.

Phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị

.
08:44, Thứ Bảy, 21/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển nông-lâm-ngư nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp (NN) huyện Bố Trạch có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng năng suất, giá trị. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất NN trong giai đoạn mới, Bố Trạch xác định ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm tái cơ cấu sản xuất ngành NN theo hướng chuỗi giá trị.
 
Trưởng phòng NN-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, hơn 5 năm qua, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình phát triển, nhưng sau rà soát, ngành NN của huyện phải đối diện với nhiều thách thức, như: Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; dịch bệnh trên cây trồng, con nuôi ngày càng xuất hiện thường xuyên; năng suất và hiệu quả lao động thấp do sản xuất manh mún, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm NN chưa đạt; ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, công nghiệp chế biến chưa phát triển mạnh, chủ yếu là chế biến thô nên giá trị gia tăng thấp; thiếu gắn kết giữa người sản xuất với các cơ sở chế biến nên tiêu thụ sản phẩm bấp bênh; công nghệ sản xuất và công nghệ chế biến nhiều sản phẩm NN còn ở trình độ thấp...
HTX Cà Roòng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất măng khô Thượng Trạch đạt được sản phẩm OCOP.
HTX Cà Roòng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất măng khô Thượng Trạch đạt được sản phẩm OCOP.
Trước những khó khăn, thách thức đó, huyện Bố Trạch đang đặt ra nhu cầu cấp thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, bền vững nhằm vượt qua được những giới hạn của mô hình tăng trưởng theo số lượng; ứng dụng khoa học-công nghệ để tái cơ cấu sản xuất ngành NN theo hướng chuỗi giá trị và phát huy tối đa những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, khắc phục được thách thức về biến động kinh tế, môi trường trên phạm vi rộng.
 
Nếu như trước đây, sản phẩm măng khô của đồng bào dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch được xem như món bình dân và là giải pháp phơi khô để bảo quản tức thời, thì nay, măng khô trở thành “đặc sản”, xây dựng thành sản phẩm OCOP.
 
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Nguyễn Tấn Hưng cho biết: “Với nguồn măng rừng dồi dào, xã đã đồng hành hướng dẫn Hợp tác xã (HTX) Cà Roòng đầu tư 250 triệu đồng mua máy móc, thiết bị hiện đại, hoàn thiện các quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, đóng gói để sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Trong thời gian không xa, măng khô Thượng Trạch sẽ có thương hiệu, đạt được sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng khó khăn nhất của huyện”.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long trao đổi thêm: “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện đã lựa chọn 14 sản phẩm cây trồng, con nuôi chủ lực, có lợi thế, gồm: Lúa, lạc, ngô, sắn, tiêu, rau, cây ăn quả, cây keo, bò, lợn, gà, tôm, cá nước ngọt, hải sản biển và 4 sản phẩm cây trồng, con nuôi có tiềm năng, gồm: Nấm, hoa và cây cảnh, cây dược liệu, dê để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
 
Đồng thời, huyện đẩy mạnh các hình thức liên kết theo tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp NN gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm NN bền vững; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các chuỗi cây trồng, con nuôi...”.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, để ứng dụng CNC phát triển NN theo chuỗi giá trị bền vững, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng triển khai các đề tài khoa học, nhân rộng mô hình khuyến nông có hiệu quả vào sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhu cầu thị trường...
 
Đối với chăn nuôi, huyện sẽ ứng dụng công nghệ di truyền vào chọn lọc, cải tạo giống vật nuôi; phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường... Về thủy sản, Bố Trạch sẽ nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thuỷ sản đặc sản phù hợp với điều kiện của huyện. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, huyện sẽ ứng dụng CNC để sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp mới có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn bằng công nghệ mô, hom, phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng,…
 
Bố Trạch phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất có 18 sản phẩm cây trồng, con nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm 20-25% sản lượng nông-lâm-ngư-nghiệp; sản lượng lương thực đạt 40.500 tấn/năm; tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 70% tổng đàn; có 1.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; có 200ha diện tích cây trồng, 15 cơ sở chăn nuôi, 3 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP; có ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên...
                         
H. Tr
,