.

Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

.
09:48, Chủ Nhật, 11/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn. Năm nay, mưa thuận gió hòa, cây lúa rẫy được mùa to, người Mày, người Khùa ai cũng vui “cái bụng”…

Niềm vui được mùa

Những ngày này, khắp các bản làng của người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa), bà con đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch lúa rẫy. Bên mái Giăng Màn, giữa màu xanh trùng điệp của cây rừng, màu trắng của loài hoa lau là màu vàng óng ả của những rẫy lúa đang chín rộ.

Năm nay lúa rẫy được mùa, bông lúa dài và nhiều hạt nên người Khùa, người Mày ai cũng vui “cái bụng”.
Năm nay lúa rẫy được mùa, bông lúa dài và nhiều hạt nên người Khùa, người Mày ai cũng vui “cái bụng”.

Mặt trời đã đứng bóng, nhưng trên rẫy lúa trĩu nặng hạt mẩy, hạt vàng của mình ở lưng chừng mái núi Giăng Màn, gia đình anh Hồ Xinh, gồm vợ và 3 đứa con, ở bản Cha Cáp (Trọng Hóa) vẫn đang chăm chỉ tuốt từng hạt lúa vào gùi.

“Năm nay, mưa nhiều nên lúa rẫy tốt lắm, hạt nhiều và to đều. Cái rẫy này nhà miềng (mình) trỉa 3 gùi (mỗi gùi tương đương một thúng ở miền xuôi-PV) lúa, đến chừ (giờ) đã tuốt được 7 gùi, còn trên đó cũng được mấy chục gùi nữa. Mùa này nhà miềng không lo thiếu giạo ăn nữa rồi”, Hồ Xinh chia sẻ.

Chúng tôi theo chị Hồ Thị Bông, hàng xóm của anh Xinh, đi bộ cắt rừng 30 phút đến rẫy lúa của gia đình chị nằm ở ngọn đồi sau nhà. Đập vào mắt chúng tôi là ruộng lúa rẫy cao đến khuất đầu người đã ngã màu vàng óng, những bông lúa trĩu hạt, no tròn đong đưa theo gió nối liền nhau trên sườn đồi đẹp như một bức tranh phong cảnh.

Không giấu được niềm vui, chị Bông khoe: “Năm nay, nhà miềng phát 2 rẫy lúa. Vụ ni được mùa to, miềng bắt đầu tuốt những bông lúa chín từ ba ngày trước, được 10 gùi rồi. Trên rẫy còn nhiều lúa lắm, năm nay cả nhà miềng no cái bụng rồi”.

Trong niềm vui được mùa cùng bà con dân bản, ông Hồ Mai, một người có uy tín ở bản Cha Cáp vui vẻ: “Trải qua hơn 60 mùa rẫy, nhưng ít khi miềng thấy dân bản được mùa lớn như năm nay. Nhà nào cũng có nhiều thóc. Dân bản miềng không sợ cái đói nữa, ai cũng vui cái bụng!”.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, năm nay, bà con người Khùa, Mày ở 18 bản trong toàn xã sản xuất được khoảng 70ha lúa rẫy. Nhờ mưa nhiều, nên lúa rẫy của bà con được mùa, năng suất ước đạt gần 30 tạ/ha, có nhiều rẫy lúa năng suất đến 35 tạ/ha. Đến thời điểm hiện tại, lúa rẫy đã bắt đầu chín, xã đang chỉ đạo bà con tranh thủ những ngày nắng ráo để thu hoạch lúa, tránh thất thoát ngoài rẫy.

Cho lúa rẫy vào bao để mang về nhà.
Cho lúa rẫy vào bao để mang về nhà.

“Cây lúa rẫy vẫn là cây lương thực chủ đạo của bà con người Khùa, người Mày ở xã Trọng Hóa. Những năm gặp thời tiết không thuận lợi, mùa màng không tốt nên nhiều bà con vẫn thiếu ăn nhiều tháng trong năm. Năm nay, cây lúa rẫy được mùa như thế này, cùng với gạo giữ rừng, gạo hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã không còn lo cái đói, đặc biệt là những ngày giáp hạt”, ông Bắc nói.

Có một nền văn minh lúa rẫy

Theo các bậc cao niên ở 2 xã Dân Hóa, Trọng Hóa, từ xa xưa, người Mày và người Khùa ở đây đã có truyền thống sản xuất lúa rẫy. Đối với đồng bào người Khùa, người Mày, cây lúa rẫy không chỉ đơn thuần là một cây lương thực chủ lực để duy trì cuộc sống, mà còn ẩn chứa một nền văn minh riêng có, cũng không thua kém gì nền văn minh lúa nước ở đồng bằng.

Hàng năm, cứ bắt đầu vào tháng 3 âm lịch, bên mái Giăng Màn, đồng bào người Khùa, người Mày đã lên nương phát rẫy. Trước đây, chỗ nào thích là đồng bào cứ phát, nhưng những năm gần đây, nhận thức việc phát rừng làm nương rẫy bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến rừng, vì vậy, bà con chỉ phát ở vùng đất mà chính quyền xã và kiểm lâm cho phép.

Đồng bào cứ luân phiên nhau 3 năm phát một rẫy để tạo độ mùn, có chất dinh dưỡng cho cây lúa rẫy. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và bên dưới là phần đất khá màu mỡ. Lúc này, đồng bào người Khùa, người Mày mới bắt đầu trĩa hạt.

