Trên những vùng gò đồi

  • 06:57 | Thứ Năm, 18/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế vùng gò đồi, bởi vậy, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở địa phương…
 
Để nâng cao đời sống cho người dân, mấy năm gần đây, xã Thái Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng gò đồi nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, phát triển KT-XH bền vững.
 
Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn cho biết, địa phương có hơn 1.300 hộ. Xác định hướng đi của xã Thái Thủy là phát triển nông nghiệp toàn diện, trong đó lấy trồng trọt, lâm nghiệp là mũi nhọn, địa phương đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị; lựa chọn các loại cây: Lâm nghiệp, lấy gỗ, dược liệu, ăn quả có giá trị kinh tế vào trồng; đồng thời khuyến khích bà con nông dân thực hiện các mô hình chăn nuôi dưới tán rừng…
Cây dược liệu phát triển trên vùng gò đồi Thái Thủy.
Cây dược liệu phát triển trên vùng gò đồi Thái Thủy.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế vùng gò đồi, bộ mặt KT-XH ở xã Thái Thủy đã có những chuyển biến rõ rệt, như: Tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt hơn 1.455 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,57%; tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng...
 
“Xác định vai trò kinh tế rừng trong phát triển KT-XH vùng gò đồi, địa phương đã triển khai vận động và khuyến khích người dân chuyển dịch từ trồng rừng cung cấp nguyên liệu giấy sang trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng nhận FSC. Đến nay, địa phương có 4.100ha rừng trồng, trong đó có hơn 100ha rừng gỗ lớn, gần 50ha cây dược liệu, sim; có 12 mô hình kinh tế trang trại, lợi nhuận bình quân đạt từ 80-100 triệu đồng/trang trại/năm. Khó khăn lớn nhất của địa phương trong phát triển vùng gò đồi là thay đổi tư duy và nhận thức của người dân; cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi phục vụ cho sản xuất và nguồn vốn vay ưu đãi từ những chương trình, dự án…”, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết thêm.
 
Những năm qua, xã Trường Thủy luôn xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi, chuyển đổi cây trồng là một trong những chương trình trọng điểm, thế mạnh của địa phương. Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho hay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi, địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng keo, tràm sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, trên vùng đất gò đồi, bà con nông dân tiếp tục chuyển những diện tích đất trồng keo, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dược liệu. Các cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả cho nông dân, như: Cam, bưởi (ở xã Trường Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, Thái Thủy); ổi (ở xã Dương Thủy); chanh leo (ở Trường Thủy) cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận gấp 5-10 lần trồng keo, cao su…

Hiện, xã đã thực hiện chuyển đổi được hơn 50ha diện tích trồng cây keo, tràm sang trồng cây ăn quả, dược liệu. Một số cây trồng đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế phù hợp với vùng đất gò đồi, như: Cam mật, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, hồ tiêu, sim, nghệ, tràm gió, chanh leo, sả… Các mô hình chuyển đổi bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định, giá trị thu nhập đạt từ 100-200 triệu đồng/ha, lợi nhuận gấp 5-10 lần trồng keo tràm, góp phần nâng cao mức sống của người dân…

“Để nâng cao hiệu quả, phát triển vùng gò đồi bền vững, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động; lựa chọn các cây trồng chủ lực để thuận lợi cho canh tác, vận chuyển cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, bao tiêu sản phẩm; ưu tiên phát triển thành sản phẩm đặc sản của địa phương; hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để phát triển rừng trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng…”, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết thêm.
 
Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã ban hành các nghị quyết, chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế; đồng thời khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất vùng gò đồi ở các địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển trồng rừng kết hợp với trang trại, gia trại; chuyển đổi keo, cây cao su, đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn; chú trọng trồng rừng gỗ lớn và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng; phát triển các trang trại chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả…
 
Đến nay, Lệ Thủy đã thực hiện chuyển đổi được hơn 60ha keo, cây cao su, đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế; trồng rừng gỗ lớn 1.300ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC hơn 850ha; đàn trâu, bò có hơn 16.500 con; đàn lợn 37.685 con; tổng đàn gia cầm có 1,8 triệu con; 130 hợp tác xã, 154 tổ hợp tác và 120 trang trại đang hoạt động…
Ngọc Hải

tin liên quan

Bố Trạch: Phấn đấu đến năm 2025, có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

(QBĐT) - Thời gian qua, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của nhân dân nên các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện Bố Trạch có sự cải thiện đáng kể.
 

Bố Trạch: Doanh thu du lịch tăng hơn 18% so với cùng kỳ

(QBĐT) - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, quý I/2024, huyện Bố Trạch đón khoảng 80.000 lượt khách, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế 15.000 lượt; doanh thu du lịch đạt trên 56 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
 

Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

(QBĐT) - Hiện tại, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Bố Trạch cơ bản bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Tuy nhiên, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm, như: Lở mồm, long móng, tai xanh, cúm gia cầm, bệnh dại… là rất cao.