.
Ký sự pháp đình:

Vỡ tan giấc mơ "chồng ngoại"

.
11:41, Chủ Nhật, 24/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Phải đến khi họ ra toà với bao thủ tục nhiêu khê để ly hôn người chồng nước ngoài, nhiều bạn bè, hàng xóm mới biết tin họ đã từng kết hôn. Những cuộc hôn nhân diễn ra chóng vánh với người “chồng ngoại” chỉ biết nhau nhờ mai mối cũng tan vỡ nhanh chóng như một giấc mơ.

Tám năm trước, ở tuổi hai mươi đầy mộng mơ, Hoàng Thị H. được người quen mai mối cho một người đàn ông Hàn Quốc, sinh sống ở thủ đô Soeul. Vốn dĩ mê đắm những bộ phim Hàn Quốc với bao hình ảnh hào nhoáng, lịch thiệp của những nhân vật cùng cuộc sống thần tiên ở xứ sở kim chi, H. nhanh chóng gật đầu đồng ý.

Đám cưới diễn ra đơn giản và chóng vánh sau lần gặp mặt đầu tiên. H. được chồng đón về Hàn Quốc trong niềm vui và hy vọng ngập tràn với giấc mơ về cuộc sống mới đẹp như những bộ phim cô từng say mê.

Thế nhưng cuộc đời không hề giống như phim. Chỉ sau một tháng kết hôn, mâu thuẫn giữa họ nảy sinh và ngày càng căng thẳng. Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hoá và sinh hoạt, dù đã cố gắng nhưng cả hai ngày càng xa nhau. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, H. lẳng lặng mua vé máy bay và bỏ về Việt Nam, để lại sau lưng giấc mơ “chồng ngoại” bẽ bàng.

Cũng như H., Nguyễn Thị T. kết hôn với người chồng Hàn Quốc nhờ mai mối khi vừa tròn mười chín tuổi. Ngày đám cưới, cô dâu hạnh phúc rạng ngời khoác tay chú rể, bố mẹ cô dâu rưng rung nước mắt tiễn con ra nước ngoài với giấc mơ về một tương lai tốt đẹp cho con và cả niềm hy vọng được con đỡ đần về kinh tế lúc tuổi già. Mỗi người mang theo trong mình một giấc mơ riêng mà không thể ngờ đến kết cục chóng vánh cho những cuộc hôn nhân với người nước ngoài thông qua mai mối này.

Sống ở nhà chồng 6 tháng thì cả 6 tháng T. cảm thấy mệt mỏi, chán nản, nỗi nhớ quê nhà cũng ngày càng day dứt trong lòng cô. Gia đình nhà chồng ở một thành phố nhỏ, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chật vật cộng thêm người chồng thiếu quan tâm chăm sóc, lại bất đồng về ngôn ngữ, công việc gia đình vất vả, T. nghĩ đến chuyện ly hôn. Thế nhưng để ly hôn ở nước sở tại là không hề đơn giản. Sau nhiều đêm suy nghĩ, T. quyết định mua vé máy bay và trở về nhà.

Cả H. và T. đều kết hôn vào năm 2010 và rời bỏ Hàn Quốc chỉ mấy tháng sau. Họ trở về quê nhà và dần quên đi cuộc hôn nhân ngắn ngủi đó. Cho mãi đến năm 2018, cả hai mới làm đơn xin ly hôn những người “chồng ngoại”. Đến lúc này, H. chỉ nhớ chồng mình tên là Jun, còn T. cũng không hơn gì, phần tên chồng chỉ đề một cái tên ngắn ngủi là Woo.

Căn cứ theo quy định hiện hành, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã triển khai đầy đủ các thủ tục để tiến hành xét xử vụ án, thế nhưng cả hai ông “chồng ngoại” của họ đều “bặt vô âm tín”. Sau nhiều lần gửi công văn, thông báo trên hệ phát thanh đối ngoại quốc gia Đài Tiếng nói Việt Nam về những nội dung liên quan đến việc giải quyết án ly hôn nhưng cả hai ông “chồng ngoại” đều không có phản hồi, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt chú rể.

Sau những thủ tục nhiêu khê, H. và T. đã hoàn thành hai cuộc ly hôn với “chồng ngoại”. Nếu ngày kết hôn, họ mang theo những giấc mơ tươi đẹp về cuộc sống thần tiên với “chồng ngoại”, những kỳ vọng về việc có thể đỡ đần tiền bạc giúp mẹ cha, thì giờ đây, khi bước chân ra khỏi toà án với tờ quyết định ly hôn trên tay, họ thở phào nhẹ nhõm. Cũng may là giữa họ chưa có con chung và không vướng mắc về tài sản, nên cuộc chia tay cũng nhẹ nhàng hơn.

H. và T. chỉ là hai trong số rất nhiều những cô gái đã và đang mơ giấc mơ “chồng ngoại”. Sự thiếu hiểu biết, ham chuộng cuộc sống giàu sang, xem nhẹ những giá trị cần thiết của hôn nhân đã dẫn lối khiến nhiều cô gái bước vào ngõ cụt.

Dẫu vẫn có những cuộc hôn nhân với “chồng ngoại” đầy hạnh phúc, nhưng trên thực tế, có không ít cô dâu bất hạnh, họ mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân với những người “chồng ngoại”, bị đánh đập, hắt hủi, thậm chí có những trường hợp tử vong do bạo hành mà các phương tiện thông tin đại chúng đã từng cảnh tỉnh.

Để không rơi vào bi kịch do chính mình tạo ra, mỗi người cần trân trọng, đề cao những giá trị cần thiết của hôn nhân, không để ham muốn tầm thường cuốn vào những cuộc hôn nhân với yếu tố “chồng ngoại’ đầy mong manh và bất trắc với kết cục là những giấc mơ bẽ bàng.

Diệu Cầm
 

,