Vào mùa trĩa lúa rẫy, người đàn ông cầm cọc nhọn đi trước chọc lỗ, người phụ nữ đeo gùi hạt giống theo sau, bỏ hạt lúa giống vào từng lỗ rồi lấp lại. Những hạt lúa sau khi được xuống giống chủ yếu “uống” nước từ những cơn mưa rừng, hay những giọt sương sớm để vươn mình nảy mầm xanh.

Bữa cơm lúa mới mà gia đình ông Hồ Mai ở bản Cha Cáp đãi khách phương xa.
Bữa cơm lúa mới mà gia đình ông Hồ Mai ở bản Cha Cáp đãi khách phương xa.

Thời gian sinh trưởng của cây lúa rẫy khoảng từ 5-6 tháng. Lúa rẫy không tốn nhiều công chăm bón, sự sống của nó đều nhờ vào sương trời gió núi và cũng vì người Khùa, người Mày tin rằng đã có tổ tiên, có Giàng (trời) chăm sóc.

Cứ như vậy, lịch sản xuất lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày lặp đi lặp lại theo một chu kỳ như hình thức của lịch nông nghiệp. Nhưng, nó cũng ẩn chứa bên trong một không gian văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây.

Từ xa xưa, lao động sản xuất bảo đảm cuộc sống chủ yếu của người Khùa, người Mày dựa vào việc phát rẫy, làm nương. Mỗi năm, một mùa rẫy cũng được ghi nhớ như một năm. Đây là nguồn gốc mà đồng bào người Khùa, người Mày thường tính tuổi của mình dựa vào số mùa lúa rẫy.

Già làng Hồ Xăng (80 tuổi) ở bản Cha Cáp, xã Trọng Hóa cho biết, một mùa lúa rẫy, đồng bào người Khùa, người Mày có 3 lần cúng Giàng, lần 1 là khi bà con bắt đầu phát rẫy, lần 2 được tổ chức vào lúc trĩa lúa và lần 3 vào lúc thu hoạch lúa. 3 lễ cúng này được tổ chức theo từng bản, lễ vật chỉ cần một đôi gà và một hông xôi là đủ. Mục đích của lễ cúng là để tạ ơn Giàng, các vị thần linh và cầu xin thần linh ban cho mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa của dân bản.

Ngoài ra, sau khi thu hoạch lúa về, người Khùa, người Mày còn tổ chức lễ cúng mừng cơm mới. Lễ cúng này được tổ chức riêng từng gia đình và mời bà con trong bản đến chung vui bữa cơm đầu mùa. Lễ cúng mừng cơm mới cũng là để cảm ơn những vị thần linh đã mang tới cho đồng bào mùa màng tốt tươi, có bát cơm đầy.

Một điều vô cùng đặc biệt của đồng bào người Khùa, người Mày là khi thu hoạch lúa rẫy, họ sẽ dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ tuyệt nhiên không dùng liềm để cắt lúa như ở miền xuôi.

Theo quan niệm của người Khùa, người Mày, trong cây lúa rẫy có linh hồn của thần lúa, của ông bà, tổ tiên trú ngụ. “Lúa rẫy phải dùng tay tuốt vì nếu dùng dao hay liềm cắt rồi về mới đập lấy hạt thì sẽ làm đau thân lúa, đau hạt lúa, linh hồn của cha ông cũng sẽ bị đau nên mùa sau sẽ không còn cho hạt nữa”, già làng Hồ Xăng giải thích.

Phan Phương

 

,
  • Sạt lở bờ sông Gianh: Nỗi lo trước mùa mưa bão

    (QBĐT) - Không chỉ "nuốt trôi" đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Gianh đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân định cư nơi đây.

    28/10/2018
    .
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 2: Gắn kết du lịch và nông thôn mới

    (QBĐT) - Bên cạnh nhiều địa phương chưa phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch để tiếp sức cho nông thôn mới, vẫn có nhiều xã đã tăng tốc lộ trình này nhờ sự hỗ trợ đắc lực của du lịch, như: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch); Tân Hóa (Minh Hóa)…

    24/09/2018
    .
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 1: Để tiềm năng "lên tiếng"!

    (QBĐT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, du lịch được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và mang lại luồng "gió mới" trong đời sống văn hóa-tinh thần của người dân bản địa.

    23/09/2018
    .
  • "Người tình" sông Son

    (QBĐT) - Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: "Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ". Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với "người tình" sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.

    22/10/2018
    .
  • Những homestay, bungalow bên bờ sông Son

    (QBĐT) - Thời gian gần đây, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) không chỉ hấp dẫn du khách với hệ thống hang động kỳ vĩ, những thắng cảnh đẹp, hoang sơ mà còn tạo ấn tượng khó phai với những mô hình du lịch cộng đồng đẹp, lạ.

    21/10/2018
    .
  • Đêm Đồng Hới có gì?

    (QBĐT) - Là thành phố ven sông, ven biển, Đồng Hới mang trong mình nhiều tiềm năng để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" vẫn chưa đủ sức để Đồng Hới níu chân du khách lưu trú dài ngày

    16/09/2018
    .
  • Trở lại Trường Sơn…!

    (QBĐT) - "Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...". Cứ mỗi lần chạm những ngã đường dẫn lên khắp một dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Bình, những câu thơ của một thời cha ông "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai" lại dội ngược về trong ký ức.

    14/10/2018
    .
  • Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 1: Tiềm năng chờ khai phá

    (QBĐT) - Gặt lúa, chăn trâu, tắm sông, tham quan làng nghề, làng chài… là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp có thể mang lại cho du khách.

    09/09/2018
    .