.
Bố Trạch:

Tăng cường kết nối, tạo điểm nhấn du lịch

.
08:22, Thứ Ba, 07/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngành du lịch Bố Trạch đang có bước tiến đầy triển vọng, tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế toàn diện của địa phương. Đặc biệt, các dịch vụ du lịch đã tạo được việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn…

Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Bố Trạch đã tổ chức thành công các sự kiện mang tính thường niên, sẵn sàng cho mùa du lịch mới, như: lễ hội đập trống của người Ma Coong, hội chợ xuân…

Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống, hội thi cá trắm sông Son, liên hoan nghệ thuật truyền thống và ngày hội “Phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp” năm 2019, tạo được sức thu hút du khách khá mạnh mẽ.

 Lãnh đạo huyện Bố Trạch tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lễ hội bên sông Son.
Lãnh đạo huyện Bố Trạch tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lễ hội bên sông Son.

Năm nay, lễ hội đua thuyền truyền thống thu hút hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước đến tham gia cổ vũ nhờ ban tổ chức lễ hội đã mạnh dạn đặt màn hình chiếu để truyền hình trực tiếp diễn biến của các đội đua qua từng chặng đua.

Đồng thời, ban tổ chức làm tốt công tác chuẩn bị nên giải đua thuyền diễn ra khá thành công. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như tinh thần thi đấu đầy quyết tâm, các đội đua, bơi đã mang đến cho khán giả những màn so tài đầy ấn tượng, tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi của lễ hội.

Ông Nguyễn Kỳ Sơn, du khách đến từ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Ở khá gần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Quảng Bình, tham quan động Phong Nha nổi tiếng. Dịp này may mắn được hòa mình vào các lễ hội bên dòng sông Son, tôi như được sống lại với tuổi thơ và cảm xúc khó tả.

Những trò chơi tạo nên nhiều hứng khởi cho người xem, bản thân tôi dường như quên đi ưu tư mệt mỏi bởi những lo toan của cuộc sống đời thường. Tôi có ấn tượng tốt đẹp và thực sự thoải mái khi đến nơi đây".

Cùng với lễ hội đua thuyền là hội thi cá trắm sông Son. Với mục đích tôn vinh, khích lệ những người nông dân nuôi cá giỏi và giúp nông dân trên địa bàn xã Sơn Trạch quảng bá sản phẩm cá trắm sông Son cho du khách thập phương, từng bước xây dựng thương hiệu đặc sản cá trắm và mở rộng thị trường, hội thi đã tổ chức nhiều trò chơi, như: ném rìu vào lửa, chèo thuyền độc mộc để vớt rong thái chuối, thi bắt cá, thi cá to và chế biến nhiều món ngon từ cá trắm..., tạo được nét đặc trưng, riêng có của lễ hội.

Đến với Phong Nha-Kẻ Bàng dịp này, du khách còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa dân gian, như: hội thi kéo co, liên hoan nghệ thuật truyền thống với các làn điệu tuồng cổ.

Đồng thời, du khách còn được thưởng thức những đặc sản của quê hương di sản tại ngày hội phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp. Tại đây, nhiều sản vật của các hợp tác xã, tổ hợp tác và các làng nghề truyền thống do hội viên phụ nữ tại các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch sản xuất trên các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, được trưng bày và giới thiệu đến du khách thập phương, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, như: mực khô, cá khô, chả cá, chả mực, trà, nấm linh chi, dầu lạc...

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết: "Các hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các vùng quê sông nước, đồng thời, quảng bá hình ảnh của quê hương Bố Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan, khám phá tại Phong Nha-Kẻ Bàng. Đây cũng là điểm hẹn văn hóa cho người dân trong tỉnh cũng như những người con xa quê vào các dịp lễ lớn của quê hương, đất nước".

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hồng, để tiếp tục phát huy thế mạnh, tạo dấu ấn cho khách du lịch trong nước và quốc tế, huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tạo dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách.

Trong đó, huyện đầu tư nâng cao chất lượng du lịch ẩm thực, các tuyến tham quan trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của địa phương, như: du lịch văn hóa-di sản, du lịch di tích lịch sử...

Huyện cũng quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay, farmstay) gắn với sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn, qua đó, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là ở vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hiện nay, lượng khách du lịch đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng tăng đã tạo điều kiện cho người dân xã Sơn Trạch có việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động trên địa bàn xã.

Các điểm du lịch lịch sử trên đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn cũng là những tiềm năng để người dân xã Sơn Trạch có điều kiện phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, trải nghiệm và du lịch cộng đồng.

Ngày hội trên sông Son.
Ngày hội trên sông Son.

Cùng với đó, thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã Sơn Trạch, nhờ vậy, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho nhiều người dân. Đến nay, toàn xã Sơn Trạch có hơn 3.000 lao động tham gia trực tiếp vào dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao mức thu nhập cho gần 4.500 lao động trên địa bàn xã. Tổng thu nhập từ dịch vụ, du lịch của xã Sơn Trạch mỗi năm đạt từ 50 đến 70 tỷ đồng.

"Hiện nay, ngoài việc chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể, huyện Bố Trạch đang tạo sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các làng nghề và khuyến khích nhân dân trên địa bàn mở rộng sản xuất các sản phẩm đặc sản vùng miền vừa nhằm lưu giữ các giá trị truyền thống, vừa phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, huyện sẽ xây dựng chiến lược liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đặc biệt là các địa phương phụ cận; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch có năng lực đầu tư xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch với việc liên kết khai thác các giá trị tài nguyên trên địa bàn.

Tiến tới, huyện sẽ mở thêm các dịch vụ, như: tổ chức chợ đêm ở trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Nơi đây sẽ bày bán các sản vật được chọn lọc từ ngày hội phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp để phục vụ du khách có nhu cầu về ẩm thực cũng như mua sắm", Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Vũ chia sẻ thêm.

Hương Trà

,