.

Sạt lở bờ sông Gianh: Nỗi lo trước mùa mưa bão

.
08:56, Chủ Nhật, 28/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Không chỉ "nuốt trôi" đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Gianh đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân định cư nơi đây.

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở

Ở tỉnh ta, sông Gianh chảy qua huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và TX.Ba Đồn. Nhưng đoạn đi qua huyện Tuyên Hóa có địa hình hẹp và dốc nên vào mùa mưa lũ nước sông lên nhanh và dòng chảy rất mạnh, gây xói lở nghiêm trọng hai bên bờ sông. Trong những năm gần đây, cứ mỗi mùa lũ lụt, thiên tai lại lấy đi nhiều ha đất sản xuất, uy hiếp tính mạng hàng trăm hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở.

Sạt lở mỗi năm cuốn trôi từ 1,5-2 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất biền bãi ở xã Thuận Hóa.
Sạt lở mỗi năm cuốn trôi từ 1,5-2ha đất sản xuất nông nghiệp và đất biền bãi ở xã Thuận Hóa.

Chúng tôi có mặt tại một số địa phương có tình trạng sạt lở nghiêm trọng, tận mắt chứng kiến nỗi lo lắng của người dân và chính quyền địa phương khi mùa mưa lũ đang cận kề. Nỗi lo hiện hữu trên những phần ruộng bãi còn lại bị dòng sông cuốn mất, những căn nhà trước đây nằm sâu trong đất liền thì nay chênh vênh cạnh bờ sông dựng đứng.

Trên địa bàn huyện Tuyên Hoá, hầu hết các xã ven sông Gianh đều bị nạn sạt lở đe dọa nặng nề, nhất là các xã: Thuận Hóa, Đức Hóa, Tiến Hóa, Thạch Hóa...

Tại xã Đức Hóa, năm 2016, mưa lũ làm sạt lở cả hệ thống trạm bơm thủy lợi của địa phương, sạt lở thêm 500m đường bê tông liên thôn từ thôn Đường Lâm đi Phục Tùng. Mặc dù đã được khắc phục nhiều lần, nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nếu năm nay lũ lớn thì cuộc sống của người dân sẽ càng gian nan hơn.

Không chỉ sạt lở đường đi, hiện 14 hộ dân sống bên bờ sông Gianh ở thôn Kinh Trừng cũng đang bị đe dọa sạt lở từng năm, trong đó có 2 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Anh Mai Trung, thôn Kinh Trừng cho biết, trước đây, khi nhà còn cách xa sông, hai vợ chồng gom góp cũng đã xây được nhà tránh lũ. Thế nhưng vui mừng chưa được bao lâu thì tình trạng sạt lở đã làm nứt móng nhà. Lũ lụt về cả gia đình không dám ngủ, phải chủ động di dời đi nơi khác.

Được biết, 4 năm trước đây, đoạn sông này đã được người dân giải phóng mặt bằng để làm kè nhưng do thiếu nguồn kinh phí nên kè vẫn chưa được thực hiện. Với độ dốc cao, lòng sông hẹp, dòng nước chảy xiết nên tình trạng sạt lở ngày càng mạnh.

Còn tại xã Thuận Hóa, sạt lở mỗi năm cuốn trôi từ 1,5-2ha đất sản xuất nông nghiệp và đất biền bãi. Vùng đất sản xuất của 2 thôn Thuận Tiến và Bà Tâm trước đây có gần 6ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 1,5ha.

Cùng với việc cuốn trôi nhiều héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, đợt lũ kép năm 2016 còn "nuốt" thêm khá nhiều diện tích đất vườn, đất ở của người dân tại thôn Xuân Canh và khiến cho 2 nhà dân tại đây bị đổ sập (đó là hộ chị Nguyễn Thị Thành và hộ anh Phan Đình Du).

Ông Phùng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa cho biết, đứng trước nguy cơ sạt lở bờ sông đe doạ đến tính mạng, tài sản của người dân, thời gian qua, địa phương đã tiến hành quy hoạch một khu tái định cư để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng.

Nhưng, việc di dời còn gặp rất nhiều khó khăn do người dân vẫn không muốn rời làng, mặt khác, việc di dời cần nguồn kinh phí lớn trong khi Nhà nước hỗ trợ ít, người dân không có khả năng nên rất khó vận động bà con di dời.

Trước mắt, xã đang khuyến khích bà con trồng tre, trồng dâu để gia cố bờ sông giảm tình trạng sạt lở, khi có lũ lụt, xã phải huy động cán bộ túc trực, báo cáo thường xuyên, hướng dẫn cho bà con tránh trú an toàn.

Tiến Hóa cũng là một trong những địa phương có tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, có 5/15 thôn sống bên sông bị ảnh hưởng đến đời sống. Hiện địa phương đã di dời được 2 hộ nguy cấp do sạt lở đến nơi ở mới ổn định đời sống, tuy nhiên, xã vẫn còn hơn 50 hộ khác thuộc các thôn Bàu 1, Bàu 2, Thanh Tiến, Chợ Cuồi đang ở trong vùng nguy hiểm do bị sạt lở.

