Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản - Bài 2: Đa dạng giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

  • 07:26 | Thứ Ba, 23/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước những khó khăn của ngành thủy sản (TS) khi phải đối mặt với sự suy giảm nguồn lợi thủy sản (NLTS) ở cả vùng biển và vùng thủy nội địa… Nhằm bảo vệ, tái tạo, phục hồi NLTS nhiều năm qua, công tác phát triển, bảo vệ NLTS luôn được tỉnh quan tâm.
 
 
Tái tạo nguồn lợi thủy sản
 
Để bảo vệ và tái tạo NLTS, thời qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, hoạt động thả cá giống tái tạo NLTS được quan tâm hàng đầu. Nếu như trước đây hoạt động thả giống tái tạo NLTS chủ yếu do cấp tỉnh thực hiện thì nay với sự tham mưu, chỉ đạo quyết liệt của Sở NN-PTNT, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều thả giống tái tạo NLTS vào ngày truyền thống ngành TS, ngày Môi trường thế giới hàng năm…
 
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ năm 2021 đến nay, sở và các địa phương đã tổ chức 25 đợt thả giống tái tạo NLTS với các loài: Tôm sú 3,98 triệu con; cá chẽm 10 nghìn con; các loài cá trắm, trôi, mè, chép... hơn 571,9 nghìn con với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, sở và các địa phương đã thả 133 vạn con tôm sú; 17,67 vạn cá giống nước ngọt các loại và 0,29 vạn cá chẽm với kinh phí 847 triệu đồng vào các thủy vực sông, hồ chứa trên địa bàn, góp phần khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học trên các thủy vực, bảo vệ NLTS.
Hàng năm, hoạt động thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn được Sở NN-PTNT quan tâm.
Hàng năm, hoạt động thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn được Sở NN-PTNT quan tâm.
Bên cạnh việc thả nguồn giống tái tạo NLTS, hiện Sở NN-PTNT đang xây dựng và triển khai thực hiện mô hình "Đồng quản lý (ĐQL) trong bảo vệ NLTS tại khu vực vùng biển ven bờ thuộc xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy”. Mô hình đang trong quá trình thực hiện, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của 2 tổ chức ĐQL góp phần quản lý, bảo vệ NLTS, chống khai thác IUU, bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
 
Hiện mô hình có 600 thành viên tham gia, quản lý diện tích 147,5 kikomet vuông. Theo quy định, tổ ĐQL được quản lý vùng biển cách bờ 6 hải lý và chiều dài dọc bờ biển trong địa phận của xã. Việc khai thác, sử dụng phương tiện, ngư lưới cụ khai thác trên vùng biển được tổ ĐQL đưa ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
 
Phó Chủ tịch UBND, Tổ trưởng Tổ ĐQL biển xã Ngư Thủy Nguyễn Hữu Dĩnh cho biết: Tham gia tổ ĐQL, ngư dân đều nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ NLTS ở địa phương. Hiện nay, khi đi biển ngư dân không chỉ khai thác mà luôn đưa việc bảo vệ nguồn lợi từ biển lên hàng đầu. Việc khai thác biển tận diệt bằng xung điện, chất nổ sẽ được hạn chế tối đa vì chúng tôi luôn có lực lượng giám sát trên vùng biển.
 
Ngoài ra, để tạo môi trường cho các loài TS, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và NLTS tỉnh Quảng Bình". Thông qua dự án, sở cũng đã cho thả trên 4.000 rạn nhân tạo ở vị trí cách bờ biển khoảng 3 hải lý trên vùng biển bãi ngang của 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc. Mỗi rạn nhân tạo được đúc bằng xi măng có kích thước 3mx3m và rỗng ở bên trong. Những rạn nhân tạo này sẽ là nơi trú ngụ, sinh sản của các loại tôm, cá, phục hồi các loài cá có giá trị ở vùng lộng.
 
