.

Thấy gì từ du lịch Hội An?

.
13:06, Thứ Bảy, 09/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tháng 5 vừa qua, tại TP. Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra hội nghị kết nối sản phẩm du lịch Quảng Bình và Hội An. Cuộc gặp gỡ không chỉ mở ra cánh cửa hợp tác, mà với ngành du lịch còn khá mới mẻ như Quảng Bình, đây còn là cơ hội học hỏi nhiều điều từ ngành du lịch dày dặn kinh nghiệm như Hội An.

Phát triển du lịch gắn bảo tồn di sản

Sẽ không quá lời khi ví du lịch Hội An như “gà đẻ trứng vàng” của du lịch Việt Nam khi nhiều năm liền, cái tên Hội An đã và đang đĩnh đạc trên bản đồ du lịch thế giới. Thành phố di sản này hiện đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, là địa chỉ không thể bỏ qua của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2017, du lịch Hội An đã đạt đến các con số kỷ lục với 3,22 triệu lượt khách, trong đó có 1,78 triệu lượt khách quốc tế.

Hát bài chòi được biểu diễn thường xuyên tại phố cổ.
Hát bài chòi được biểu diễn thường xuyên tại phố cổ.

Vậy nhưng hơn 20 năm trước, Hội An khi ấy đang là một đô thị nhỏ với gần 1.000 ngôi nhà cổ và gần 200 di tích đình, chùa, miếu đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Phải đến năm 1999, khi thị xã bên dòng sông Hoài được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, một lộ trình dài hơi cho phát triển du lịch bền vững của Hội An được đặt ra. Và sau chừng ấy thời gian, Hội An nay đã trở thành đô thị du lịch sôi động với sự phát triển vượt bậc của các loại hình dịch vụ du lịch.

Thành công mà ngành du lịch thành phố này có được là bởi biết gắn việc khai thác di sản để phục vụ du lịch với công tác bảo tồn di sản. Với Hội An, sự mất còn của di sản chính là sự mất được về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Hội An, không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau. Tại Hội An, cùng với việc sáng tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung vào các hoạt động làm điểm nhấn, như: đêm phố cổ, phố đi bộ, hay phố không có tiếng động cơ xe máy…

Từng chủ di tích gia đình đều có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về sửa chữa, tu bổ các ngôi nhà, di tích. Nhiều chủ nhà, chủ kinh doanh đã biết lựa chọn cách làm đẹp ngôi nhà, cơ sở kinh doanh của mình theo xu hướng kiến trúc, môi trường cảnh quan truyền thống, sinh thái - văn hóa.

Những năm trở lại đây, Hội An không chỉ trích phần lớn số tiền bán vé tham quan khu phố cổ cho việc trùng tu, bảo tồn và tôn tạo khu di sản mà còn triển khai rất nhiều sáng kiến khôi phục và duy trì các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, tạo nên một không gian riêng cho phố cổ.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Chính thức ra mắt vào tháng 4-2018, chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An được công diễn thường xuyên tại Công viên văn hóa Hội An. Ký ức Hội An gây tò mò bởi 2 kỷ lục Việt Nam được ghi nhận: “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam” và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất”.

Tái hiện lại những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hội An, chương trình tạo cảm giác mạnh cho người xem bởi hệ thống âm thanh, ánh sáng sống động cùng một sân khấu thực cảnh đầy lôi cuốn. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, tuy nhiên, Ký ức Hội An hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với phố Hội.

Đây chỉ là một trong rất nhiều nỗ lực của ngành du lịch Hội An nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào hệ thống di tích khu nhà cổ, du lịch Hội An sẽ rất dễ gây nhàm chán. Vậy nên, ngành du lịch nơi đây đã nỗ lực rất nhiều trong việc sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn để níu chân du khách.

Cùng với việc dạo trong khu phố cổ lấp lánh đèn lồng mỗi tối, du khách có thể hòa mình vào các trò chơi dân gian, cùng thưởng thức nghệ thuật hát Bài chòi. Hàng đêm, phố Hội vẫn rộn ràng những thanh âm bởi lượng khách đổ về khu phố cổ ngày một đông hơn.

