Làm thế nào để OCOP Quảng Bình tiếp cận sàn thương mại điện tử?

  • 14:41 | Thứ Sáu, 11/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử được xác định là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm quan trọng và hiệu quả hàng đầu. Đặc biệt, đối với các sản phẩm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các sàn thương mại điện tử không chỉ là giải pháp tiêu thụ hàng hóa đơn thuần, mà còn có vai trò quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng lớn tiềm năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hành trình đưa 96 sản phẩm OCOP Quảng Bình lên sàn vẫn còn đó những khó khăn, thách thức.
 
*Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:
“Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu, giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, HTX và nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất, thông tin đầy đủ, rộng rãi sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn.
 
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang tiến hành rà soát 31.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh để đưa thông tin lên sàn thương mại điện tử.
 
Trong đó, tập trung ưu tiên các sản phẩm OCOP gắn với HTX và các hộ nông dân có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gắn với các hạng sao, sản xuất quy mô lớn. Hội nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu cho hội viên Hội Nông dân tham gia sàn thương mại điện tử, đồng thời để phục vụ cho công tác xây dựng tổ chức hội.
 
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân nhằm thay đổi dần quy trình, phương pháp sản xuất theo xu hướng hiện đại mới, nhờ vậy, nông dân thấy cần thiết, lợi ích khi tham gia sàn thương mại điện tử.
 
Tất nhiên, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của nông dân vẫn còn cả một quá trình. Bởi, những hộ nông dân có sản phẩm đưa lên sàn phải có sản phẩm đủ nhiều, để cung cấp khi cần thiết. Thực tế cho thấy, có nhiều sản phẩm của nông dân khi đưa lên sàn, người mua cần lại không đáp ứng được; một số sản phẩm lại có tính chất thời vụ, do vậy, lựa chọn sản phẩm đưa lên sàn cũng cần phải phù hợp với nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng…”.
 
Ngọc Hải (thực hiện)
 
* Ông Nguyễn Quang Phúc, Giám đốc Bưu điện tỉnh:
"Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động đầu năm 2019 với nhiệm vụ kết nối các nhà sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, đưa các sản phẩm đặc sản, nông sản, sản phẩm OCOP của các vùng miền đến tay người tiêu dùng toàn quốc.
 
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm qua sàn không chỉ giúp bà con giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm mà còn mở ra một hướng đi mới, hiệu quả, bền vững.
 
Hiện Quảng Bình đã có 37 sản phẩm tham gia sàn TMĐT Postmart.vn, trong đó, Bố Trạch có 19 sản phẩm, Lệ Thủy 10 sản phẩm, Quảng Ninh 4 sản phẩm, Quảng Trạch 2 sản phẩm, Tuyên Hóa và Minh Hóa 1 sản phẩm. Để đưa các sản phẩm lên sàn dễ dàng hơn, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn.
 
Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng quy trình đóng gói-kết nối-giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối, mua bán qua sàn. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn người dân biết, hiểu và sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa qua sàn TMĐT Postmart.vn.
 
Về phía các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp muốn đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thì chỉ cần đăng ký, có giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo sản phẩm, hình ảnh rõ nét về sản phẩm, giá cả, kích thước, khối lượng…l à sẽ được mở gian hàng trên Postmart.vn.
 
Thời gian tới, Bưu điện tỉnh cam kết chung tay hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX, nông dân mở các gian hàng của mình trên sàn TMĐT Postmart.vn; phối hợp với Hội Nông dân các cấp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cụ thể việc lập tài khoản, đưa sản phẩm lên sàn và quản lý đơn hàng trên Postmart.vn; truyền thông, quảng bá sản phẩm và tổ chức tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc.
 
Để nông sản lên sàn TMĐT đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chung tay của các sở, ban, ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương. Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp cần đồng hành, phối hợp cùng với hệ thống Bưu điện để thực hiện cùng lúc cả 3 nhiệm vụ: Truyền thông về sàn Postmart.vn, kết nối đưa sản phẩm lên sàn và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm".
Thanh Hoa (thực hiện)
 
* Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch:
"Hiện nay, huyện Bố Trạch có 37 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 3 sản sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, còn lại là 3 sao cấp tỉnh. Với con số này, Bố Trạch được xem là địa phương có số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP nhiều nhất tỉnh.
 
Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 10 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP. Đối với các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện tiếp tục hướng dẫn nâng hạng sao lên cao hơn.
 
Bố Trạch là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, chính vì vậy, dự kiến, thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch và xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP ở thị trấn Phong Nha nhằm tập trung giới thiệu sản phẩm đến du khách thập phương.
 
Hiện đã có khoảng 80% sản phẩm OCOP của Bố Trạch được đưa lên các trang thương mại điện tử. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua gặp không ít khó khăn. Nhằm giúp các sản phẩm OCOP có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng, huyện đã khuyến khích người dân tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.
 
Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng kết nối, phối hợp với Viettel Quảng Bình và các cơ quan chức năng liên quan, mở lớp tập huấn để các chủ thể biết cách tiếp cận và đưa sản phẩm OCOP lên trang thương mại điện tử Voso.vn. Ngoài ra, huyện cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn về cách tiếp cận, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, qua đó, giúp các chủ thể OCOP chủ động được đầu ra cho sản phẩm".
 
