.

Đẩy mạnh trồng ngô lấy thân phục vụ chăn nuôi

.
12:14, Thứ Bảy, 13/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Bên cạnh thành công của các chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, như: nuôi bò vỗ béo, gà nhốt chuồng, ong lấy mật..., mô hình trồng ngô lấy thân phục vụ chăn nuôi gia súc do Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Quảng Bình hỗ trợ triển khai tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để hỗ trợ người dân trong việc tạo sinh kế, nâng cao mức thu nhập, tận dụng hết diện tích đất hoang hoá, chuyển đổi những diện tích đất trồng màu năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân bởi khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại nguồn thu lớn, dự án SRDP tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ nguồn vốn trên 1,1 tỷ mua xe máy và thiết bị cho HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến tổng hợp nông, lâm sản 19-5 (HTX 19-5) xã Thanh Hóa phát triển vùng nguyên liệu ngô lấy thân.

Vụ đông-xuân năm nay, HTX 19-5 đã triển khai gieo trồng 40 ha ngô lấy thân, trong đó, HTX 10ha, liên kết với bà con trồng 30ha. Qua thu hoạch, năng suất đạt từ 40 đến 45 tấn/ha ,với giá bán 650 nghìn đồng/tấn tại ruộng, nông dân thu về từ 26 đến 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, cho lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/ha/vụ.

HTX 19-5 đến thu mua ngô lấy thân của bà con xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.
HTX 19-5 đến thu mua ngô lấy thân của bà con xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Như vậy, nếu trồng ngô lấy thân 3 vụ một năm, bà con Thanh Hóa có thu nhập gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Từ hiệu quả của việc trồng ngô lấy thân, đặc biệt, nhờ có sự liên kết của HTX 19-5 với Công ty TNHH thương mại Lê Dũng Linh, nông dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, do đó, bà con thực sự tin tưởng và phấn khởi.

Chị Đinh Thị Thõa, thành viên tham gia nuôi ngô lấy thân ở thôn 4, Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, cho hay: "Trước đây, bà con Thanh Hóa thường trồng ngô lấy hạt. Đối với những giống ngô trồng lấy hạt, từ khâu kỹ thuật cho đến cách chăm sóc mất rất nhiều công sức và thời gian. Đã thế, cây ngô lấy hạt lại đem đến giá trị kinh tế thấp hơn trồng cây ngô lấy thân.

Chính vì vậy, khi tham gia cùng HTX trồng cây ngô lấy thân, các xã viên chúng luôn yên tâm về chất lượng và đầu ra sản phẩm khi được bao tiêu 100%. Ngoài ra, do trồng ngô lấy thân thời gian trồng ngắn, ít tốn công chăm sóc, khả năng kháng bệnh cao nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, từ đó, mỗi năm chúng tôi có thể trồng từ 2 đến 3 vụ".

Hiệu quả của mô hình trồng ngô lấy thân không chỉ giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý về cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất và hiệu quả thu nhập cho nông dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, phù hợp điều kiện tự nhiên cũng như định hướng phát triển kinh tế của các xã miền núi.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc HTX 19-5, cho biết: "Cây ngô lấy thân được chúng tôi thu mua luôn có thị trường tiêu thụ ổn định. Khi Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo triển khai tại xã Thanh Hóa, mong muốn của chúng tôi là được tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, từ đó, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm giảm sức lao động và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân trong xã nói chung và xã viên HTX nói riêng".

Với thành công này, trong thời gian tới, nông dân xã Thanh Hóa sẽ tiếp tục chuyển đổi các diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô lấy thân phục vụ chăn nuôi, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của một xã miền núi.

Hiền Phương

,