chúng tôi chạy vượt qua những chùm đèn pháo sáng của địch đang treo trên đầu...

Kỷ niệm với các bạn trong đoàn dù sâu sắc, nhưng cũng không nhớ hết nổi, vì đã hơn 50 năm rồi còn gì nữa! Tôi chắc là rất nhiều vì nhỏ như vậy, xa nhà như vậy, khổ như vậy và khó khăn như vậy… thì kỷ niệm phải là đẹp lắm.

Chúng tôi rất thương yêu nhau. Tôi nhớ, có mấy đoạn hành quân, các anh chị hộ tống chia chúng tôi thành nhóm 3 người. Tôi cùng với em Minh (khoảng 7 tuổi) và em gái Thanh (khoảng 5 tuổi) thành một tổ. Tôi lớn tuổi hơn nên được chỉ định làm nhóm trưởng. Tổ ba người khi hành quân phải bám lấy nhau, khi ở thì thường ở cùng nhà dân với nhau, ngủ với nhau và giúp đỡ nhau trong mọi việc.
 
Em Minh, con trai, nghịch như "Tôn Ngộ Không”, chạy nhảy thoắt ẩn thoắt hiện. Quần áo của Minh, nó không bao giờ giặt. Tôi nhắc, thì Minh đưa ra giếng, ra ao, ra suối nhúng nước vừa ướt là lấy ra vắt rồi phơi lên. Tôi thấy ngay cả tay áo xắn cao vẫn chưa bỏ ra, thế lại lấy đi giặt cho Minh.
 
Còn em Thanh thì rất ngoan, đó là một cô bé trắng trẻo, tóc dài, hay mếu máo, nhưng không khóc thành tiếng. Dọc đường hành quân em thường đi tụt dần, tụt dần, tôi cứ phải đi cạnh động viên, dắt tay, khoác vai. Rồi có khi Thanh ngồi thụp hẳn xuống đường phụng phịu: “Không đi nữa mô!”. Thế là tôi vừa phải trông chừng Minh, vừa phải cõng em Thanh đi. Hai cái túi dết tư trang của tôi và Thanh cứ lủng lẳng trước ngực. Tôi thương hai đứa hơn cả người ruột thịt.
 
Có lần, vừa đến một địa phương nào đó, có lẽ ở huyện Bố Trạch thì phải (?). Ba anh em vừa nhận một nhà dân xong, chỉ chớp mắt em Minh đã chạy đi đâu chơi mất. Bỗng một trận bom tọa độ nổ vang trong xóm đó. Đất đá bắn rào rào. Tôi chỉ kịp kéo Thanh nhảy xuống hầm.
 
Bom vừa nổ xong, tôi nhảy vọt lên gọi tìm Minh. Mùi khói bom khét lẹt lan đến càng làm tôi lo lắng, tôi gào lên và chạy ra ngõ tìm Minh. Bỗng trong một bụi rậm rịt cây cối, lẫn mấy tảng đất vừa bị bom hất lên, có tiếng kêu ư ử như khóc, tôi chạy vội đến vì cứ tưởng tiếng người. Rồi một cái gì đen đen như đầu người tòi ra, rồi cái thân hình đen thui chui dần ra.
 
Trong đầu tôi lóe lên như điện giật ý nghĩ “Minh mặc áo đen!” (Tôi hay giặt áo cho Minh và biết: Minh toàn mặc áo đen. Hồi đó hầu hết chúng tôi đều mặc áo màu đen, màu tối để khỏi bị máy bay phát hiện).
 
Thế là tôi ôm chầm lấy cái bóng đen đó, mồm kêu: “Mi…inh ơi!”, mắt nhòa lệ vì mừng quá. Nhưng, cái bóng đen lắc lắc đầu, rồi dúi cái mõm vào ngực vào bụng tôi. Tôi định thần và nhận ra một con chó mực! Con chó mừng quá vì thoát chết và gặp được người, mồm tru lên, đuôi ngoáy liên hồi.
 
