.

Nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu: Những bước tiến dài…

.
15:39, Thứ Ba, 01/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nhân loại và đối với một tỉnh miền Trung đầy nắng, đầy gió như Quảng Bình, sự ảnh hưởng này đang từng ngày, từng giờ hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Bởi vậy, lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta luôn xác định cần thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ trong từng tiêu chí triển khai, mà phải ăn sâu trong từng nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của chính quyền các cấp và mỗi người dân. Có như vậy, biến đổi khí hậu mới không "gây khó" cho nông thôn mới và trở thành cơ hội để bảo đảm tính bền vững của chương trình trong tương lai.

Xã bãi ngang Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) bấy lâu nay được biết đến như một mảnh đất khô cằn, khó khăn chồng chất khó khăn với bao la bạt ngàn cát.

Vậy mà hai năm trở lại đây, ít ai có thể ngờ một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Chủ nhân của mô hình "biến cát thành vàng này" là anh Ngô Trí Quang, một kỹ sư nông nghiệp, người Nghệ An nhưng lại có duyên nợ với đất cát.

Các mô hình nông nghiệp hữu cơ phát huy hiệu quả tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Các mô hình nông nghiệp hữu cơ phát huy hiệu quả tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Gặp lại Quang sau những ngày đầu vất vả khởi nghiệp, chợt thấy anh như đã trở thành một người dân vùng cát thực thụ: rắn rỏi, can trường và ánh mắt tràn đầy tự tin. Quang tâm sự, với diện tích nhà màng lên tới 2.000m2, mô hình sẵn sàng ứng phó với bất cứ khắc nghiệt nào của biến đổi khí hậu. Nhiều công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được Quang mạnh dạn áp dụng, như: tưới nhỏ giọt Isarel, hệ thống Aquaponics, giá thể xơ dừa…

Đặc biệt, công nghệ Aquaponics cho phép Quang vừa có thể nuôi cá, vừa trồng trọt thủy canh thông qua hệ thống hiện đại xử lý chất thải hữu cơ. Thú vị hơn, trong nhà màng, Quang còn nuôi ong mật để thụ phấn cho cây khi đến kỳ sinh sản và sử dụng phân bón từ nguyên liệu xanh cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín.

Nhờ đó, dù đứng chân trên vùng đất nắng gió, thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước khó khăn, mô hình sản xuất nông nghiệp của Quang vẫn duy trì hiệu quả, giảm lượng chất thải, giảm lượng nước tưới…

Ông Ngô Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc chia sẻ, là một xã bãi ngang, nhiều khó khăn, dễ chịu tác động của thiên tai, việc chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những hướng đi của xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh mô hình của anh Ngô Trí Quang, xã khuyến khích nhiều mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và tích cực trồng cây xanh chắn cát kết hợp với "Ngày nông thôn mới, đô thị văn minh" do huyện Lệ Thủy phát động. Đến nay, xã đã hoàn thành 9 tiêu chí nông thôn mới và nỗ lực hoàn thành các tiêu chí khác theo đúng lộ trình.

Là một xã vùng trũng của huyện Lệ Thủy, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã An Thủy luôn gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu ngay từ những giai đoạn đầu. Theo đó, xã chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Võ Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thủy khẳng định, xã luôn tập trung chuyển đổi bộ giống theo hướng nâng cao chất lượng, giảm dần giống thoái hóa, kém chất lượng. Thời gian qua, một số giống có năng suất, chất lượng cao đã được lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu, như: TBR 225, Thái xuyên 111. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu, bà con đã lồng ghép trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, như: mô hình lúa-cá-vịt, để nâng cao giá trị thu nhập và hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Nhờ đó, xã đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn với cánh đồng lớn, tạo điều kiện trong chỉ đạo, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, đồng thời, liên kết với các đơn vị trong bao tiêu sản phẩm giảm bớt khó khăn đầu ra sản xuất.

Đặc biệt, HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng bước đầu xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”. Việc đầu tư thâm canh ngày càng được bà con chú trọng, thực hiện quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh nông nghiệp, các tiêu chí khác cũng được xã quan tâm lồng ghép với thích ứng biến đổi khí hậu. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, nhất là nhà văn hóa thôn, khi được xây mới luôn chú trọng địa điểm thuận lợi, sức chứa, độ bền vững... để sẵn sàng là nơi trú ẩn của bà con khi có thiên tai.

Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường cũng luôn được chính quyền xã và người dân quan tâm. Nhờ đó, mặc dù đã cán đích nông thôn mới từ năm 2015, nhưng xã An Thủy vẫn luôn nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Không chỉ các xã Ngư Thủy Bắc hay An Thủy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tích cực lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, xây dựng nông thôn mới bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng chính quyền các cấp.

Sản xuất nông nghiệp cao vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa là xu hướng của tương lai.
Sản xuất nông nghiệp cao vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa là xu hướng của tương lai.

Điều này đồng nghĩa với việc phải triển khai các giải pháp hướng đến hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi an toàn bền vững; chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống; thúc đẩy quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy sản xuất hữu cơ giảm thiểu tổn thất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu….

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu chính là thay đổi nhận thức để người dân chủ động, xem biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội. Đồng thời, nếu người dân chủ động nắm vững thông tin, chủ động phòng ngừa kịp thời sẽ từng bước giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thiết thực.

Thời gian tới, công tác quy hoạch nông thôn mới cần tính đến nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, tích cực lồng ghép các nội dung này vào các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ta cần xây dựng và nhân rộng các mô hình làng, xã thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; phát triển dịch vụ thời tiết, khí hậu cho nông nghiệp...

Mai Nhân
 

,