Lối đi nào cho việc tiêu thụ sản phẩm OCOP?

  • 07:01 | Thứ Sáu, 12/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ chương trình này, nhiều sản phẩm OCOP ra đời và chinh phục khách hàng, khẳng định vị trí trên thị trường hàng hóa. Song việc phát triển thị trường của sản phẩm này vẫn còn là vấn đề cần bàn.
 
Ở Quảng Bình, trong những năm qua, chương trình OCOP được triển khai đã thu hút nhiều chủ thể sản xuất tham gia. Trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng tìm những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 28 sản phẩm đạt 4 sao, 153 sản phẩm đạt 3 sao). Nhưng quan trọng hơn, với nhiều miền quê, việc triển khai chương trình này đã làm thay đổi tư duy của người dân vùng nông thôn về sản xuất, kinh doanh theo hướng tích cực, đổi mới.
 
“Cùng với chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chương trình OCOP đã giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng đổi mới công nghệ, hoàn thiện bao bì nhãn mác để tạo ra những sản phẩm uy tín, chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại các địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh khẳng định.
Các sản phẩm OCOP của Quảng Bình lên kệ siêu thị Co.opmart.
Các sản phẩm OCOP của Quảng Bình lên kệ siêu thị Co.opmart.
Hiệu quả từ chương trình mang lại là thấy rõ, tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế còn những khó khăn, tồn tại trong việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
 
Mới đây, Sở Công thương chủ trì hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình với sự tham dự của đại diện một số sở, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh.
 
Các đại biểu dự hội nghị đã có cuộc thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm nói trên. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi các quy định, thủ tục pháp lý; đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm về phát triển sản xuất các sản phẩm. Đại diện các nhà phân phối cũng đã thảo luận về cơ hội và giải pháp đưa sản phẩm hàng hóa của Quảng Bình vào chuỗi cung ứng ở các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông chia sẻ: Để vào được các hệ thống siêu thị, các chủ thể sản xuất phải xác định đúng nhu cầu, mục tiêu của mình; phải gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với từng hệ thống, trên cơ sở yêu cầu và tiêu chuẩn riêng của hệ thống, xem mình còn thiếu gì để về thay đổi, bổ sung để đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác. Khi được lên kệ rồi thì phải chú ý đến sự “sống còn” của sản phẩm. Cần xác định khách hàng là người quyết định sự tồn tại của sản phẩm. Vậy để tồn tại, ngoài bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì phải thật sự chất lượng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
 
Trên thực tế, không phải những biên bản ghi nhớ hợp tác nào cũng dẫn đến những kết quả trong việc hợp tác. Bà Lương Thị Kiều Lan Chi, Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình bày tỏ: Thực tế việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị không quá khó, chỉ cần sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có chứng nhận VietGAP; có đầy đủ hồ sơ pháp lý do các cơ quan quản lý Nhà nước cấp là Saigon Co.op sẽ đón nhận. Với tinh thần ủng hộ các sản phẩm của địa phương, chúng tôi cũng đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ hợp tác với một số cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, từ ngày kết nối đến giờ, một số cơ sở sản xuất không thể xuất hóa đơn, không đáp ứng sản lượng cũng như các yêu cầu cần thiết để lên kệ siêu thị; trong khi đơn vị chúng tôi muốn đẩy nhanh vì có những mặt hàng phục vụ đúng mùa Tết, vì chậm trễ sẽ mất tính thời vụ.
 
“Khách vào cửa hàng khi chưa được dùng thì chỉ “ăn” bằng mắt, nên sản phẩm phải có mẫu mã bao bì thân thiện với môi trường, đẹp mắt, nhìn sang trọng (đối với sản phẩm quà tặng). Ngoài ra, việc đặt tên cũng cần lưu ý sao cho dễ nghe, dễ nhớ, ý nghĩa, thu hút người tiêu dùng”, bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông chia sẻ.

Giám đốc nhà máy Công ty CP Mekong Herbals (TP. Hồ Chí Minh) Trần Văn An cho rằng: Các sản phẩm OCOP của Quảng Bình có tiềm năng rất lớn và có rất nhiều cơ hội để nâng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4, 5 sao và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là vấn đề về sản lượng sản xuất, thiết kế bao bì, nhãn mác; đăng ký bảo hộ thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng và công bố thông tin trên bao bì cần phải cải tiến thì mới có cơ hội xâm nhập thị trường các thành phố lớn và đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Không riêng gì Quảng Bình mà hầu như các tỉnh, thành trong cả nước đều đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP. Thị trường cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn, nhất là với những mặt hàng cùng chủng loại. Bởi vậy, nếu không có sự tính toán, đầu tư, đổi mới... thì việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Hương Lê

tin liên quan

Huy động các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách

(QBĐT) - Chiều nay, 11/1, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức phiên họp lần thứ I, năm 2024 do đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì.

Hoàn thành công tác thay thế kiểm định định kỳ

(QBĐT) - Năm 2023, Công ty Điện lực Quảng Bình đã thực hiện thay thế kiểm định định kỳ, thay thế công tơ 3 pha điện tử nhiều biểu giá, công tơ điện tử đọc từ xa theo đúng quy định.

Đồng hành cùng nông dân

(QBĐT) - Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... là những hoạt động được Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Ninh thực hiện hiệu quả thời gian qua.