Các dự án do Ban QLDA-MTBĐKH TP. Đồng Hới phụ trách: Quá chậm tiến độ, vì sao?

  • 07:32 | Thứ Ba, 28/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thi công dang dở kéo dài, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, kinh doanh của người dân và gây mất an toàn giao thông. Đó là thực trạng đang diễn ra đối với nhiều gói thầu do Ban Quản lý dự án Môi trường và biến đổi khí hậu (QLDA-MTBĐKH) TP. Đồng Hới quản lý.
 
Các dự án này bao gồm: "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án TP. Đồng Hới" có tổng mức đầu tư 58,11 triệu USD (gồm 18 gói thầu) và "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới" có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD (gồm 11 gói thầu). Hai dự án này đều có thời gian thực hiện từ năm 2017-2022.
 
Hiện thời gian thực hiện 2 dự án trên chỉ còn hơn 1 năm (theo kế hoạch, các dự án kết thúc vào ngày 31-12-2022). Tuy nhiên, tiến độ triển khai đang rất chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Việc thi công với tiến độ “rùa bò” trên tuyến đường Lý Thái Tổ đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây mất an toàn giao thông.
Việc thi công với tiến độ “rùa bò” trên tuyến đường Lý Thái Tổ đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây mất an toàn giao thông.
Điều đáng nói, từ ngày 2 dự án này được triển khai thi công trên địa bàn TP. Đồng Hới, nhất là vào thời điểm năm 2020 và năm 2021, đã gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân trên địa bàn.
 
Nhiều gói thầu thi công hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp ba; cải tạo năng lực thoát nước; xây dựng đường giao thông; xây dựng cầu; xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu... được thực hiện với tiến độ “rùa bò”, thi công dang dở rồi tạm dừng; không hoàn trả mặt bằng kịp thời và để kéo dài hoặc hoàn trả mặt bằng nhưng không bảo đảm chất lượng...
 
Trước tình hình và ý kiến phản ánh của người dân, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra và làm việc với Ban QLDA MT-BĐKH TP. Đồng Hới và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
 
Qua kiểm tra, làm việc đã đánh giá: Tiến độ thực hiện các gói thầu đang còn chậm; việc phối hợp giữa Ban và các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong một số việc còn thiếu chặt chẽ; hồ sơ thiết kế thi công, dự toán phải điều chỉnh nhiều lần, công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm...
 
Qua đó, đã làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị TP. Đồng Hới, lưu thông đi lại của người dân, an toàn giao thông, môi trường và trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các gói thầu thuộc các dự án mà lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần có ý kiến, chỉ đạo; cử tri và người dân phản ánh.
Việc thi công với tiến độ “rùa bò” trên tuyến đường Lý Thái Tổ đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây mất an toàn giao thông.
Cầu Cống Mười không hoàn thành đúng yêu cầu để thông tuyến đường Lê Lợi trước ngày 2-9-2021.
UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, Ban QLDA MT-BĐKH TP. Đồng Hới phải tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, cầu, đường trên địa bàn thành phố do đơn vị làm chủ đầu tư bởi tiến độ quá chậm.
 
Điển hình như cầu Cống Mười, để sớm thông tuyến đường Lê Lợi, bảo đảm thông xe trước ngày 2-9-2021; thi công dứt điểm và hoàn trả các tuyến đường chính nhằm bảo đảm đi lại và an toàn cho người dân; phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến Lê Lợi, Lý Thái Tổ sớm bàn giao cho Sở Giao thông vận tải thi công mặt đường theo tiến độ như hai bên đã cam kết. Với vai trò là chủ đầu tư, Ban cần chủ động, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan...
 
