icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Quảng Trạch:

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

  • 14:02 | Thứ Tư, 08/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất trong nông nghiệp là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm an toàn hiện nay. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Quảng Trạch đã khuyến khích người dân ứng dụng CNC để phát triển sản xuất.
 
Những năm gần đây, huyện Quảng Trạch đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với chế biến. Đến nay, toàn huyện đã có 22 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất. Dù thời gian thực hiện chưa nhiều, nhưng những thành công bước đầu đã mở ra tín hiệu vui, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, đầy triển vọng. Nhiều mô hình CNC được đưa vào áp dụng như: mô hình nhà lưới, nhà màng để trồng rau sạch, an toàn; công nghệ nuôi tôm trên bạt lót; ứng dụng CNC nuôi chồn hương thương phẩm, cá chình thương phẩm…
 
Điển hình có mô hình trồng rau, củ quả trong nhà lưới của gia đình chị Võ Thị Anh, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng. Với số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu đồng, gia đình chị đã mạnh dạn làm nhà màng để trồng dưa lưới, rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi khởi nghiệp đến nay, chị đã trồng được ba vụ dưa lưới, dưa chuột và mướp đắng các loại với khoảng 10 tấn rau, củ bán ra thị trường, thu về khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel để trồng các loại hoa, cây ăn quả…vừa tiết kiệm nước lại giảm bớt công lao động.
 Đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, mùa hè vẫn trồng được các loại rau, củ, quả trên vùng đất cát.
Đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, mùa hè vẫn trồng được các loại rau, củ, quả trên vùng đất cát.
Theo chị Võ Thị Anh, số tiền ban đầu bỏ ra để xây dựng nhà lưới tương đối lớn so với kinh tế của người nông dân, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, mô hình này đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với cách trồng truyền thống. Trước hết là rau màu sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Bên cạnh đó, trồng trong nhà lưới giảm nguy cơ bị các loại sâu bệnh gây hại hơn so với cách trồng truyền thống, từ đó sẽ giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc, rau củ lại an toàn hơn.
 
Ngoài ra, số vụ rau sản xuất trong nhà lưới có thể tăng gấp 3 so với sản xuất ngoài trời, bởi thời tiết nắng nóng như ở Quảng Bình vào mùa hè thì không thể trồng được cây rau màu trên đất cát. Có nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, mùa hè vẫn trồng được các loại rau, củ, quả…và cây ăn quả vẫn phát triển tốt trên vùng cát trắng.
 
Không chỉ ứng dụng CNC để trồng rau màu, cây ăn quả, nhiều hộ dân ở Quảng Trạch còn ứng dụng CNC trong chăn nuôi lợn, gà, chồn hương, cá chình... Đặc biệt, nơi đây có mô hình nuôi tôm trên bạt lót của anh Nguyễn Minh Hải, thôn Trường Xuân, Phù Hóa. Đây là mô hình nuôi tôm CNC đầu tiên của huyện Quảng Trạch, mở hướng đi mới, có tiềm năng lớn bởi giúp người nuôi khắc phục được 2 nhược điểm đó là xử lý được nguồn nước trước khi đưa vào ao và xử lý được đáy hồ sau khi thu hoạch.
 
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đẩy mạnh, nhân rộng những mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Quảng Trạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tư tưởng của người dân vẫn còn nặng về cách sản xuất nông nghiệp truyền thống, chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
 
Bên cạnh đó, năng lực tài chính, kinh nghiệm ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân còn hạn chế, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư công nghệ và thiết bị sơ chế, bảo quản nông sản. Ngoài ra, mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ như việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm ổn định cả về số lượng và chất lượng, giá bán đắt nhưng thu mua rẻ nên việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn...
 
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, thời gian qua huyện Quảng Trạch đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền về những lợi ích của việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân biết để thực hiện. Ban hành văn bản yêu cầu các địa phương hàng năm phải đăng ký các mô hình mới, mô hình chuyển đổi sản xuất, ứng dụng CNC để thực hiện….
 
Đặc biệt, cùng với tỉnh, huyện cũng trích ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi, ứng dụng CNC vào sản xuất (hỗ trợ 30 đến 300 triệu đồng tùy theo quy mô của mô hình), đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho người dân…
 
Mặc dù đang còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kịp thời của các nhà khoa học và doanh nghiệp, hy vọng trong thời gian tới, Quảng Trạch sẽ trở thành huyện sản xuất nông nghiệp CNC và người nông dân sẽ trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường.
 
Thanh Hoa