.

Khi chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản thiếu trách nhiệm!

.
07:34, Thứ Sáu, 01/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Xây dựng cơ bản luôn là lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, không chỉ gây thất thoát nguồn lực, tiền của của Nhà nước và xã hội, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trong xây dựng cơ bản là do sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư của các công trình.

Năm 2018, qua thanh tra 6 công trình xây dựng trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015 do UBND xã Trung Hóa (Minh Hóa) làm chủ đầu tư, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 công trình có xảy ra sai sót. Tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra tại các đơn vị thi công phải thu hồi hơn 94 triệu đồng.

Nghiêm trọng nhất trong đó phải kể đến công trình đường giao thông nông thôn (GTNT) nội vùng Thanh Liêm 1, 2 (xã Trung Hóa). Theo hợp đồng, công trình hoàn thành trong 24 tháng kể từ ngày 30-10-2012, kết thúc ngày 30-10-2014, nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 4-2018), công trình chỉ mới thực hiện 30% khối lượng công trình. Hiện tại công trình còn dang dở.

Do vi phạm hợp đồng, UBND xã Trung Hóa đã hủy bỏ hợp đồng với đơn vị thi công là Công ty TNHH Hoàng Bảo Anh. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hợp đồng với đơn vị thi công khác để tiếp tục thi công công trình, làm ảnh hưởng đến giao thông, sự phát triển kinh tế-xã hội.

Công trình đường vào vùng sản xuất thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp (Minh Hóa) không hoàn thành đúng tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Công trình đường vào vùng sản xuất thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp (Minh Hóa) không hoàn thành đúng tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Điều đáng nói, việc Công ty TNHH Hoàng Bảo Anh đã tạm ứng hợp đồng số tiền 1,28 tỷ đồng nhưng không sử dụng hết cho việc đầu tư xây dựng công trình và từ khi chấm dứt hợp đồng đến nay (thời điểm tháng 4-2018) vẫn chưa hoàn trả số tiền tạm ứng còn lại (sau khi đã trừ khối lượng nghiệm thu) số tiền hơn 758 triệu đồng cho chủ đầu tư.

Trong khi đó, chủ đầu tư là UBND xã Trung Hóa không căn cứ các quy định, các ký kết của hợp đồng để thu hồi tiền tạm ứng, dẫn đến thu tạm ứng chưa đúng tỷ lệ quy định, thu thiếu gần 200 triệu đồng. Sau khi tiến hành thanh tra, cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.

Cũng trên địa bàn huyện Minh Hóa, năm 2018, dư luận xôn xao trước công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trình đường vào vùng sản xuất thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp, dẫn đến công trình không hoàn thành đúng tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Điều đáng nói, mặc dù công trình vẫn chưa hoàn thành, thế nhưng cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công lập chứng từ để rút tiền của dự án đầu tư.

Theo đó, công trình đường cấp phối dài chỉ khoảng 1km qua thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp được Dự án phát triển nông thôn bền vững (SRDT) đầu tư với tổng số vốn gần 1,1 tỷ đồng. Công trình khởi công vào tháng 10-2017, dự kiến sau 120 ngày (tức khoảng 4 tháng) sẽ hoàn thành.

Thế nhưng, khi khối lượng thi công công trình chưa hoàn thành, đơn vị thi công là Công ty TNHH Hòa Cương đã lập biên bản xác nhận khối lượng thi công công trình hoàn thành giai đoạn 1 trình chủ đầu tư là UBND xã Hóa Hợp để thanh toán toàn bộ số tiền đầu tư. Điều đáng nói là, chủ đầu tư đồng ý xác nhận và thanh toán gần hết số tiền (917 triệu đồng-PV) của dự án cho đơn vị thi công.

Sau khi nhận được tiền, đơn vị thi công rút toàn bộ máy móc, thiết bị thi công ra khỏi công trình. Lúc này, lãnh đạo UBND xã Hóa Hợp mới “cuống cuồng” gửi văn bản yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục hoàn thành nốt những hạng mục còn lại.   

Năm 2018, qua thanh tra trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ngành Thanh tra đã phát hiện số tiền sai phạm hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 47 tổ chức và 107 cá nhân, chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chánh Thanh tra tỉnh, con số sai phạm phát hiện qua thanh tra nói trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ các sai phạm xảy ra trong thực tế.

Tuy nhiên, qua 2 vụ việc nói trên cho thấy, sai phạm xảy ra trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chủ yếu là do sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, thậm chí có chủ đầu tư không thực hiện đúng các quy định của pháp luật; năng lực quản lý của chính quyền các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế; một số nhà thầu thi công không có năng lực về tài chính lẫn thi công nhưng vẫn “lọt” qua cửa thẩm định để được đấu thầu và chỉ định thầu.

Hệ quả của những vấn đề này để lại rất lớn cho xã hội, đó là công trình thi công dang dở, chất lượng công trình không bảo đảm, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và xã hội; người dân bức xúc, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Muốn hạn chế được tình trạng nói trên, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn; đồng thời, chính các chủ đầu tư cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với các công trình được giao làm chủ đầu tư.

D.C.H
 

,