Được biết, Tiến Hóa đã được khảo sát, xây dựng kè chống sạt lở, tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên công trình mới chỉ thực hiện được gần 2km. Người dân nơi đây đang mong muốn cơ quan chức năng bổ sung kinh phí để tiếp tục xây dựng công trình, ổn định đời sống cho người dân trong thời gian tới.

Nguyên nhân và giải pháp

Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết, khí hậu, hiện tượng sát lở bờ sông Gianh ngày càng trở nên nghiêm trọng còn bởi nhiều người dân lấy đất biền bãi để làm đất sản xuất nhưng chưa có ý thức trồng cây chống xói lở.

Sạt lở nghiêm trọng uy hiếp nhà ở của nhiều hộ dân ở thôn Kinh Trừng (Đức Hóa).
Sạt lở nghiêm trọng uy hiếp nhà ở của nhiều hộ dân ở thôn Kinh Trừng (Đức Hóa).

Mặt khác, diện tích rừng trồng trên đất rừng tự nhiên ngày càng tăng lên làm mất đi lớp thực bì bảo vệ mặt đất nên rừng không giữ được nước, làm lũ quét ngày càng lớn. Đồng thời, việc khai thác cát sạn tràn lan ở lòng sông cũng là nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ. Thậm chí ở một số địa phương, mặc dù tình trạng xói lở rất nghiêm trọng, nhưng vẫn có một mỏ khai thác cát đóng trên địa bàn.

Để khắc phục tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Gianh, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có thiên tai, ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa cho biết: "Trong lúc chờ nguồn kinh phí để đầu tư làm kè ở những nơi sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân, UBND huyện Tuyên Hóa đã chủ động cùng các địa phương lên phương án di dời dân tới nơi ở mới, ổn định cuộc sống, cấp kinh phí gia cố tạm những đoạn đường, kè xung yếu đang có nguy cơ gây mất an toàn.

Khi có thiên tai, Ban phòng chống lụt bão của huyện phải túc trực thường xuyên, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cấm tình trạng chủ quan nán lại vùng nguy hiểm. Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân trồng tre, trồng dâu...hai bên bờ sông nhằm giảm thiểu tình hình sạt lở hiện nay.

Chống sạt lở để bảo vệ an toàn tính mạng tài sản người dân, bảo vệ đất canh tác đang là cuộc chiến cam go, phức tạp và lâu dài. Trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần phải có chiến lược cụ thể để khơi thông dòng chảy hạ lưu, xây dựng các công trình kiên cố, gia cố bờ sông có nguy cơ sạt lở, tăng cường quan trắc và giám sát việc khai thác cát sạn trên sông... nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở trên sông Gianh hiện nay.

Thanh Hoa
 

,
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 2: Gắn kết du lịch và nông thôn mới

    (QBĐT) - Bên cạnh nhiều địa phương chưa phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch để tiếp sức cho nông thôn mới, vẫn có nhiều xã đã tăng tốc lộ trình này nhờ sự hỗ trợ đắc lực của du lịch, như: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch); Tân Hóa (Minh Hóa)…

    24/09/2018
    .
  • Gốc "A Loang Ma Kẹo" ở Thượng Trạch

    (QBĐT) - Xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) có 18 bản, dấu chân tôi chạm gần hết 18 bản của đồng bào Ma Coong: Cờ Đỏ, Bụt, Nồng Cũ, Nồng Mới, Km 51, Chăm Pu, Km 61, Cà Roòng I, Cà Roòng  II, Ban, Cóc, Cồn Roàng, Cu Tồn, Tuộc, A Ky...

    24/08/2018
    .
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 1: Để tiềm năng "lên tiếng"!

    (QBĐT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, du lịch được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và mang lại luồng "gió mới" trong đời sống văn hóa-tinh thần của người dân bản địa.

    23/09/2018
    .
  • "Người tình" sông Son

    (QBĐT) - Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: "Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ". Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với "người tình" sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.

    22/10/2018
    .
  • Những homestay, bungalow bên bờ sông Son

    (QBĐT) - Thời gian gần đây, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) không chỉ hấp dẫn du khách với hệ thống hang động kỳ vĩ, những thắng cảnh đẹp, hoang sơ mà còn tạo ấn tượng khó phai với những mô hình du lịch cộng đồng đẹp, lạ.

    21/10/2018
    .
  • Đêm Đồng Hới có gì?

    (QBĐT) - Là thành phố ven sông, ven biển, Đồng Hới mang trong mình nhiều tiềm năng để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" vẫn chưa đủ sức để Đồng Hới níu chân du khách lưu trú dài ngày

    16/09/2018
    .
  • Trở lại Trường Sơn…!

    (QBĐT) - "Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...". Cứ mỗi lần chạm những ngã đường dẫn lên khắp một dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Bình, những câu thơ của một thời cha ông "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai" lại dội ngược về trong ký ức.

    14/10/2018
    .
  • Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 1: Tiềm năng chờ khai phá

    (QBĐT) - Gặt lúa, chăn trâu, tắm sông, tham quan làng nghề, làng chài… là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp có thể mang lại cho du khách.

    09/09/2018
    .