.

Về vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện Quảng Ninh: Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý, bảo vệ rừng

.
09:24, Thứ Sáu, 29/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Như Báo Quảng Bình đã thông tin việc hàng loạt cây gỗ lim, gõ... có đường kính khoảng 60cm-1,2m đã bị cưa hạ, xẻ lấy phần lõi; nhiều thân gỗ bị cưa khúc, xẻ đôi, cùng đó nhiều phách gỗ, cành cây, bìa gỗ...vương vãi ngổn ngang tại hiện trường đó là những gì mà phóng viên Báo Quảng Bình chứng kiến được  tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 329, lâm phận do Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại) quản lý thuộc địa phận xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Trước vụ việc này, không thể không đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng có vấn đề!?

a
Tuyến đường từ đường Hồ Chính Minh nhánh Tây vào khu vực rừng bị phá.

Từ nhánh Tây đường Hồ Chính Minh (cách cầu Zìn Zìn trên tuyến đường khoảng 1km) thuộc xã Trường Sơn (Quảng Ninh),  đi vào tầm khoảng 2km, phóng viên đã tiếp cận được với điểm rừng bị phá đầu tiên. Và điểm rừng cuối cùng bị phá cách điểm đầu khoảng 2km.

Sau khoảng 20 phút đi bộ, phóng viên đã tiếp cận được điểm rừng đầu tiên bị khai thác trái phép. Hiện trường cho thấy một cây gỗ gõ, gốc có đường kính khoảng 80cm, phần dưới của cây gỗ đã bị lâm tặc lấy đi, riêng một phần ngọn còn lại vẫn nằm tại tại hiện trường, phần này cũng có đường kính khoảng 60cm. Và cách đó khoảng 30m một cây gỗ lớn có đường kính khoảng 80cm cũng đã bị cưa hạ và xẻ thịt lấy đi hết phần lõi thân. Dấu vết hiện trường về dấu cưa trên gốc cây để lại còn rất mới và gốc cây còn đang rỉ nhựa, cùng đó phần cành ngọn, mạt cưa do cưa, xẻ gỗ để lại... cho thấy các cây gỗ này bị đốn hạ và cưa xẻ lấy gỗ xảy ra chưa lâu.

Hiện trường xung quanh tại các gỗ cây bị cưa hạ có nhiều phách gỗ, phần bìa thân cây gỗ vứt ngổn ngang giữa khe nước, những cành cây lớn đổ xuống chắn cả lối mòn xuyên rừng.

a
Một cây gỗ lim bị chặt hạ có đường kính 1,2m cách đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 2km.

Đi sâu vào hiện trường khu vực rừng bị phá, nhiều cây gỗ khác có đường kính gốc từ khoảng 80cm lên đến 1,2m đã bị đốn hạ không thương tiếc và hiện trường còn lại tương tự như các cây gỗ nói trên. Đáng nói có nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ xuống ước chừng chưa đầy tháng đang trong quá trình bị cắt khúc, xẻ thân để lấy phần lõi gỗ. Theo báo cáo của lực lượng Kiểm lâm bước đầu đã xác định được có 45 cây gỗ có đường kính từ 40 đến 120cm đã bị chặt hạ trái phép (trong đó có 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và 2 cây gỗ chua).

Theo ghi nhận hiện trường của phóng viên, khu vực rừng bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai và có khoảng cách rất gần với Trạm quản lý và bảo vệ rừng của Lâm trường Trường Sơn. Một nguồn tin của phóng viên cho biết, trong thời điểm rừng bị phá này không chỉ có lực lượng của Trạm bảo vệ rừng Trường Sơn được phân công nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn, kiểm soát mà còn có nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Đặc biệt, khoảng thời gian xảy ra vụ phá rừng này còn có mặt của lực lượng liên ngành chốt ở đó. Qua dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy việc phá rừng tại đây bắt đầu xảy ra từ nhiều tháng trước (từ cuối năm 2018) và chỉ dừng lại vào cuối tháng 3-2019 khi qua tuần tra rừng lực lượng Kiểm lâm huyện Quảng Ninh mới phát hiện được vụ việc này.

Cũng từ một nguồn tin của phóng viên cho biết, vụ phá rừng quy mô lớn nơi đây chỉ được phát giác và làm rõ bắt nguồn từ một bữa nhậu của một nhóm lâm tặc bàn với nhau về cách thức làm thế nào để chuyển được gỗ ra khỏi rừng một cách nhanh nhất. Và một cán bộ kiểm lâm, ngồi tiếp bạn học ở phòng bên vô tình đã nghe được, về báo cáo với kiểm lâm cấp trên và ngay lập tức được chỉ đạo vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc. Theo đánh giá của một cán bộ Kiểm lâm cho biết, khu vực rừng tại tiểu khu 329, lâm phận Trường Sơn là rừng giàu lâm sản.

a
Một phần cây gỗ lớn vừa bị lâm tặc cưa hạ xuống đang quá trình xẻ lấy phần gỗ lõi.

Trước vụ việc này, ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng ở trên, một phần do lực lượng của đơn vị quá mỏng chỉ với 26 người nhưng phải quản lý đến gần 30.000ha rừng.

Thời điểm chặt phá vào cuối năm 2018, thời điểm này chỉ có một nửa quân số do nghỉ Tết Nguyên đán nên khó lòng kiểm soát hết cả một khu vực rừng rộng lớn. Bên cạnh đó, thời điểm lâm tặc chặt phá rừng cũng rơi vào thời gian lâm trường đang tiến hành khai thác rừng trồng, có sử dụng cưa xăng nên khó phát hiện tiếng máy cưa của lâm tặc.

a
Một khúc gỗ lim bị lâm tặc xẻ đôi.

Sau khi nhận thông tin về vụ phá rừng gỗ lim quý ở tiểu khu 329, lâm phận Trường Sơn, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đã chỉ đạo Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn kỷ luật cách chức đối với ông Hoàng Văn Toản, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng. Ông Toản và 3 nhân viên của trạm bị thuyên chuyển công tác khác, không được phụ trách mảng bảo vệ rừng ở khu vực giàu lâm sản.

Với tư cách là chủ rừng, phía Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đã nhận trách nhiệm và nêu rõ: Khi phát hiện chậm vụ việc phá rừng này thì rõ ràng lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp của đơn vị có lỗi trong vấn đề này.

Còn việc có hay không  việc ‘lâm tặc” là những đối tượng nào, Trạm bảo vệ rừng, chủ rừng có móc nối, cấu kết với các đối tượng phá rừng hay không... phía Công ty cho biết thêm: Sau khi có kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng sẽ xử lý sai phạm của các tập thể và cá nhân có liên quan đến vụ việc này theo đúng quy định.

a
Phóng viên Báo Quảng Bình tại một điểm rừng bị khai thác trái phép.

Được biết, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh đã hoàn tất hồ sơ để chuyển giao cho Công an huyện Quảng Ninh để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ vụ phá rừng trái phép theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể và các cá nhân có liên quan để xảy ra việc phá rừng này.

Bùi Thành

 

 

,