Đặc biệt, hiện Chi cục TS đang tham mưu UBND tỉnh triển khai đề án điều tra, đánh giá NLTS tại vùng biển ven bờ và vùng lộng làm cơ sở để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác  (KT) TS, phù hợp với NLTS của vùng biển này; thành lập khu bảo vệ NLTS tại khu vực Hòn La-Vũng Chùa nhằm góp phần bảo vệ NLTS…
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát
 
Cùng với các hoạt động tái tạo NLTS, thời gian qua, hoạt động tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển NLTS được Sở NN-PTNT rất quan tâm. Hàng năm, sở đã ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra, lên phương án để tổ chức thực hiện; các đợt tuần tra, kiểm tra đã sử dụng linh hoạt nhiều hình thức khác nhau, góp phần hạn chế vi phạm trong KTTS.
 
Từ năm 2021 đến nay, Chi cục TS đã tổ chức 23 cuộc thanh tra trong lĩnh vực sản xuất giống TS, kinh doanh thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng TS, khai thác và bảo vệ NLTS, chống khai thác IUU; phát hiện, xử phạt 60 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực KTTS với số tiền 436,5 triệu đồng, trong đó có 14 trường hợp về tàng trữ, sử dụng xung điện KTTS, xử phạt 114 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy 14 bộ kích điện.
 
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền Luật TS và các văn bản hướng dẫn liên quan đã được Chi cục TS thực hiện với nhiều hình thức phù hợp. Từ năm 2021 đến nay, chi cục đã xây dựng và bảo dưỡng 14 pa nô tuyên truyền việc nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để KTTS tại các địa phương có nghề cá trọng điểm; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, cấp phát trên tờ rơi tuyên truyền…
 
Những việc làm cụ thể đã nâng cao nhận thức của người dân, từ đó có ý thức bảo vệ NLTS, lên án các hành vi vi phạm về KTTS, đặc biệt là hành vi sử dụng chất nổ, xung điện để KTTS; tình trạng vi phạm về KTTS đã giảm, đặc biệt tình trạng tàu giã cào đôi ngoại tỉnh khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ đã giảm hẳn; việc tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ giảm qua các năm.
 
NLTS dù đa dạng, phong phú nhưng không phải là vô tận. Cùng với nỗ lực từ phía các ngành chức năng thì ý thức của người dân chính là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và phát triển NLTS của tỉnh theo hướng bền vững.

Chi cục trưởng Chi cục TS Lê Ngọc Linh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, phát triển NLTS vẫn còn nhiều khó khăn, như: Chưa ngăn chặn triệt để các vi phạm, vẫn còn tình trạng người dân tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để KTTS trên vùng biển ven bờ và nội địa; các vi phạm về khai thác IUU; công tác bảo vệ và phát triển NLTS tuy đã thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, việc thả giống còn ít, mới chỉ mang tính tuyên truyền; phương tiện tàu kiểm ngư đã quá cũ nên hạn chế trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các tình huống vi phạm trên biển.

Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các địa phương về công tác phòng, chống khai thác IUU, các quy định của Luật TS 2017 và các văn bản liên quan; tham mưu cho Sở NN-PTNT thực hiện thả giống tái tạo NLTS; hướng dẫn các địa phương phát huy vai trò trong công tác quản lý khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và tái tạo NLTS vùng biển ven bờ và nội đồng; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm tra vi phạm ở các cửa sông, vùng biển ven bờ, vùng lộng nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm khai thác, bảo vệ NLTS, nhất là tàu giã cào khai thác sai tuyến và tình trạng sử dụng xung điện khai thác…
Thanh Hoa

tin liên quan

Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

(QBĐT) - Việc khai thác quá mức, bất hợp pháp dẫn đến sự suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên biển cũng như vùng nước nội đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác, chế biến thủy sản (TS) và đời sống ngư dân. 

Tập trung cung cấp điện an toàn và ổn định

(QBĐT) - Chiều 22/1, Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ và hội nghị đại biểu người lao động năm 2024. 

Sinh kế bền vững từ cây sả chanh

(QBĐT) - Nhiều năm trở lại đây, sả chanh trở thành cây thoát nghèo của nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Tận dụng diện tích đất đồi dốc, người dân đã trồng sả để sản xuất tinh dầu đem lại thu nhập cao, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.