.

Trên phá Tam Giang nghĩ về Hạc Hải

.
09:51, Chủ Nhật, 11/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày cuối tháng 10 đầy nắng, theo lời mời của những người bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đến với phá Tam Giang–vùng đầm phá lớn bậc nhất Đông Nam Á. Giữa khung cảnh mênh mang sông nước và lồng lộng mây trời, sự háo hức của những người dân làm du lịch cộng đồng nơi đây hiển hiện trên từng nét mặt và tỏa lan niềm vui ấy qua cả những người khách lạ.

Trên phá Tam Giang

Vùng đất Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) xưa vốn là vùng dân cư sống quần tụ trên phá Tam Giang. Họ sống lênh đênh trên các con thuyền. Cuộc sống tưởng chỉ quẩn quanh trên bến, dưới thuyền.

Cuộc sống của người dân trên phá Tam Giang.
Cuộc sống của người dân trên phá Tam Giang.

Vậy mà một ngày, sau rất nhiều chìm nổi của phận ngư phủ, họ lên bờ. Cuộc sống bước dần sang trang mới. Nhưng người dân Ngư Mỹ Thạnh vẫn chung thủy với cuộc mưu sinh bằng những sản vật trên chính vùng đầm phá hào phóng này.

Nhiều năm trước, các dự án về du lịch sinh thái được triển khai tại các vùng địa bàn dân cư bao quanh khu đầm phá rộng lớn. Trong đó, dự án du lịch cộng đồng “Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế ở đầm phá Tam Giang” quyết định chọn tuyến Quảng Điền-Ngư Mỹ Thạnh để đầu tư sâu hơn về cơ sở vật chất, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch.

Dự án đã lấy khu vực dân cư thôn Ngư Mỹ Thạnh làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn và tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng ven phá.

Từ sự hỗ trợ của dự án, UBND xã đã liên kết các đơn vị lữ hành nhằm giới thiệu và đưa du khách về tham quan, khám phá nét đặc sắc của khu đầm phá. Nhiều người dân đã hòa mình vào các sản phẩm du lịch này, trở thành những hướng dẫn viên bản địa đầy kinh nghiệm. Toàn thôn Ngư Mỹ Thạnh có hơn 20 hộ tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, như: hướng dẫn viên, nấu ăn cho du khách, chèo thuyền…

Dẫn chúng tôi khám phá nét yên bình trên phá Tam Giang vào một buổi chiều bảng lảng mây trời là chị Lường Thị Hiền, người địa phương, đồng thời cũng là thành viên tích cực của dự án du lịch cộng đồng.

Không được đào tạo bài bản nhưng với vốn hiểu biết về mảnh đất này, sau hai năm, chị đã là một hướng dẫn viên địa phương đầy kinh nghiệm với lối dẫn dắt lưu loát và am hiểu. Cũng như chị Hiền, tại Ngư Mỹ Thạnh, đã có nhiều hộ dân khác tham gia các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách. Cuộc sống của họ đã bắt đầu đổi thay từ nguồn sinh kế mới này.

Gần 10 năm qua, loại hình du lịch đầm phá trên phá Tam Giang dần được du khách ưa chuộng, nhất là khách nước ngoài đam mê trải nghiệm văn hóa bản địa. Anh Đinh Viết Dũng, Công ty HGH Travel cho hay: "Tour du lịch cộng đồng trên phá Tam Giang với việc trải nghiệm chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh, thăm làng nghề bằng xe đạp, trải nghiệm làm ngư phủ… là những hoạt động du khách rất hào hứng.

Du khách trải nghiệm cùng ngư phủ trên phá Tam Giang.
Du khách trải nghiệm cùng ngư phủ trên phá Tam Giang.

Để không nhàm chán, người dân địa phương đã có những điều chỉnh về lịch trình cũng như giới thiệu thêm nhiều hoạt động mới. Chỉ tính riêng mùa hè vừa qua, chúng tôi đã dẫn hơn 2.000 lượt khách đến trải nghiệm tại Ngư Mỹ Thạnh. Mùa du lịch thấp điểm năm nay, lượng khách đến đây cũng tăng lên so với mùa này năm ngoái".

Tour du lịch khám phá phá Tam Giang thường bắt đầu bằng việc đi thuyền trên phá, ngắm cuộc sống yên bình trôi theo những bóng người thấp thoáng trên mặt nước. Du khách cũng sẽ được trải nghiệm hoạt động đổ trìa để hiểu hơn cuộc sống của những con người mưu sinh bằng nghề sông nước này.

Sau những giây phút lãng đãng trên những con thuyền, du khách sẽ dừng chân ở các nhà chồ được dựng ngay giữa phá. Có lẽ khó có nơi nào mà bình minh và hoàng hôn đều đẹp như phá Tam Giang.

Ngồi giữa nhà chồ, tận hưởng không gian tĩnh lặng và thanh bình của mênh mang sông nước, thưởng thức những sản vật ngay trên vùng đầm phá này, du khách hẳn sẽ tạm quên đi những tất bật đời thường. Những hoạt động đặc sắc mang đậm nét văn hóa bản địa như thế chính là điểm cuốn hút du khách đến với tour du lịch khác biệt này.

Tương lai phá Hạc Hải?

