Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, yêu cầu bức thiết

  • 07:04 | Thứ Bảy, 23/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch nông sản, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất… nông dân các địa phương đã và đang đẩy mạnh cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, việc áp dụng CGH nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Nhiều loại trang thiết bị, máy nông nghiệp do người dân đầu tư đưa vào sản xuất hoặc được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác liên quan đã giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Toàn tỉnh hiện có khoảng 31.290 máy sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, tăng 41 máy so với năm 2023. Mức độ cơ giới hóa các khâu cơ bản đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Lệ Thủy có diện tích lúa lớn nhất tỉnh với diện tích gieo cấy trên 10.200ha. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Duy Hưng cho biết: Nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn với các khâu làm đất, gặt… cơ bản được nông dân các địa phương sử dụng máy móc nên đã giải phóng được sức lao động và giảm chi phí đầu vào đáng kể.

Trong vụ đông-xuân 2023-2024, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng thiết bị bay để gieo sạ và bón phân đã được thực hiện trên cánh đồng xã Xuân Thủy. Kết quả sản xuất cho thấy, nông dân đã tiết kiệm được nhân công, chi phí, lượng thóc giống gieo sạ giảm đáng kể. Với việc áp dụng công nghệ này, mỗi ha lúa có thể tiết kiệm gần 3 triệu đồng.

Nông dân huyện Quảng Ninh sử dụng máy gieo sạ cụm để sản xuất lúa.
Nông dân huyện Quảng Ninh sử dụng máy gieo sạ cụm để sản xuất lúa.

Hiện, CGH không chỉ ở vùng đồng bằng mà tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng đã được người dân đưa vào sử dụng hiệu quả. Xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) có địa hình chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giao thông một số thôn đi lại còn nhiều trở ngại… nên việc đưa thiết bị vào sản xuất tại địa phương rất khó khăn. Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân phần lớn sử dụng sức lao động là chính. Gần đây, nhờ áp dụng CGH vào khâu sản xuất nên nông dân đã giảm bớt được sức lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Bà Hoàng Thị Viên, thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa cho biết: “Nhà tôi có 3 sào lúa nước, 4 sào lạc và ngô. Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch, tôi phải bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng để thuê người gặt lúa, thu hoạch lạc và ngô thì giờ đây, nhờ sử dụng máy gặt đập liên hợp, máy bóc và tách hạt ngô nên việc thu hoạch đã dễ dàng hơn, diễn ra nhanh gọn, không chỉ tiết kiệm được thời gian, nhân công mà chi phí cũng giảm được rất nhiều.”

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, trong sản xuất lúa, khâu làm đất, thu hoạch được CGH ngày càng cao, riêng khâu làm đất đã đạt 96,6%, thu hoạch cho lúa đạt 90,5%. Diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dầu ngày càng mở rộng. Trong năm 2023-2024, một số địa phương đã ứng dụng gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái, gieo sạ bằng máy sạ cụm… đã góp phần tích cực vào việc giảm bớt lao động nặng nhọc cho người nông dân, giúp khâu sản xuất, thu hoạch bảo đảm thời vụ, tăng năng suất, chất lượng.

Trong bối cảnh lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp ngày càng phổ biến, tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các mùa vụ chính thì việc thúc đẩy CGH trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Bên cạnh cây lúa, các cây trồng khác như ngô, lạc, sắn, đậu xanh có tỷ lệ CGH làm đất đạt 86%; khâu tưới, chăm sóc đạt 74,7%; gieo trồng khoảng 15%. CGH trong chăn nuôi tập trung ở một số khâu như vệ sinh chuồng trại khoảng 69,4%; thu gom phân chất thải vật nuôi 51%; trong lĩnh vực thủy sản, CGH khâu thu hoạch đạt 50%, bảo quản 85%; lĩnh vực lâm nghiệp CGH chủ yếu tập trung ở khâu thu hoạch, vận chuyển sản phẩm đạt hơn 80%...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng mức độ CGH trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đồng bộ và toàn diện. Một số khâu như gieo cấy, tưới tiêu, sơ chế, chế biến sâu… tỷ lệ CGH còn thấp. Một số địa phương trong tỉnh cơ sở hạ tầng nông thôn chưa phát triển, địa hình không bằng phẳng nên rất khó khăn trong việc ứng dụng CGH vào sản xuất. Nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp khá lớn nên khả năng đầu tư của người dân còn hạn chế. Việc đầu tư mua sắm máy móc còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch theo từng địa bàn, nơi thừa, nơi thiếu…

Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giới thiệu các máy móc, thiết bị CGH và đào tạo nghề; triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển CGH nông nghiệp và chế biến nông sản; khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản bảo đảm đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung…
Thanh Hoa

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến độ dự án kè biển Quảng Phúc

(QBĐT) - Sau hơn 5 tháng triển khai thi công, với quyết tâm cao của chủ đầu tư và nhà thầu thi công, đến nay, dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) đã sắp cán đích. 

Sản xuất cây vụ đông phục vụ thị trường Tết

(QBĐT) - Những năm qua, sản xuất vụ đông được huyện Quảng Trạch xác định là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, bà con nông dân đã bắt đầu xuống giống, tích cực chăm sóc để có những sản phẩm chất lượng nhất phục vụ nhu cầu thị trường, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán…

Vào mùa trồng rừng

(QBĐT) - Thời điểm này, người dân các xã vùng gò đồi huyện Quảng Trạch đang bước vào vụ trồng rừng chính trong năm. Để cây rừng đạt tỷ lệ sống cao và tăng trưởng tốt, người trồng rừng đã chủ động tìm nguồn giống bảo đảm chất lượng.