.

Cho rừng dẻ thêm xanh

.
10:15, Chủ Nhật, 15/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày ấy, chứng kiến rừng dẻ bị tàn phá nặng nề, những người dân lên làm kinh tế mới ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch) đã xông xáo tham gia bảo vệ rừng. Công việc khó khăn, nguy hiểm, nhiều khi bị đe dọa cả tính mạng, thế nhưng, với trách nhiệm, tình yêu với rừng, họ vẫn quyết tâm bảo vệ từng cây dẻ.
 
Những người hồi sinh rừng dẻ
 
Nép mình bên bìa rừng dẻ xanh bạt ngàn mênh mông là ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợp. Hơn 30 năm trước, ông cùng vợ và 11 người dân nữa đã lên thôn Vân Tiền lập nghiệp theo diện di dân. Cũng từ đó, câu chuyện giữ rừng dẻ của đội bảo vệ rừng ra đời.
 
Ông Hợp nhớ lại: "Những năm 1990 trở về trước, do cuộc sống vất vả, ai cũng vào rừng khai thác gỗ để bán. Rừng dẻ Quảng Lưu bị tàn phá chỉ còn lại những đồi trọc". Trước tình hình đó, chính quyền xã đã có chủ trương khoanh nuôi để bảo vệ rừng dẻ. Ông cùng 11 hộ dân được xã giao mỗi người giữ 12ha rừng và được cấp thêm 3ha đất sản xuất gần bìa rừng.
Dựa vào rừng dẻ, người dân nuôi ong phát triển kinh tế.
Dựa vào rừng dẻ, người dân nuôi ong phát triển kinh tế.
Với trách nhiệm và mong mỏi hồi sinh rừng dẻ, các hộ dân đã thay phiên nhau, hàng ngày cắt cử người đi tuần, bảo vệ. Dù có chủ trương khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nhưng theo tập tục và thói quen, người dân vẫn thường xuyên vào rừng khai thác gỗ, lấy củi, đốt than...
 
“Gặp những trường hợp như vậy chúng tôi đều ngăn cản và vận động bà con không được phá rừng. Cá biệt, vào khoảng năm 2000, một đoàn với khoảng 49 người dân ở xã Quảng Châu ngang nhiên vào chặt phá rừng dẻ và đốt 25 lò củi để lấy than. Chúng tôi phát hiện và can ngăn nhưng họ chống đối và còn dùng vũ lực. Thời điểm đó, chúng tôi phải về báo với chính quyền xã lên hỗ trợ”, ông Hợp nhớ lại.
 
Công việc bảo vệ rừng vất vả, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng, mức hỗ trợ lại ít ỏi, thế nhưng tình yêu, trách nhiệm với rừng dẻ chính là động lực để ông  gắn bó với suốt gần nửa đời người.
 
Rừng dẻ tái sinh tốt, ngoài công sức của tổ bảo vệ rừng, còn có sự tham gia của đội ngũ những người lên làm kinh tế mới lúc bấy giờ. Ông Phan Văn Nam, 1 trong 60 hộ dân theo diện lên phát triển kinh tế mới ở thôn Vân Tiền vẫn còn bám trụ lại đến ngày hôm nay.
 
Dẫn chúng tôi đi lên rừng dẻ gần nhà, ông Nam kể: “Cách đây 30 năm, tôi cùng người anh lên khai hoang đất vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Do nhà gần rừng nên tôi được chính quyền xã giao bảo vệ 12ha rừng dẻ. Hàng ngày, ngoài công việc phát triển trang trại, tôi thường xuyên đi tuần để bảo vệ rừng. Dù vất vả, hiểm nguy nhưng vì trách nhiệm được giao, tôi vẫn quyết tâm bám trụ để bảo vệ rừng suốt ba mươi năm nay”.
 
Năm 2008, toàn bộ diện tích rừng dẻ tái sinh được giao lại cho chính quyền xã quản lý và bảo vệ. Những người như ông Hợp, ông Nam và một số hộ dân khác dù không còn trách nhiệm với rừng dẻ như trước nhưng vẫn tự nguyện ngày ngày tham gia bảo vệ rừng dẻ mỗi khi có người lạ vào phá rừng hoặc mỗi khi lực lượng chức năng không có mặt.
Mô hình phát triển kinh tế của người dân bên cạnh rừng dẻ.
Mô hình phát triển kinh tế của người dân bên cạnh rừng dẻ.
Yêu rừng, rừng đáp đền...
 
Hơn 30 năm gắn bó với rừng dẻ, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Hợp, ông Nam cùng những người dân khác vẫn ngày ngày đi tuần, bảo vệ rừng. Đến hôm nay, không phụ công người, rừng dẻ đã ngày càng xanh tốt. Dưới tán rừng dẻ, bây giờ nhiều hộ cũng đã thoát nghèo và có kinh tế khá giả.
 