Cũng chính điều đó đặt ra cho ngành du lịch Hội An mục tiêu kéo giãn du khách ra ngoài thành phố, giảm áp lực cho khu phố cổ và hạ tầng du lịch. Vậy là từ việc xây dựng các khu du lịch cộng đồng ở Cẩm Nam, Cẩm Kim, Hội An bắt đầu chú trọng đến việc thu hút du khách đến tham quan các làng nghề truyền thống, như: làng gốm Thanh Hà, làng nghề mộc Kim Bồng...

Đây vừa là nỗ lực làm phong phú hóa sản phẩm du lịch vừa tạo sinh kế cho người dân và bảo tồn các giá trị truyền thống. Lượng khách đổ về các địa điểm tham quan ở khu vực ngoại thành, như: rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, Cù Lao Chàm…, đủ thấy sức hút từ các sản phẩm du lịch này không hề nhỏ.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cùng với việc sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, Hội An đang đổi mới dần các sản phẩm du lịch sẵn có để tạo thêm sức hút níu chân du khách. Trước mắt, thành phố này đang xây dựng thêm sản phẩm cho vùng trọng điểm du lịch là Cù Lao Chàm, nâng tầm sản phẩm “Đêm Cù Lao”, đi bộ dưới nước, tour tham quan quanh đảo.

Đây cũng sẽ là nỗ lực để làm tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn nếp sống của ngư dân làng chài. Mỗi năm, tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức thêm nhiều chương trình văn hóa, Festival có quy mô để thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch địa phương.

Chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với phố Hội.
Chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với phố Hội.

Áp lực di sản

Mọi sự phát triển đều đồng nghĩa với sự tồn tại của mặt trái và sự đánh đổi. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách du lịch đến với Hội An cũng tạo ra một áp lực rất lớn đối với di sản này. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch Quảng Nam thừa nhận, bên cạnh các yếu tố về môi trường, thiên tai, lũ lụt, thì sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách du lịch và tình trạng người dân bán nhà cổ để kinh doanh đang là thách thức lớn đối với đô thị cổ Hội An.

Nhiều năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến với Hội An ồ ạt, nhất là vào buổi tối, khiến cho khu phố cổ trở nên quá tải và ngột ngạt. Điều đó có vẻ không phù hợp với một loại hình du lịch cần sự trải nghiệm và khám phá thảnh thơi như khu phố cổ bên dòng sông Hoài này. Bên ngoài phố đi bộ là tình trạng chen lấn, lộn xộn của các loại phương tiện giao thông do chưa có quy hoạch, chỉnh trang phù hợp, đường sá lại nhỏ hẹp.

Một điều đáng ngại nữa của du lịch Hội An là nỗi lo đô thị hóa và quy hoạch của các khu lưu trú du lịch. Theo ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội homestay Quảng Nam, hiện Hội An có gần 300 homestay, villa du lịch. Với việc quy hoạch các khu lưu trú villa, homestay lại với nhau như ở biển An Bàng sẽ không thể tạo ra sự phát triển bền vững.

“Mỗi loại hình lưu trú có một đặc thù riêng trong kiến trúc, nhất là villa và homestay, nếu đặt 2 loại hình này cạnh nhau thì sẽ phá vỡ không gian và giá trị, vì villa được phép xây dựng cao tầng, homestay thì không. Bởi vậy, với Quảng Bình, cũng nên quy hoạch rõ ràng cho từng cụm cơ sở lưu trú để bảo đảm tính ổn định trong phát triển”, ông Thuận cho biết thêm.

Thực tế, không thể có một giải pháp hay một cách làm du lịch nào có thể áp dụng chung đối với tất cả các di sản. Tuy nhiên, suy cho cùng, điều quan trọng nhất để cho một di sản có thể phát huy được giá trị của nó trong phát triển du lịch chính là cách ứng xử của con người đối với di sản như thế nào.

Diệu Hương

 

 

,