Đắng đót lũ "trái mùa"

  • 17:02 | Thứ Bảy, 09/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hoa Thủy là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất tại huyện Lệ Thủy trong trận mưa lớn trái mùa vừa qua. Ngoài cây lúa, hàng trăm ha lúa cá của người dân “bỗng dưng” mất trắng chỉ sau vài ngày mưa. Nỗi âu lo về một vụ mùa khó khăn đang hiện hữu…
 
Trắng tay sau mưa trái mùa…
 
Đã sang ngày thứ 7, hầu hết những cánh đồng trên địa bàn xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) vẫn mênh mông nước bạc. Không cam lòng nhìn cảnh cây lúa, con tôm, con cá, công sức của một vụ mùa trôi theo dòng nước, người dân ở đây đang nỗ lực dùng sức người, phương tiện những mong “còn nước, còn tát”.
 
Anh Nguyễn Công Phát (thôn 2 Xuân Bắc), buồn bã cho biết, suốt gần 7 ngày qua, kể từ khi những cơn mưa bất thường liên tục đổ xuống, anh phải dành nhiều thời gian có mặt tại vùng phá Hạc Hải để bơm nước, đắp đê nhằm vớt vát những khoảnh ruộng lúa, diện tích lúa cá, ao tôm của gia đình đã bị ngập sâu trong nước, nhưng chỉ còn trong vô vọng.
 
Vụ đông-xuân năm nay, gia đình anh Phát làm 5ha lúa-cá, trong đó, có 1ha nuôi tôm càng xanh. Theo tính toán của anh, nếu không có mưa lớn trái vụ, sau khi thu hoạch, gia đình sẽ có lãi khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Nhưng, với tình hình lúa cá ngập nước nặng như hiện nay, năng suất lúa coi như bỏ. Buồn nhất, là gần 50.000 con cá chép, lóc, cá rô đầu vuông gần đến kỳ thu hoạch và 60.000 con tôm càng xanh bị nước lũ xóa sạch. Ước tính thiệt hại của gia đình anh cũng vài trăm triệu đồng.  
 
Dù nước đang lớn, gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn 2 Xuân Bắc) đã mấy ngày nay vẫn vận hành máy bơm liên tục để tháo nước từ ruộng lúa cá của gia đình mình ra nhằm vớt vát những gì còn sót lại. Anh Sỹ bảo, gần một đời lăn lộn trên đồng ruộng ở phá Hạc Hải nhưng ít thấy năm nào, mới tháng 3 âm lịch đã có mưa trái mùa lớn như thế.
 
“Nhà tôi làm 4ha lúa cá trên đầm phá Hạc Hải, do mưa lớn, lúa bị ngập sâu gần 1m đã ngâm nước mấy ngày nay, coi như bỏ đi rồi. Tiếc nhất là hơn 30.000 con cá lóc, cá chép, cá rô đầu vuông sắp cho thu hoạch đã trôi theo dòng nước bạc. Giờ ngồi ở nhà cũng chẳng giải quyết được gì, càng thêm sốt ruột, nên phải chạy thuyền ra phá Hạc Hải cố bơm nước, gia cố đê bao, xem còn sót lại con cá nào không…”, anh Sỹ chua chát.
 
Bí thư Đảng ủy xã Hoa Thủy Võ Minh Hải cho biết, đợt mưa trái mùa năm nay đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chính quyền và nhân dân xã Hoa Thủy đã huy động mọi nhân lực, phương tiện để cứu lúa, cứu cá, nhưng không được bao nhiêu, thiệt hại vẫn rất lớn.
Tích cực tiêu úng đồng lúa để mong vớt vát những gì còn lại sau trận mưa trái mùa.
Tích cực tiêu úng đồng lúa để mong vớt vát những gì còn lại sau trận mưa "trái mùa".

“Nếu thuận lợi cũng phải gần một tuần nữa nước mới cơ bản rút hết. Chứ bây giờ, những cánh đồng lúa mênh mông nước thế này, sức người, sức máy cũng bất lực. Bao nhiêu công sức, giống má, phân bón, con tôm, con cá của người dân đầu tư cho vụ sản xuất này coi như đổ sông, đổ biển…”, Bí thư Đảng ủy xã Hoa Thủy cho biết.