Lên lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, khi rừng dẻ còn trong thời kỳ tái sinh, đến nay, ông Phan Văn Nam đã có trang trại tổng hợp cho thu nhập ổn định.
Rừng dẻ ở xã Quảng Lưu được người dân hỗ trợ bảo vệ trong hơn 30 năm qua.
Rừng dẻ ở xã Quảng Lưu được người dân hỗ trợ bảo vệ trong hơn 30 năm qua.
Ông Nam tâm sự: “Tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay một phần cũng nhờ vào rừng dẻ. Trước đây, mỗi mùa dẻ chín, gia đình tôi rủ nhau vào rừng nhặt hạt dẻ về bán. Mỗi mùa, chúng tôi nhặt được chừng mấy chục tạ, bán được từ 30-40 triệu đồng. Nhờ cây dẻ, gia đình tôi thoát nghèo và dần dần gây dựng kinh tế. Tận dụng rừng dẻ, nhất là lúc rừng dẻ ra hoa, tôi nuôi 50 đàn ong lấy mật. Ngoài ra, vợ chồng tôi trồng thêm 200 gốc tiêu, nuôi 10 con bò rồi đào ao, thả cá. Bây giờ, kinh tế gia đình tôi cũng đã khấm khá hơn nhiều”.
 
Chứng kiến rừng dẻ hồi sinh từng ngày và đem lại nguồn thu nhập cho gia đình và nhiều người dân trong vùng, ông Nguyễn Văn Hợp vui mừng chia sẻ: “Lúc mới lên, chúng tôi chỉ biết dựa vào củ sắn, củ khoai nên thu nhập bấp bênh. Lúc ấy, rừng dẻ giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển kinh tế.  Đến nay, sau 30 năm kiên trì gắn bó với rừng dẻ, gia đình tôi có cơ ngơi là trang trại tổng hợp gồm rừng tràm 15ha, 200 gốc măng và đàn bò, gà... cho thu lãi khoảng 250 triệu đồng/năm”.
 
Ông Nguyễn Hoa Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết: "Hiện nay, xã có 1.000ha rừng, chủ yếu là rừng dẻ. Trước đây, rừng dẻ bị phá hoại nghiêm trọng nên năm 1990 xã có chủ trương khoanh nuôi, bảo vệ. Nhờ những hộ dân như ông Hợp, ông Nam... mà nay rừng dẻ đã hồi sinh. Rừng dẻ phát triển tốt đóng vai trò quan trọng đối với người dân trong xã và khu vực lân cận. Rừng giữ nguồn nước cho các hồ đập để bà con sản xuất lúa hè-thu và đông-xuân. Cũng nhờ có rừng dẻ, người dân có thêm thu nhập từ việc nhặt hạt dẻ để bán, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi...".
                                                                                                                         
 Đoàn Nguyệt
 
 
,
  • Quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội

    (QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Quảng Ninh từng bước đi vào nền nếp; quỹ đất được phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

    14/08/2021
    .
  • Hướng tới 90% các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được hỗ trợ tư vấn

    Liên quan tới vấn đề nâng cao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 mà Bộ Công Thương được giao vai trò là cơ quan đầu mối; trong đó, nhấn mạnh vào việc phát triển hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng.

    14/08/2021
    .
  • Xu hướng tuyển dụng toàn cầu sau đại dịch COVID-19

    [Infographics]  Xu hướng tuyển dụng của nhiều ngành nghề trên thế giới sẽ chịu tác động của những thay đổi trong phương pháp hoạt động, xu hướng phát triển của doanh nghiệp hay hành vi của người tiêu dùng sau đại dịch COVID-19.

    14/08/2021
    .
  • Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão 2021

    (QBĐT) - Theo dự báo của ngành chức năng, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bước vào mùa mưa bão năm 2021, huyện Minh Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, chủ động phòng tránh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…

    14/08/2021
    .
  • Khẩn trương hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (đợt 4)

    (QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31-7-2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương, ngày 12-8-2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 1530/UBND-KT về việc thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 4).

    14/08/2021
    .
  • Thị xã Ba Đồn: Xuất hiện lúa "hai tầng", người dân lo thiếu giống vụ sau

    (QBĐT) - Vụ hè thu năm nay, trên các cánh đồng của một số xã vùng Nam, thị xã (TX.) Ba Đồn xảy ra hiện tượng lúa "hai tầng" (còn gọi là lúa von, tức là trong một cây lúa có một số nhánh phát triển vượt lên, lá to, thân cao) ảnh hưởng đến năng suất của toàn vụ. Trong đó, cá biệt như xã Quảng Trung, tỷ lệ lúa von dao động từ 1-3%, có diện tích lên đến trên 15% gây tâm lý lo lắng cho người dân.

    13/08/2021
    .
  • Gần 117.000 tỷ đồng tiền nợ thuế: Có hay không sự buông lỏng kiểm tra, giám sát?

    Trong khi nguồn thu ngân sách đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 7-2021 lên tới 116.891 tỷ đồng, số nợ đọng thuế có nguy cơ mất trắng là 25.294 tỷ đồng.

    13/08/2021
    .
  • Ưu tiên tạo "luồng xanh" để đẩy nhanh lưu thông, tăng cung ứng thực phẩm

    Ưu tiên tạo "luồng xanh" để đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi; kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vẫn là những giải pháp đang được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện.

    13/08/2021
    .