Chỉ đạo của UBND tỉnh là vậy, tuy nhiên, thực tế lại không như yêu cầu. Theo báo cáo của Ban QLDA MT-BĐKH TP. Đồng Hới, đến nay, đối với dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án TP. Đồng Hới", tính tổng chung khối lượng các gói thầu đã thi công hoàn thành trên hiện trường đạt 284,604 tỷ đồng, tương đương khoảng 41,88% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết và đã giải ngân được 245,804 tỷ đồng, tương đương 36,17% tổng giá trị hợp đồng.
 
Đáng nói hiện dự án này còn 3 gói thầu đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu nên chưa thực hiện, nên chưa thể giải ngân.
Việc thi công dang dở kéo dài đã dẫn đến ngập úng nước, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và gây mất an toàn giao thông.
Việc thi công dang dở kéo dài đã dẫn đến ngập úng nước, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và gây mất an toàn giao thông.
Còn với dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới", tính chung tổng khối lượng các gói thầu đã thi công hoàn thành trên hiện trường mới được 24,61% và giải ngân được 164,125 tỷ đồng, tương đương 19,01% tổng giá trị hợp đồng. Hiện dự án này cũng còn 2 gói thầu chưa thực hiện, vì vậy, cũng chưa thể giải ngân.
 
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban QLDA MT-BĐKH TP. Đồng Hới cho hay, nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã dẫn đến thực trạng nói trên. Cụ thể: Gói thầu tư vấn giám sát của dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới" đến tháng 6-2020 mới ký được hợp đồng; vấn đề an toàn bom mìn vật nổ chỉ được giải quyết xong vào cuối tháng 4-2020... đã làm cho các gói thầu xây lắp khởi công chậm trễ so với kế hoạch; mưa lũ kéo dài từ giữa tháng 9 đến tháng 11-2020 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án; tác động của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động các nguồn lực...
 
Đáng nói nhất là phần lớn các gói thầu xây lắp có tỷ lệ giảm thầu tương đối lớn (từ 19%-41%) dẫn đến việc nhiều nhà thầu chây ì trong thi công do khả năng thua lỗ cao.
 
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá một số vật liệu (đá, cát, đất đắp, xăng dầu, sắt, thép...) tăng cao nên các nhà thầu có tâm lý giãn tiến độ thi công để chờ giá cả bình ổn, “hạ nhiệt”; nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thi công; công tác giải phóng mặt bằng của dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới" chưa hoàn thành...
 
Ông Lê Thanh Tịnh cũng thẳng thắn thừa nhận: Mặc dù phía Ban đã có rất nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đốc thúc các nhà thầu và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương giải quyết các vấn đề, công việc liên quan đến việc thực hiện các dự án do Ban phụ trách, tuy nhiên, kết quả đưa lại chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra, nhất là trong việc thực hiện kịp thời các chỉ đạo của UBND tỉnh.
 
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã đặc biệt lưu ý việc tập trung đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các dự án thuộc Ban QLDA MT-BĐKH TP. Đồng Hới phụ trách; yêu cầu Ban tập trung chỉ đạo để triển khai thi công nhanh các hạng mục công trình đang còn dang dở kéo dài, như: Đường Lê Lợi, Lý Thái Tổ, cầu Cống Mười…
Bùi Thành
 

tin liên quan

Lệ Thủy: Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy bị đánh nhập viện khi đang chỉ đạo chống dịch

(QBĐT) - Ngày 25-9, ông Nguyễn Phương Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết: Công an huyện Lệ Thủy đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Quang Trung (SN 1981), ở thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy để điều tra về hành vi "chống người thi hành công vụ".

Phát hiện, thu giữ gần 6.800 sản phẩm hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc

(QBĐT) - Ngày 26-9, Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Đội (QLTT) số 7 và Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT) phối hợp với Công an và chính quyền phường Đồng Phú vừa phát hiện, thu giữ 6.795 sản phẩm quần áo và ốp điện thoại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Thanh tra tỉnh: Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới

(QBĐT) - Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thanh tra tỉnh vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm kế hoạch thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) và phòng chống tham nhũng (PCTN) phù hợp với tình hình thực tiễn.