Khổ vì... vướng quy hoạch!
(QBĐT) - Đó là thực trạng của các hộ gia đình hiện đang sinh sống tại ngõ 404, đường Nguyễn Thị Định, thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Họ bị vướng quy hoạch tuyến giao thông rộng 22,5m nối đường Nguyễn Thị Định với đường bờ kè từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá.
Sống trong thấp thỏm
Cứ chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão là các hộ gia đình ông bà Lại Ái, Hoàng Thị Hương, bà Trần Thị Liên ở ngõ 404, đường Nguyễn Thị Định lại sống trong sợ hãi vì không biết ngôi nhà cấp bốn của mình có thể chống chịu nổi với sức tàn phá của “mẹ thiên nhiên” hay không. Nỗi lo chưa “an cư” này không chỉ ngày một, ngày hai mà kéo dài mấy chục năm nay. Nguyên nhân là đất đai, nhà cửa họ bị vướng quy hoạch tuyến giao thông kết nối trục Đông (đường Nguyễn Thị Định)-Tây (đường bờ kè từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá).
Theo trình bày của bà Hoàng Thị Hương, mảnh đất gia đình bà đang sinh sống thừa kế từ bố mẹ ông Lại Ái, chồng bà. Năm 2012, UBND TP. Đồng Hới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BI 158090 cho gia đình với diện tích 487,5m2 (80m2 đất ở; 407,5m2 đất trồng cây lâu năm) tại thửa đất số 239, tờ bản đồ số 48, thôn Hà Thôn.
Vì toàn bộ diện tích đất thuộc quyền sở hữu gia đình bà Hương nằm trong phạm vi chiều rộng 22,5m đường giao thông đã được quy hoạch nên dù nhà cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng vẫn không thể sửa chữa, xây mới. “Ngôi nhà cấp bốn “tuổi đời” gần 60 năm, có 7-8 lần cơi nới, che chắn tạm, giờ thì hết khả năng khắc phục. Nếu người thân trong gia đình tôi có mệnh hệ gì khi mưa, bão thì ai chịu trách nhiệm?”, bà Hoàng Thị Hương bức xúc.
Theo thực tế chúng tôi chứng kiến, ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà Hương hiện tại không thể gọi là nhà theo đúng nghĩa vì quá cũ nát, xuống cấp, ngói lâu năm bị dột, phía trong nhà phải dùng bạt căng tạm để ngăn mưa.
Tương tự, ông bà Hoàng Lẫm (SN 1965, đã mất), Trần Thị Liên (SN 1964) được UBND TP. Đồng Hới cấp GCNQSDĐ số CI 914980 vào năm 2017 tại thửa đất số 147, tờ bản đồ số 20, thôn Hà Thôn; diện tích 639,6m2 (200m2 đất ở và 439,6m2 đất trồng cây lâu năm). Năm 2018, bà Trần Thị Liên làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển 200m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở. Qua xem xét hiện trạng, các ngành chức năng TP. Đồng Hới kết luận: “Không có cơ sở giải quyết việc xin chuyển mục đích sử dụng đất của bà Liên. Vì theo quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu phía Nam xã Bảo Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt thì thửa đất số 147, tờ bản đồ số 20 đang có diện tích 577,4m2 nằm trong quy hoạch đường giao thông”.
“Năm 2018, gia đình mới biết diện tích đất sở hữu vướng quy hoạch. Từ đó đến nay, ngôi nhà cấp bốn là nơi sinh sống của 3 thế hệ nhưng không được phép cải tạo, xây mới mặc dù nhà bị xuống cấp, mỗi mùa mưa, bão đến lại canh cánh nỗi lo”, bà Trần Thị Liên chia sẻ.
Không được phép lựa chọn “đi hay ở”!
Sống ổn định trên mảnh đất do ông bà tổ tiên để lại, được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, tuy nhiên gia đình bà Hoàng Thị Hương hay Trần Thị Liên đều “mất quyền” tự quyết về vấn đề “an cư” vì vướng quy hoạch đường giao thông.
Tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 3/2024 của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng có ý kiến về trường hợp gia đình bà Hoàng Thị Hương và bà Trần Thị Liên: Nội dung công dân trình bày được tiếp, kết luận tại nhiều phiên tiếp công dân định kỳ. Hội đồng tiếp công dân có trách nhiệm tiếp nhận đơn, giao Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đồng Hới, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng thực tế, rà soát lại tính khả thi của quy hoạch để đề xuất, tham mưu các phương án giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/4/2024. |
Trong đơn kêu cứu gửi các ngành chức năng TP. Đồng Hới và tỉnh, bà Hoàng Thị Hương đặt câu hỏi: Đường giao thông quy hoạch “treo” nhiều năm nay, nếu không triển khai thì Nhà nước điều chỉnh quy hoạch, bỏ quy hoạch, trả lại hiện trạng đất cho gia đình để chúng tôi thực hiện việc sửa chữa, xây nhà mới. Hoặc nữa, nếu dự án chắc chắn sẽ triển khai thì nhà nước bố trí cho gia đình một nơi tái định cư mới có giá trị tương đương để ổn định cuộc sống. Chứ không thể sống trong cảnh thấp thỏm, sợ hãi kéo dài như thế này được?
Bà Trần Thị Liên băn khoăn về trục giao thông nối Đông-Tây trong quy hoạch xuyên qua nhà mình: “Ở phía Nam, ngay trước nhà tôi và bà Hương còn một khoảng đất trống chưa có nhà của dân. Nhà nước phê duyệt quy hoạch thì cũng có thể điều chỉnh được quy hoạch trên cơ sở bảo đảm hài hòa quyền lợi, lợi ích giữa nhà nước và người dân. Giữ nguyên quy hoạch con đường như hiện trạng, chúng tôi chấp nhận giải tỏa, di dời, nhưng kinh phí nhà nước bỏ ra để đền bù, hỗ trợ, lo đất tái định cư cho chúng tôi là quá lớn. Thay vì tiến hành điều chỉnh quy hoạch, dịch chuyển tuyến đường lên phía Nam vài mét, kinh phí đền bù, hỗ trợ sẽ ít đi rất nhiều”.
Quy hoạch, quy hoạch “treo” làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như trường hợp 2 gia đình bà: Hoàng Thị Hương, Trần Thị Liên ở ngõ 404, đường Nguyễn Thị Định, trên địa bàn xã Bảo Ninh vẫn còn tồn tại, kéo dài nhiều năm nay. Báo Quảng Bình sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.
Nhóm PV Bạn đọc