Vừa lúc, thì Thanh chạy đến sau lưng tôi, kéo áo tôi và nói trong ngạc nhiên xen lẫn hốt hoảng: “Con chó mực eng Trí hè!”. Tôi lau vội nước mắt và quay lại kéo tay em Thanh định chạy đi tìm Minh tiếp. Chợt, thằng Minh chạy về đứng ngay ngắn trước mặt tôi và mọi người, rồi đưa tay lên chào kiểu nhà binh: “Em có đây eng Trí nì!”. “Trời đất ơi, mi đi mô mà…tau lo quá Minh ơi!”- Tôi hét lên mừng rỡ, rồi ôm chầm lấy Minh. Nó ngúc ngắc trả lời: “Em chạy qua xóm bên chơi. Nghe bom nổ, xong em về đây nì!” Nói xong Minh cười toe toét! Ba anh em chúng tôi ôm lấy nhau, mừng ơi là mừng!
 
Ra đến Thanh Hóa, chúng tôi bị mất liên lạc hẳn từ đó đến nay. Không biết bây giờ Minh và Thanh ở đâu? Làm gì? Có khỏe mạnh không? Nếu đọc được bài này thì liên lạc với tôi ngay nhé!
 
Xin trở lại với những anh chị hộ tống. Trong quá trình đi đưa học sinh K8 ra Bắc thì các anh chị hộ tống rút dần về. Có thể các anh chị về lại Quảng Bình hoặc đi theo các công việc được phân công khác. Thế là có những cuộc chia tay thời chiến giữa người lớn với trẻ con hết sức cảm động. Nào là viết thư gửi về gia đình, nào là thêu khăn, vá áo, tập hát, tập múa… kỷ niệm.
 
Trước khi chia tay nhau, các anh chị hộ tống thường cho chúng tôi cắn vào tay của mình... để nhớ nhau nhiều hơn. Chúng tôi ra sức cắn vào vai, vào bắp tay các anh chị hộ tống. Đau lắm, nhưng vẫn nói “không đau, mi cắn nữa đi!”. Nói vậy, mà mặt ai cũng giàn giụa nước mắt!..
 
Đoàn K8 chúng tôi đã trải qua những lúc như vậy đấy! Quả thật hành trình của K8 là một cuộc "thiên di" chan chứa tình người!
 
GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí
 
Bài 3: Thanh Hoá-Miền quê trong ký ức
 

 

,
  • Sạt lở bờ sông Gianh: Nỗi lo trước mùa mưa bão

    (QBĐT) - Không chỉ "nuốt trôi" đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Gianh đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân định cư nơi đây.

    28/10/2018
    .
  • Trọn vẹn nghĩa tình đồng đội

    (QBĐT) - Từng sát cánh bên nhau qua những tháng năm kháng chiến của dân tộc, hòa bình lập lại, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa lại tiếp tục động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường.

    25/12/2018
    .
  • Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 1: Nghĩ về một tầm nhìn của Đảng và Nhà nước

    (QBĐT) - Trước hết, tôi xin cảm ơn những người bạn ở Lệ Thủy-Quảng Bình đã từng đi K8 đề xuất viết bài ôn lại ký ức của những ngày đi K8. Phải nói là đây là một việc rất đáng làm, nhưng lâu nay vì bận rộn, vì thiếu quyết tâm, vì thiếu người thúc giục…, nên không chịu làm. Thật có lỗi!

    25/12/2018
    .
  • "Người tình" sông Son

    (QBĐT) - Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: "Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ". Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với "người tình" sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.

    22/10/2018
    .
  • Những homestay, bungalow bên bờ sông Son

    (QBĐT) - Thời gian gần đây, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) không chỉ hấp dẫn du khách với hệ thống hang động kỳ vĩ, những thắng cảnh đẹp, hoang sơ mà còn tạo ấn tượng khó phai với những mô hình du lịch cộng đồng đẹp, lạ.

    21/10/2018
    .
  • Những người 'gieo chữ' dưới chân núi Giăng Màn

    (QBĐT) - Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây mù bao phủ, có những địa danh chỉ nghe tên đã thấy xa xôi, cách trở như Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Tà Vờng... Ở đó, có những thầy giáo, cô giáo đã hàng chục năm miệt mài cắm bản gieo từng con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa, niềm tin và hy vọng của con em đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này.

    18/11/2018
    .
  • Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn.

    11/11/2018
    .
  • Trên phá Tam Giang nghĩ về Hạc Hải

    (QBĐT) - Ngày cuối tháng 10 đầy nắng, theo lời mời của những người bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đến với phá Tam Giang–vùng đầm phá lớn bậc nhất Đông Nam Á.

    11/11/2018
    .