Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản

  • 08:47 | Thứ Tư, 06/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng. Theo Quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tổng số mỏ VLXD (đá, đất, cát) sau khi điều chỉnh, bổ sung, hết hạn là 159 khu vực mỏ, tổng diện tích gần 1.836ha.
 
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), việc quy hoạch khoáng sản góp phần định hướng cho việc khai thác, sử dụng khoáng sản bảo đảm tiết kiệm, hợp lý; làm căn cứ cấp phép đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 103 mỏ VLXD được UBND tỉnh cấp giấy phép (GP) khai thác còn hiệu lực, cụ thể: 49 GP đá xây dựng, khai thác tại 34/58 điểm quy hoạch với diện tích 245ha/1.147,78ha, trữ lượng khai thác 73,38/852,87 triệu m3, công suất khai thác 3.360.402m3/năm; 48 GP cát xây dựng tại 36/54 điểm quy hoạch với diện tích 138ha, trữ lượng khai thác 6,97/13,66 triệu m3; có 6 GP khai thác đất san lấp tại 6/48 điểm quy hoạch, với diện tích 37ha/302,73ha, trữ lượng khái thác 2,1/16,05 triệu m3, công suất khai thác 263.000m3/năm.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 mỏ đã được cấp GP thăm dò, phê duyệt trữ lượng, đang làm thủ tục để cấp GP khai thác, trong đó có 11 mỏ đá xây dựng, tổng diện tích 28,99ha, trữ lượng 17,97 triệu m3; cát xây dựng có 7 mỏ với tổng diện tích 26,66ha, trữ lượng 1,18 triệu m3; có 12 mỏ đất, đá san lấp, tổng diện tích 79,98ha, trữ lượng 4,14 triệu m3. 
Tình trạng lợi dụng mỏ đất cải tạo tận thu để khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ được ngành TN-MT tăng cường kiểm tra, xử lý.
Tình trạng lợi dụng mỏ đất cải tạo tận thu để khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ được ngành TN-MT tăng cường kiểm tra, xử lý.
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
 
Công tác cấp GP hoạt động khoáng sản thực hiện theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, quy trình thẩm định hồ sơ cấp phép tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, việc khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được chấn chỉnh.
 
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đã chấp hành tốt các nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động khoáng sản, từng bước nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và ngày một đi vào nền nếp, bảo đảm kỷ cương pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương; công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
 
Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thời gian qua đã có đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Khoáng sản làm VLXD đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh đồng thời vẫn bảo đảm được nguồn dự trữ lâu dài. Các đơn vị được cấp phép khai thác đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư máy móc, thiết bị nhằm khai thác, chế biến khoáng sản ngày một hiệu quả; công tác bảo vệ môi trường đã được các đơn vị từng bước chú trọng, đã có những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục.
 
Đó là, tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông mặc dù đã được ngăn chặn nhưng vẫn còn xảy ra khá phức tạp ở một số địa phương. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn.
 
Đáng chú ý là, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng mỏ đất tận thu được cấp phép để khai thác tài nguyên khoáng sản. Thực tế cho thấy, hầu hết những mỏ đất cải tạo tận thu này chỉ cấp phép có thời gian 12 tháng; thủ tục cấp phép mỏ đất cải tạo tận thu đơn giản hơn nhiều so với cấp phép mỏ đất, các mỏ cải tạo tận thu đất không phải thực hiện quy trình đấu thầu như cấp mỏ đất mà chỉ cần làm một bản cam kết bảo vệ môi trường đơn giản là có thể bán đất, vận chuyển đi mọi nơi.
 
Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản, khí tượng thủy văn, Sở TN-MT cho biết, trước thực trạng trên, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 335/UBND-KT, ngày 11/3/2022 tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 174/QĐ-TTr, ngày 10/3/2022 về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm; giám sát công tác hoàn thổ sau khi dừng hoạt động, xem xét thu hồi GP đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
 
“Sở TN-MT cũng chú trọng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường”, ông Tuấn thông tin thêm.
 
Bên cạnh đó, Sở TN-MT chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hoàn thiện Bản đồ phương án bảo vệ thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; lập kế hoạch, phương án đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022.
 
Mặt khác, sở tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản; rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thực hiện và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, sở đang tập trung tổng hợp, cung cấp thông tin các mỏ vật liệu xây dựng để cung cấp cho các đơn vị thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình.
 
“Thời gian tới, việc sử dụng khoáng sản phải bảo đảm cân đối giữa dự trữ với khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trong từng giai đoạn. Thực hiện nhất quán nguyên tắc khai thác khoáng sản chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động khoáng sản, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; gắn khai thác với chế biến sâu và bảo vệ môi trường”, Phó Giám đốc Sở TN-MT Phạm Văn Lương cho biết.
Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản, khí tượng thủy văn, Sở TN-MT: Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm quy định của pháp luật về khoáng sản; giám sát chặt chẽ công tác hoàn thổ sau khai thác. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét đóng cửa mỏ, thu hồi GP hoạt động.
A.Tuấn

tin liên quan

Bố Trạch: Chú trọng chăm sóc và bảo vệ rừng

(QBĐT) - Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, do đó, huyện Bố Trạch đãthực hiện hiệu quả các giải pháp QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Bảo đảm cung ứng điện trong mùa nắng nóng

(QBĐT) - Ông Vũ Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) cho biết: "Để cho dòng điện được vận hành thông suốt, bảo đảm an toàn trong mùa nắng nóng, PC Quảng Bình đã tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn lưới điện, quản lý kỹ thuật, vận hành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau để sẵn sàng đối phó với những sự cố về điện trong mùa nắng nóng…".

Quỹ Hỗ trợ nông dân: Giải ngân gần 8,5 tỷ đồng thực hiện các dự án

(QBĐT) - Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân gần 8,5 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện 31 dự án cho 167 hộ vay từ nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung năm 2022 và nguồn vốn thu hồi từ các dự án đến hạn.