.

K8-Cuộc "trường chinh" qua những miền dân ca

.
15:02, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi quyết định dành một phần trong loạt bài về ký ức K8 để nói về chuyện ca hát - một nguồn sức mạnh tinh thần dồi dào, sẵn có và vô cùng hiệu quả nâng bước chân của chúng tôi, đoàn học sinh K8 trong cuộc “trường chinh” máu lửa, trong một cuộc “thiên di” lịch sử thuở ấy!

Như mọi người biết, Quảng Bình là cái nôi của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” nổi tiếng và sống động trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Đoàn K8 của chúng tôi ra đi từ mảnh đất đặc biệt đó. Chúng tôi phát huy ngay.

Đầu tiên phải kể đến một “đội văn công” tự phát thành lập ở trong đoàn chúng tôi, với 4 cái tên nổi bật: Minh Vận, Hữu Long, Hồng Thanh, Diệp Khuyến và một số “diễn viên” khác nữa. Các anh chị ấy hát hay chi lạ. Khi đoàn K8 chúng tôi ra đến Bố Trạch thì “đội văn công” này đã nổi như cồn.

Đến đâu, dừng chân là biểu diễn, là hát… Đặc biệt các anh chị ấy diễn vở “Con gà mái xám chân chì”, một vở kịch dân ca Bình-Trị-Thiên hay đáo để. Không loa đài, không đàn đệm, còn sân khấu là sân nhà dân, đèn là ánh trăng thế mà hát múa thâu đêm. Chúng tôi và người dân những nơi đoàn K8 dừng chân nghe xong mỗi bài là vỗ tay rào rào.

Dọc đường hành quân, chúng tôi thường hát vang những bài hát… không đầu không cuối. Đứa nào thuộc câu nào cứ xướng lên véo von, thế là những đứa khác cứ hát hùa theo. Nhờ vậy mà chúng tôi đỡ buồn ngủ hơn, đỡ sợ bom đạn hơn và cảm giác đi như nhanh đến hơn.

Tôi nhớ mãi, vì bị máy bay đánh dọc đường nên đoàn đến bờ sông Gianh khi trời đã sáng rõ. Máy bay Mỹ tiếp tục đuổi theo và thả rất nhiều thủy lôi xuống sông Gianh. Đoàn K8 được lệnh dừng chân, phân tán ra thành nhóm nhỏ, nhảy xuống những cái hầm trú ẩn, hoặc giao thông hào ngay sát bờ sông và đợi bộ đội phá thủy lôi thông đường mới đi.

Đứng dưới giao thông hào, chúng tôi nhìn ra giữa sông, thấy rõ các chú bộ đội điều khiển những chiếc ca nô phóng rất nhanh để lại ngay sau đuôi những cột nước thẳng đứng cao vài mét kèm theo những tiếng nổ vang.

Tác giả bên dòng sông Chu
Tác giả bên dòng sông Chu

Lúc đầu chúng tôi rất sợ. Các anh chị hộ tống giải thích: Bộ đội phá thủy lôi cho chúng ta đi đấy. Chúng tôi hát lẩm bẩm những bài hát, như: “Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công/ Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông…”, hay “Quảng Bình/ khoan khoan hò khoan/ Bao mến thương...”, “ Giải phóng miền Nam/ chúng ta cùng quyết tiến bước/Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước/ Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời/ Sông núi bao nhiêu năm cắt rời…”. Vâng chính tiếng hát đã làm chúng tôi bình tâm trở lại, không còn sợ bom đạn nữa.

Nhưng điều đáng nói nhất là những miền dân ca mà cuộc “trường chinh” K8 đã đi qua và cả ở những miền quê mà chúng tôi đã sống.

>> Bài 3: Thanh Hoá-miền quê trong ký ức

Quê tôi, Lệ Thủy-Quảng Bình da diết với những làn điệu dân ca Bình-Trị -Thiên, đặc biệt là hò khoan Lệ Thủy sôi nổi, sâu lắng với “câu hò khoan nhỏ thấm những kiếp người”.

Đi ra chút nữa là hát dặm Nghệ-Tĩnh rất sâu sắc mà gần gũi. Tôi nhớ, một đêm trăng mờ, đoàn K8 hành quân ở vùng Hà Tĩnh suốt từ khoảng 6h tối, đã đến hơn 3h sáng mà vẫn chưa đến đích. Chúng tôi mệt và buồn ngủ quá. May có chú giao liên nhanh nhẹn, hát hay.

Chú dạy chúng tôi hò, bài gì thì tôi bị quên, nhưng làn điệu thì tôi nhớ, như bài này: “Biết ai mà, này/ Là hồ là khoan/ Lợp miếu thiếu tranh/ Là hồ là khoan…”. Khi chú giao liên hát một câu ngắn: “Biết ai mà, này”, hoặc “Lợp miếu thiếu tranh” thì chúng tôi cùng đồng thanh “là hồ là khoan”. Cứ thế, rất dễ hát, nên chúng tôi hết buồn ngủ, chân dẫm rầm rập đều đặn theo điệu hò và đi rất nhanh.

