Vì sao một vụ án Tòa án trả hồ sơ nhiều lần?

  • 17:35 | Thứ Hai, 28/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau một ngày xét xử sơ thẩm và nhiều ngày nghị án, chiều 28/4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án Nguyễn Hà Linh (SN 1993, phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (LĐCĐTS). Đây cũng là lần thứ 2, vụ án bị TAND tỉnh trả hồ sơ.
 
Bị cáo không đồng ý kết luận buộc tội
 
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021-8/2022, Nguyễn Hà Linh (nhân viên tín dụng, cho vay, thu nợ tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt-Phòng Giao dịch Ba Đồn), có quen biết nhiều người và đưa ra thông tin nhiều khách hàng cần tiền đáo hạn ngân hàng để đề nghị cho Linh vay, mượn tiền với lãi suất cao. Ngoài ra, Linh còn kêu gọi góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản để vay tiền của nhiều người. Tin tưởng Nguyễn Hà Linh, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Linh và nhiều tài khoản mang tên người khác nhưng thực tế do Linh quản lý, sử dụng.
 
Sau khi nhận được tiền, Linh đã dùng một phần để trả lãi theo thỏa thuận, phần còn lại trả các khoản nợ trước đó và chi tiêu cá nhân, dẫn đến không có khả năng chi trả. Với phương thức thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Hà Linh đã chiếm đoạt tiền của 3 bị hại trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 16,3 tỷ đồng.
 
Cụ thể, trong tổng số tiền mà chị Lê Thị H. chuyển đến các tài khoản của Nguyễn Hà Linh gần 1.085,5 tỷ đồng, Linh đã chuyển đến các tài khoản ngân hàng của chị Lê Thị H. gần 1.096 tỷ đồng, chênh lệch số tiền hơn 10,3 tỷ đồng. Đối với chị Trần Thị H., trong tổng số tiền Nguyễn Hà Linh chuyển qua các tài khoản ngân hàng hơn 1.079 tỷ đồng, chị Trần Thị H. đã chuyển cho Linh gần 1.073 tỷ đồng, chênh lệch gần 6,3 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Hà Linh trước hội đồng xét xử.
Bị cáo Nguyễn Hà Linh tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hà Linh cho rằng, số tiền mà bị cáo giao dịch với chị Lê Thị H. và chị Trần Thị H., thực chất là những khoản tiền mà bị cáo đã nhận từ bị hại Nguyễn Thị Th. thông qua tài khoản của những người khác. Do đó, cần xác định trách nhiệm của 2 người nói trên với số tiền chuyển dư cho hai người này. Đồng thời, Linh đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) buộc 2 người này trả lại tiền cho bị cáo hoặc trả cho các bị hại, để giảm trừ trách nhiệm dân sự của bị cáo.
 
Về số tiền hơn 9 tỷ đồng chuyển cho chị Phạm Hoài Th., bị cáo Linh cho rằng đây là số tiền bị cáo nhận từ bị hại Nguyễn Thị Th. và Võ Ngọc Tr., nên đề nghị HĐXX làm rõ và xử lý tương tự như trường hợp chị Lê Thị H. và Trần Thị H.
 
Vì vậy, Nguyễn Hà Linh không đồng ý với nội dung cáo trạng buộc tội và yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Lý do Nguyễn Hà Linh đưa ra là quá trình điều tra kéo dài hơn 2 năm, bị cáo chưa được tiếp cận đầy đủ hồ sơ sao kê về tang số số tiền bị buộc tội chiếm đoạt, chưa được đối chất với các bị hại để làm rõ các khoản tiền giao dịch, nhiều thông tin giao dịch của các tài khoản liên quan chưa được điều tra, xác minh. Và việc cơ quan điều tra đồng nhất tất cả các khoản tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng của bị cáo và những người bị hại, người có liên quan là không đúng.
 