Ngồi trên nhà chồ, ngắm hoàng hôn phủ bóng giữa mênh mang mây nước phá Tam Giang, người bạn đồng nghiệp của tôi bất chợt chạnh lòng: “Bao giờ phá Hạc Hải của mình cũng rộn rã du khách như thế này nhỉ?”.

Dẫu không rộng lớn, bao la bằng phá Tam Giang nhưng phá Hạc Hải của Quảng Bình vẫn mang nét đẹp lung linh, riêng có của vùng sông nước với “phía đông bắc là động cát trùng điệp, phía tây nam, bức núi chắn ngang, biển lớn muôn khoảnh mông mênh; chỗ sâu chỗ nông, giữa có một đường lạch rất sâu cho thuyền ghe qua lại” (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn).

Những buổi trời yên gió lặng, bóng núi Đầu Mâu trở nên tím thẫm, phá Hạc Hải lại xanh màu ngọc bích. Bóng núi bị những ráng chiều đẩy tới sát mép bờ phá, cao chót vót và dài nhọn hệt như ngòi bút lông. Người xưa ví von “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên” là vì lẽ đó. Đi thuyền trên phá Hạc Hải vào những buổi chiều tà, hoàng hôn đổ bóng xuống mặt nước loang loáng mới thấy hết vẻ đẹp của vùng sông nước này.

Mùa lúa trên phá Hạc Hải.
Mùa lúa trên phá Hạc Hải.

Hạc Hải xưa vốn nổi tiếng là vùng đất phong phú hệ động thực vật nước lợ. Người dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy sống quanh khu đầm phá này bao đời đã sống dựa vào nguồn sản vật nơi đây. Đẹp nhất của phá Hạc Hải có lẽ là mỗi dịp lúa chín vàng. Những cánh đồng “Hai huyện” nhuộm vàng hai bên dòng nước.

Ngồi trên con thuyền nhỏ lướt đi trên mặt nước Hạc Hải, thu vào tầm mắt bao vẻ đẹp thanh bình tựa như tranh vẽ hẳn sẽ là điều lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng những giây phút tĩnh lặng của cuộc sống nơi này. Cái cảm giác như tất thảy những thanh âm của cuộc sống bình yên đều tụ tề lại đây. Bạn tôi bảo, phá Hạc Hải sẽ là điểm dừng chân thú vị cho những ai cần một chút phiêu lưu và sự tò mò, ham muốn khám phá.

Đầy tiềm năng là thế nhưng vì sao khám phá phá Hạc Hải vẫn chưa trở thành một sản phẩm du lịch sinh thái? Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH thông tin và du lịch Netin cho biết, ông đã từng dẫn đoàn khách đi tiền trạm tour du lịch khám phá Hạc Hải với các hoạt động đi thuyền, trải nghiệm bắt ốc, mò cua, thả lưới...

“Anh em trong đoàn ai cũng thích thú với những trải nghiệm này, tuy nhiên, để có thể xây dựng thành tour, tuyến du lịch thì còn cần nhiều điều kiện nữa”, ông Cương khẳng định.

Phá Hạc Hải là một trong những địa chỉ được mời gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Nếu dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái phá Hạc Hải được đầu tư đúng mức, một vùng đất đẹp về cảnh quan sẽ được “đánh thức” và mở ra biết bao cơ hội nghề nghiệp cho người dân thuần nông nơi này.

Diệu Hương

 

,
  • Sạt lở bờ sông Gianh: Nỗi lo trước mùa mưa bão

    (QBĐT) - Không chỉ "nuốt trôi" đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, sạt lở hai bên bờ sông Gianh đi qua địa bàn huyện Tuyên Hóa còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân định cư nơi đây.

    28/10/2018
    .
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 2: Gắn kết du lịch và nông thôn mới

    (QBĐT) - Bên cạnh nhiều địa phương chưa phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch để tiếp sức cho nông thôn mới, vẫn có nhiều xã đã tăng tốc lộ trình này nhờ sự hỗ trợ đắc lực của du lịch, như: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch); Tân Hóa (Minh Hóa)…

    24/09/2018
    .
  • Du lịch "tiếp lửa" nông thôn mới-Bài 1: Để tiềm năng "lên tiếng"!

    (QBĐT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, du lịch được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và mang lại luồng "gió mới" trong đời sống văn hóa-tinh thần của người dân bản địa.

    23/09/2018
    .
  • "Người tình" sông Son

    (QBĐT) - Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: "Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ". Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với "người tình" sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.

    22/10/2018
    .
  • Những homestay, bungalow bên bờ sông Son

    (QBĐT) - Thời gian gần đây, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) không chỉ hấp dẫn du khách với hệ thống hang động kỳ vĩ, những thắng cảnh đẹp, hoang sơ mà còn tạo ấn tượng khó phai với những mô hình du lịch cộng đồng đẹp, lạ.

    21/10/2018
    .
  • Đêm Đồng Hới có gì?

    (QBĐT) - Là thành phố ven sông, ven biển, Đồng Hới mang trong mình nhiều tiềm năng để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" vẫn chưa đủ sức để Đồng Hới níu chân du khách lưu trú dài ngày

    16/09/2018
    .
  • Trở lại Trường Sơn…!

    (QBĐT) - "Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...". Cứ mỗi lần chạm những ngã đường dẫn lên khắp một dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Bình, những câu thơ của một thời cha ông "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai" lại dội ngược về trong ký ức.

    14/10/2018
    .
  • Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn.

    11/11/2018
    .