icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Phân tích chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên rau, củ quả

  • 08:20 | Thứ Tư, 12/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch, thực phẩm sạch… với giá bán cao hơn hẳn so với thị trường chung. Nhưng trên thực tế, tiêu chí để xác định thế nào là rau, củ, quả sạch vẫn còn là dấu hỏi đối với người tiêu dùng.
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các chuỗi phân phối sản phẩm thực phẩm sạch khá đa dạng và phong phú. Trong đó, phần lớn các sản phẩm rau nhập từ ngoại tỉnh (TP. Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh...) chiếm khoảng 70%, còn lại (30%) do các trang trại nội tỉnh tự sản xuất nhưng nguồn cung không đều.
 
Những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế) và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) đã thực hiện phân tích chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên sản phẩm rau, củ, quả để đánh giá chất lượng sản phẩm qua các đợt thanh tra, kiểm tra hàng năm.
 
Song các sản phẩm này đều được lấy từ các chợ và chủ yếu xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thông qua bộ testkit, do đó, không xác định được chính xác hàm lượng có vượt quy định hay nằm trong giới hạn cho phép.
  Nhiều cửa hàng thực phẩm sạch nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
Nhiều cửa hàng thực phẩm sạch nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có nhiệm vụ nào thực hiện đánh giá đồng thời các chỉ tiêu nitrat, E.Coli, kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm rau, củ, quả tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.
 
Trước thực trạng đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã giao Trung tâm Kỹ thuật-Đo lường-Thử nghiệm Quảng Bình thực hiện nhiệm vụ KH-CN “Khảo sát, phân tích chất lượng ATVSTP trên sản phẩm rau, củ, quả tại các cơ sở sản xuất kinh doanh rau sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”. Nhiệm vụ nhằm phân tích và đánh giá các thành phần nguy hại trong sản phẩm rau tại các cơ sở sản xuất kinh doanh rau sạch trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý.
 
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy 9 loại sản phẩm gồm: xà lách, giá đỗ, cải mầm, khoai tây, cà rốt, dưa chuột, mướp đắng, cà chua, rau cải, bắp cải với 62 mẫu tại 15 cơ sở và tiến hành phân tích các chỉ tiêu E.Coli, nitrat, kim loại nặng, hóa chất BVTV, chất điều hòa sinh trưởng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành phân tích thêm ngoài đề cương chỉ tiêu E.coli cho 5 sản phẩm giá đỗ, cải mầm vì xác định đây cũng là sản phẩm rau được sử dụng nhiều để ăn sống.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng nitrat tồn dư trong rau là khá phổ biến (tỷ lệ mẫu phát hiện trên 80%), trong đó tỷ lệ mẫu vượt giới hạn cho phép (GHCP) là 12,5%. Theo ông Giang Tấn Thông, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, hàm lượng nitrat cao chủ yếu do việc sử dụng phân đạm không phù hợp.
 
Các trang trại sản xuất theo quy mô công nghiệp thường lạm dụng quá nhiều vào phân bón, để tăng năng suất cho rau, người ta thường sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng nitơ cao, liều dùng lớn hơn hướng dẫn trên bao bì. Đồng thời, do yêu cầu thu hoạch sớm phải rút ngắn thời gian cách ly trước thu hoạch nên tồn dư nitrat trong rau còn cao và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
 
Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện tỷ lệ mẫu nhiễm E.Coli trên 93%, trong đó tỷ lệ mẫu vượt GHCP là 26,67%. Đối với 5 mẫu giá đỗ được tiến hành thêm chỉ tiêu E.coli có 3 mẫu vượt GHCP (cao trên 3,5 lần GHCP). Ô nhiễm vi sinh trong rau có thể xuất phát từ một số nguyên nhân, như: sử dụng nguồn nước trồng rau không bảo đảm (nước giếng chưa qua xử lý vi sinh, nước đồng ruộng, nước nhiễm từ các trại chăn nuôi...), dùng nước bẩn để sơ chế rau, quá trình bảo quản không bảo đảm vệ sinh...
 
Đối với hàm lượng các hóa chất bảo vệ thực vật, chỉ có 1 mẫu rau cải phát hiện đồng thời 2 hoạt chất Carbenzazim và Metalaxyl. Trong đó, hoạt chất Carbenzazim đã bị cấm sử dụng từ ngày 3-1-2019. Điều đáng mừng là không phát hiện thấy kim loại nặng cũng như các chất điều hòa sinh trưởng trong các mẫu phân tích.
 
Qua kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị đối với người tiêu dùng, trước khi lựa chọn sản phẩm, cần kiểm tra nguồn gốc, tem nhãn trên sản phẩm, ưu tiên dùng các sản phẩm được chứng nhận VietGAP của các cơ sở sản xuất có uy tín. Quá trình sử dụng chú ý việc sơ chế bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là đối với các loại rau ăn sống. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rau an toàn cho người tiêu dùng để người dân nắm rõ cách phân biệt các loại rau an toàn và quy trình sơ chế rau quả trước khi sử dụng.
 
 T. Hoa