Đoàn Nguyệt (thực hiện)
 
*Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Bình:
"Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Bình (gọi tắt là Viettel Post QB) đã có nhiều hoạt động giúp bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
 
Theo đó, Viettel Post QB đã đưa hơn 50 đơn vị là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất lên sàn TMĐT Voso với gần 100 sản phẩm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của nông dân Quảng Bình. Dự kiến đến hết năm 2022, Viettel Post QB sẽ đưa 3.000 hộ kinh doanh cá thể lên sàn TMĐT nhằm phát triển thêm mạng lưới TMĐT.
 
Các sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT chủ yếu, như: Khoai deo, miến dong, cá khô, tôm khô, mực khô, sâm Bố Chính, mật ong Tuyên Hóa… Trung bình mỗi tháng, tổng đơn hàng phát sinh có chi phí vận chuyển tại tỉnh qua Viettel Post QB là gần 200 đơn, doanh thu ước tính gần 100 triệu đồng/tháng.
 
Để giúp người sản xuất tiếp cận được sàn TMĐT Voso, Viettel Post QB còn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan lấy danh sách các hộ sản xuất trên địa bàn, ưu tiên các hộ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên để đưa lên sàn.
 
Đồng thời, đơn vị tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo tập trung, online cho các hộ về việc triển khai bán hàng trên sàn, trong đó, tập trung hướng dẫn các kỹ năng số và cách sử dụng thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT (cách thức đăng ký mở gian hàng, bán sản phẩm, quy trình chốt đơn và đóng gói hàng hóa, bàn giao vận chuyển, trực tiếp về nơi sản xuất...).
 
Viettel Post QB còn hướng dẫn người dân xây dựng các gói combo, tạo chương trình khuyến mãi, tham gia Flashsale để thu hút người mua trên sàn; triển khai tư vấn giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cách chụp ảnh, viết bài định giá bán sản phẩm để nâng cao uy tín trên sàn TMĐT. Đồng thời, đơn vị giới thiệu gian hàng đặc sản Quảng Bình đến các nhà hàng, khách sạn, nhà cung cấp. Hàng hóa được mua bán qua sàn TMĐT Voso sẽ được hệ thống Viettel Post vận chuyển nhanh chóng, an toàn và giữ được độ tươi ngon đến tay người tiêu dùng trên khắp cả nước...
 
Đề đăng ký mở gian hàng trên sàn TMĐT, bà con nông dân có thể truy cập vào website: voso.vn hoặc số điện thoại 0987094794 (Nguyễn Thị Lan Phương) để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.
 
Xuân Vương (thực hiện)
 

* Bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương:

"Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Trung tâm  đã chủ động liên hệ, tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn các DN, HTX về hồ sơ thủ tục tham gia sàn TMĐT; miễn phí đăng ký tham gia thành viên sàn TMĐT; hỗ trợ DN, HTX đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT.

Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, TMĐT; tăng cường hoạt động kết nối giao thương giữa các DN thông qua việc mời DN tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương trực tuyến và trực tiếp. Mặt khác, trung tâm sẽ phối hợp, kết nối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, hiệp hội ngành hàng và DN trong, ngoài tỉnh để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN.
 
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng dụng TMĐT cho DN, HTX, qua đó nâng cao lòng tin của người tiêu dùng về TMĐT cũng như quảng bá sàn giao dịch TMĐT tỉnh trên phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường sự liên kết giữa sàn giao dịch TMĐT tỉnh với sàn TMĐT các tỉnh, thành phố trong cả nước; liên kết đặt link/banner sàn giao dịch TMĐT tỉnh tại trang thông tin điện tử của sở công thương các tỉnh, thành phố.
 
Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ DN, HTX tham gia sàn TMĐT, xây dựng website bán hàng, xây dựng các “Gian hàng Việt trực tuyến” trên một số sàn TMĐT lớn, có uy tín, như: Sendo, Voso, Lazada, Shopee, Tiki…
 
Để làm được điều này, trung tâm sẽ tư vấn hỗ trợ DN, HTX thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ việc áp dụng giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR Code) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho DN. Đặc biệt, trung tâm sẽ tập trung quản lý, vận hành và phát triển sàn giao dịch TMĐT tỉnh trở thành một địa chỉ giao dịch tin cậy, có uy tín, góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT và kinh tế số của tỉnh".
Tùy Phong (thực hiện)

tin liên quan

Đón đoàn làm phim BBC: Đợi chờ những cú hích cho du lịch

(QBĐT) - Những ngày đầu năm 2022, du lịch Quảng Bình khởi động lại chiến dịch quảng bá với việc đón đoàn làm phim BBC Landmark Natural History Series thực hiện dự án quay phim tại hang Sơn Đoòng. Đây được coi là ý tưởng táo bạo, đón đầu xu thế trong bối cảnh du lịch tái khởi động sau 2 năm "đóng băng" do dịch Covid-19.

Sản lượng khai thác thuỷ sản 2 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tấn

(QBĐT) - Thông tin từ Chi cục Thuỷ sản cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển khai thác thuỷ sản.

Giải quyết dứt điểm vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án

(QBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới và Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới vào sáng nay, 10/3.