Nhiều khoản tiền giao dịch chưa được làm rõ
 
Luật sư Trương Văn Bá, người bào chữa cho Nguyễn Hà Linh cho rằng, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đưa tất cả số liệu giao dịch của bị cáo Linh vào hồ sơ vụ án và kết luận mọi giao dịch đều là hành vi LĐCĐTS, dẫn đến tổng hợp số tiền bị cáo Linh nhận từ các bị hại và còn nợ để tính tang số chiếm đoạt và xác định hành vi phạm tội là hoàn toàn vô căn cứ và thiếu chính xác. Bởi, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022, giữa bị cáo Linh và bị hại, người liên quan có hàng nghìn giao dịch vay mượn tiền, với số tiền rất lớn. Chỉ khi nào, hành vi vay mượn tiền của Linh không có khả năng thanh toán mới xác định là hành vi LĐCĐTS, còn những giao dịch vay mượn cá nhân trước thời điểm đó đã được Linh chuyển trả tiền dù nhiều hay ít cũng chỉ là giao dịch dân sự. Trong vụ việc này, Cơ quan Điều tra chưa xác định thời điểm cụ thể của các giao dịch và giao dịch nào bị cáo không còn khả năng trả nợ.
 
Vì vậy, kết luận bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với tổng số tiền theo cách tính như trong hồ sơ và cáo trạng truy tố là không chính xác, không làm rõ tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra chưa làm rõ vai trò của một số người liên quan, người làm “cầu nối” giữa bị cáo Nguyễn Hà Linh và những người thường xuyên phát sinh giao dịch chuyển-nhận tiền trong thời điểm nói trên. Luật sư Trương Văn Bá đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhằm bảo đảm xác định hành vi phạm tội một cách khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.
Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 22/4/2025. Nhưng do vụ án phức tạp và nhiều tình tiết, nội dung chưa được làm rõ, nên HĐXX đã kéo dài thời gian nghị án đến chiều 28/4/2025. Theo đó, HĐXX quyết định tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung (đây là lần thứ 2 vụ án bị trả hồ sơ). Cụ thể, HĐXX yêu cầu làm rõ các giao dịch chuyển-nhận tiền giữa bị cáo Nguyễn Hà Linh với Trần Thị H., Lê Thị H. phát sinh trong khoảng thời gian bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của các bị hại Nguyễn Thị Th., Võ Ngọc Tr. và Nguyễn Ngọc B. (từ tháng 10/2021 đến tháng 8/2022) và phải xác định rõ các khoản tiền Linh chuyển cho Trần Thị H., Lê Thị H. có nằm trong dòng tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại nói trên hay không? 
 
Đối với Phạm Hoài Th., cần điều tra xác định, trong số 9 tỷ đồng bị cáo Linh giao dịch với chị Th. chênh lệch cụ thể bao nhiêu? Và số tiền này có nằm trong dòng tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại Nguyễn Thị Th. và Võ Ngọc Tr. hay không? Nếu xác định khoản tiền chênh lệch và xem xét số tiền bị cáo Linh chuyển cho Phạm Hoài Th. có liên quan đến các khoản tiền chiếm đoạt của các bị hại, thì đưa chị Phạm Hoài Th. tham gia tố tụng, với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để giải quyết.
 
HĐXX cho rằng, việc đối soát, làm rõ số tiền chênh lệch trong quá trình chuyển-nhận giữa bị cáo và các bị hại có ý nghĩa quan trọng trong xác định trách nhiệm hình sự và dân sự của bị cáo. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho bị cáo và các luật sư của bị cáo tham gia đối soát thông qua các tài khoản, qua đó giải quyết vụ án được chính xác, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại cũng như của bị cáo.
D.C.H

tin liên quan

Chống hàng giả: Không chỉ dừng ở khâu "đuổi bắt"

Việc chống hàng giả không thể chỉ dừng ở "đuổi bắt" mà cần phòng ngừa tận gốc.

Sửa quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Ngày 26/4, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, ngày 12/2/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Tăng cường kiểm soát an ninh hàng không dịp lễ 30/4-1/5

Ngày 26/4, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã ban hành quyết định về áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trên toàn quốc.