Có lần, đoàn đến Nghệ An, gặp dòng sông Lam, vào dịp mưa trên nguồn nên nước dâng khá cao. Tôi nhớ nhà, một mình đi ra bãi cát bồi ven bờ sông, leo lên một cây sung to và ngồi nhìn dòng nước chảy. Chợt nghe vọng lên một giọng ca rất cao và trong: “À ơi, dòng Lam, như sóng trào dâng, Nghệ An đứng dậy…”.

Tôi bỗng thấy sao mà hay đến thế. Tôi nhìn ra sông, bắt gặp ở cách bờ không xa có một con thuyền và nhận ra tiếng hát vang lên từ đó. Tôi đã khóc thật to, cái khóc của đứa trẻ nhớ nhà vì đã bị đánh thức bởi một câu hát về miền quê mà mình đang dừng chân.

Có lẽ, tình yêu quê hương, đất nước đã nảy nở và in dấu trong tâm hồn tôi từ những ngày đi dọc mảnh đất miền Trung thân yêu. Rồi tôi chợt bừng tỉnh và như có ai nhắc nhở, tôi vội bò và nhảy xuống khỏi cái cành cây sà la đà ở mép nước, ù chạy về với các bạn để chuẩn bị ăn tối. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường hành quân ra phía bắc. Nhớ nhung đến nao lòng những kỷ niệm như vậy!

Ra đến Thanh Hóa, một miền quê ca hát, tôi đẫm mình vào một xứ dân ca cực bắc Trung Bộ. Tôi rất thích các làn điệu dân ca nơi đây, kể cả chèo nữa, nhưng sôi nổi và ấn tượng nhất vẫn là hò Thanh Hóa. (Sau này tôi mới biết đó là hò sông Mã, với rất nhiều làn điệu khác nhau, như: Hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi…).

Tôi nhớ mãi, những đêm hè trăng thanh gió mát, nam nữ thanh niên dọc 2 bờ sông Chu hò đối đáp rất say sưa. Tôi thường ra đó ngồi nghe, rất thích. Sau đó chúng tôi học lỏm được mấy câu và rồi chúng tôi đi chăn bò cũng hò. Có điều, tôi nhận thấy hò Thanh Hóa, cũng như hò khoan Lệ Thủy quê tôi, cái hay là vừa hò vừa sáng tác, đối đáp sao cho phù hợp với ngữ cảnh, câu chuyện mà bạn hò nêu ra. Ví dụ, bạn nam hò: “Hò ơi/ Thuyền than lại đỗ bến than/Thấy em vất vả cơ hàn thương (mà) anh thương!" Thì bạn hò nữ phải sáng tác ra một câu hò sao cho thật phù hợp.

Trong những đêm khuya, đôi khi có vẳng về một giọng hò từ những bè nứa đang trôi lững lờ trên con sông Chu thơ mộng. Chao ơi, những lúc đó tôi nhớ quê hương đến lạ lùng. Có khi không chịu nỗi, tôi phải rời bàn học đi loanh quanh trong mảnh sân đất, mắt nhìn lên trời, thấy những ngôi sao nhấp nháy xa xa - nơi đó có ba mạ và bà con Quảng Bình đang sống, chiến đấu ngoan cường với cuộc chiến tranh phá hoại hết sức ác liệt của đế quốc Mỹ.

Sau này, chúng tôi về lại Quảng Bình, hò Thanh Hóa cũng theo chúng tôi về với quê hương…

Có thể nói, trên đường “vạn lý trường chinh” đối mặt với cái chết, ngập lội trong những trận mưa bom bão đạn đó, và cả trong thời gian sống rất gian khó với nhân dân ở quê hương Thanh Hóa thì câu hò, điệu hát đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi, quên đi sợ hãi, bớt đi nỗi nhớ nhà, rồi hơn thế nữa là đã sớm bồi đắp cho chúng tôi lòng yêu Tổ quốc, yêu đất nước, trân trọng với những giá trị của nhân dân, của dân tộc có được.

* Vĩ thanh

Tôi trở về lại Quảng Bình sau khoảng hơn 3 năm sống ở Thanh Hóa (năm 1969). Một buổi sáng, tôi đi gánh trấu (để đun bếp) ở HTX Đông Phương Hồng vừa về, thì tôi gặp ba tôi ở ngay đầu thôn Thượng. Ba bảo: “Mạ con nhớ con quá, không chịu nỗi nên bảo ba ra đưa con về!”.

Chỉ thế thôi là tôi nắm tay ba kéo chạy luôn, không kịp cả về lấy áo quần. Ba tôi còn đưa theo 2 bạn K8, là Tiến (con thầy Phí ở Hà Thanh, thầy dạy tôi cấp 1) và 1 bạn nữa (tôi quên mất tên) về quê cùng chuyến đó. Vào đến nhà, gặp mạ, gặp anh em mừng vui khôn xiết.