Có chính sách hỗ trợ người dân?
 
Theo thống kê của xã Hoa Thủy, đợt mưa trái mùa vừa qua, toàn xã có 726ha lúa bị ngập sâu, 450ha lúa cá của người dân mất trắng với hơn 13 tấn cá, tôm, ước tính tổng thiệt hại gần 24 tỷ đồng.
 
“Hiện nay, chính quyền địa phương đang cho rà soát lại toàn bộ diện tích lúa, lúa cá bị thiệt hại do thiên tai sau đó sẽ có đánh giá cụ thể từng mức độ để đề xuất các cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nặng; tích cực, động viên bà con nông dân tiêu úng với phương châm “còn nước, còn tát…”, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa cho biết.
 
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy, địa phương có diện tích lúa, lúa cá bị thiệt hại lớn, nguy cơ mất mùa là hiện hữu. Hiện, nhiều hộ dân trên địa bàn đều đang nợ vật tư nông nghiệp, dự kiến sau thu hoạch vụ mùa sẽ thanh toán, nhưng mưa trái mùa đã nhấn chìm tất cả, vì vậy, người dân càng khó chồng thêm khó. Trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế nên chưa thể hỗ trợ được…
 
Theo anh Nguyễn Công Phát (thôn 2 Xuân Bắc), nông dân được mấy vốn liếng và công sức đều đầu tư vào ruộng lúa, con cá, con tôm, giờ mưa lớn gây thiệt hại, gia đình anh rất buồn. “Vụ mùa này, gia đình tôi đã đầu tư gần cả trăm triệu đồng để gia cố đê kè, đầu tư mua con giống, phân bón nhằm nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, gia đình tôi coi như mất toàn bộ. Thời điểm này, gia đình rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về con giống, vật tư nông nghiệp để khôi phục sản xuất…”, anh Phát cho hay.
 
Trao đổi về tình hình thiệt hại do trận mưa trái mùa vừa qua trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương cho biết: Mưa lớn đã gây thiệt hại cho địa phương rất nặng nề, để ứng phó, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân dân và các loại phương tiện, vật tư, thiết bị, như: Máy múc, bao tải, ván phai… để gia cố cửa cống, bờ đê bao bảo đảm chống lũ, nhất là tại khu vực các xã Hoa Thủy, Hồng Thủy…
 
Đến nay, toàn huyện, có 2.276ha lúa bị ngập từ 70% cây lúa trở lên, trong đó, 1.920ha ngập hoàn toàn, trọng điểm ngập là các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy...Ngoài ra, còn có 917ha lúa-cá bị ngập và 87,1ha rau màu bị ngập hoàn toàn...
 
“Hiện, địa phương đang đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân mua giống, phân bón để gieo lại vụ hè-thu sớm nhằm bảo đảm an ninh lương thực; kinh phí để các xã, thị trấn bơm tiêu úng, công hộ đê của nhân dân, ca máy múc huy động hộ đê; kinh phí khắc phục hệ thống đê bao thượng nguồn Mỹ Trung, đê bao hói 186, đê bao Lùng Tréo, đê bao hói Cùng. Đặc biệt là hệ thống cống thuộc đê bao thượng nguồn Mỹ Trung để phòng chống lũ trong những đợt sắp tới...”, ông Nguyễn Văn Vương cho biết.

Ngọc Hải

tin liên quan

Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

(QBĐT) - Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay. Thời gian qua, cùng với các cấp, ngành trong tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả KTTT, HTX. Nhờ đó, nhiều tổ hợp tác (THT), HTX được thành lập mới, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và lao động tại địa phương.

Triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 7/4, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 540/KH-UBND về việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tôm nước lợ, tất bật vào vụ mới

(QBĐT) - Thời điểm này, người nuôi tôm nước lợ trong toàn tỉnh đang tất bật cải tạo ao nuôi, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuống giống vụ mới. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người dân, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã có những hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi, chất lượng con giống... Tất cả đã sẵn sàng cho một vụ nuôi mới với nhiều kỳ vọng.