.

10/736 trang trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

.
10:43, Thứ Bảy, 12/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, thiệt hại của thiên tai và biến động của giá cả thị trường, các trang trại ở tỉnh ta có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các trang trại trồng trọt và tăng các loại trang trại tổng hợp, chăn nuôi…

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 736 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, tăng 22 trang trại so với năm 2016; trong đó có 459 trang trại tổng hợp, 204 trang trại chăn nuôi, 44 trang trại thủy sản, 17 trang trại lâm nghiệp và 12 trang trại trồng trọt; tập trung nhiều ở địa bàn các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Có 302/736 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, đạt tỷ lệ 41%, cao hơn 10,5% so với bình quân chung toàn quốc (toàn quốc 30,5%).

Các trang trại đã khai thác và sử dụng có hiệu quả gần 3.800ha đất nông, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, bình quân 5,2 ha/trang trại; có trên 81,2% diện tích đất đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng gần 38% so với năm 2016. Trang trại cũng đã thu hút hơn 3.000 lao động tham gia với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

------------------------------    Nguyễn Ngọc Lan    Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư QB      HÌNH ẢNH ĐÍNH KÈM       Tải
Mô hình trang trại tổng hợp của anh Lưu Đức Ngọc (thị trấn Nông trường Việt Trung) ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Kinh tế trang trại đã tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại đạt gần 810 tỷ đồng, chiếm 6% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; bình quân gần 1,1 tỷ đồng/trang trại; trong đó có nhiều trang trại có tổng thu đạt từ 5 tỷ đồng trở lên.

Tổng giá trị sản phẩm hàng hoá và dịch vụ bán ra của trang trại là gần 763 tỷ đồng, bình quân trên 1 tỷ đồng/trang trại. Tổng thu bình quân trên 1 ha đất của trang trại đạt 213 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với sản xuất của hộ dân.

Theo đánh giá, kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và giá trị; đa dạng về ngành nghề sản xuất, dần khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá có hiệu quả. Nhìn chung, số lượng, chất lượng, quy mô vốn, lao động, giá trị hàng hoá, dịch vụ và thu nhập của trang trại đều tăng hàng năm, góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, khai thác tiềm năng thế mạnh vùng gò đồi, cát ven biển, giải quyết việc làm và tăng sản lượng hàng hoá.

Cùng với đó, các trang trại đã bước đầu xây dựng, phát triển chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, tiêu thụ sản phẩm, từng bước giúp người nông dân giảm rủi ro trong sản xuất và phần nào giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có nhiều mô hình hiệu quả cao để nhân rộng. Toàn tỉnh hiện chỉ có 10/736 trang trại (chiếm 1,4%) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.

Ngọc Lan

                                                                                                        


 

,