Thuận – đứa em gái tôi khoảng 5 tuổi, ôm lấy tôi khóc và hét to: “Eng Trí về rồi, khô…ôông cho eng Trí đi mô nữa!" Vừa đưa tôi về đến nhà, ba tôi quay lại Thanh Hóa ngay để đến nhà ông bà đã nuôi tôi để cảm ơn về những năm tháng gia đình đã nuôi dạy tôi.

Kể từ đó trở đi, khúc vĩ thanh K8 luôn vang lên trong lòng tôi và đọng mãi trong ký ức tôi. Mà không chỉ có tôi, tất cả bạn bè đã từng đi K8 với tôi cũng nhớ mãi. Và tôi tin cả trong những người dẫn K8 đi (hộ tống), nuôi nấng K8, dạy dỗ K8… đều giữ mãi những kỷ niệm đẹp về K8.

Khúc vĩ thanh này đẹp vì tình người, vì tinh thần trách nhiệm, vì sự hy sinh, vì những gì mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã dành cho chúng tôi-những đứa học sinh ngây thơ, bé nhỏ từ đất lửa Quảng Bình...

Tôi mang ơn suốt đời! Các bạn tôi – những người từng đi K8 - cũng ghi nhớ công ơn này suốt đời!  Chính những năm tháng K8 đã rèn luyện cho chúng tôi sự kiên cường trong cuộc sống, lòng thương yêu gia đình, sự vị tha, biết hy sinh, nhường nhịn, hun đúc tình cảm với quê hương, đất nước và mến yêu hơn những làn điệu dân ca của dân tộc mình!

Xin cảm ơn K8 – chuyến “trường chinh lịch sử”, “cuộc “thiên di sắc đỏ"! Xin cảm ơn nhân dân Thanh Hóa và những địa phương đã nuôi nấng và chở che K8!  Xin cảm ơn cuộc đời!

GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí

 

,
  • Phấp phỏng bên sông...

    (QBĐT) - Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều hàng cây chắn lũ, giữ đất hàng chục năm nay đã bị trôi theo dòng nước... Tình trạng này khiến cho các hộ dân xã Mai Thủy (Lệ Thủy) ven sông Kiến Giang sống trong nỗi phấp phỏng, lo âu...

    27/12/2018
    .
  • Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 3: Thanh Hoá-miền quê trong ký ức

    (QBĐT) - Đoàn K8 của chúng tôi đến xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào lúc khoảng 9h tối và tất cả tập trung ở sân kho đội 5 HTX Quyết Thắng (thôn Thượng). Bà con đã đến ở đó rất đông, họ lần lượt đưa chúng tôi về nhà theo một bản danh sách, do một bác khá lớn tuổi xướng lên.

    27/12/2018
    .
  • Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 2: K8-Cuộc "Thiên di" chan chứa tình người

    (QBĐT) - Ngày xa nhà đi K8, tôi mới 9 tuổi, đi trong bom đạn, đi trong nỗi ngơ ngác xen lẫn niềm hứng khởi của một chuyến đi xa và đi mà không biết khi nào về lại, đặc biệt đâu biết sẽ có ngày hôm nay ngồi viết thế này. Cho nên nhiều chuyện hoặc đã bị quên, hoặc nhớ không chính xác, nhất là thời gian và địa điểm...
     
    26/12/2018
    .
  • Tìm lại quãng đời tuổi thơ K8-Bài 1: Nghĩ về một tầm nhìn của Đảng và Nhà nước

    (QBĐT) - Trước hết, tôi xin cảm ơn những người bạn ở Lệ Thủy-Quảng Bình đã từng đi K8 đề xuất viết bài ôn lại ký ức của những ngày đi K8. Phải nói là đây là một việc rất đáng làm, nhưng lâu nay vì bận rộn, vì thiếu quyết tâm, vì thiếu người thúc giục…, nên không chịu làm. Thật có lỗi!

    25/12/2018
    .
  • Trọn vẹn nghĩa tình đồng đội

    (QBĐT) - Từng sát cánh bên nhau qua những tháng năm kháng chiến của dân tộc, hòa bình lập lại, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa lại tiếp tục động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường.

    25/12/2018
    .
  • Những người 'gieo chữ' dưới chân núi Giăng Màn

    (QBĐT) - Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây mù bao phủ, có những địa danh chỉ nghe tên đã thấy xa xôi, cách trở như Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Tà Vờng... Ở đó, có những thầy giáo, cô giáo đã hàng chục năm miệt mài cắm bản gieo từng con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa, niềm tin và hy vọng của con em đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này.

    18/11/2018
    .
  • Trên phá Tam Giang nghĩ về Hạc Hải

    (QBĐT) - Ngày cuối tháng 10 đầy nắng, theo lời mời của những người bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đến với phá Tam Giang–vùng đầm phá lớn bậc nhất Đông Nam Á.

    11/11/2018
    .
  • Mùa lúa rẫy bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11, khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp núi rừng, cũng là lúc cây lúa rẫy của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) trĩu hạt óng vàng bên mái Giăng Màn.

    11/11/2018
    .