CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI 2022-2023
Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục
(QBĐT) - Tiếng trống trường đã điểm, một năm học mới lại về trong niềm vui với những thành quả đã đạt được từ năm học 2021-2022, một năm đầy khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sự nỗ lực vươn lên khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã và đang là động lực mới để mỗi cán bộ (CB), giáo viên (GV), học sinh (HS) toàn ngành tiếp tục thi đua nhằm thực hiện tốt chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2022-2023.
Nhìn lại năm học 2021-2022 để thấy sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi CB, GV, HS trong toàn ngành. Ngay từ đầu năm học, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. HS toàn tỉnh không có ngày khai trường rộn rã, vui tươi như những năm học trước. Nhiều cơ sở trường học trở thành điểm cách ly y tế tập trung. HS phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến thời gian khá dài trong khi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở một số trường còn hạn chế, tình trạng HS thiếu thiết bị học online còn khá phổ biến.
Để duy trì việc dạy và học, các trường học đã linh hoạt triển khai nhiều hình thức dạy học, như: Trực tuyến, kết hợp trực tuyến với trực tiếp, ưu tiên dạy học trực tiếp đối với các lớp đầu cấp, cuối cấp, tranh thủ thời gian “vàng” để dạy học trực tiếp. Thời gian, áp lực công việc tăng, nhưng đội ngũ CB, GV vẫn đồng sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhờ vậy, mà khép lại năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Chất lượng dạy và học ngày một được nâng lên, mạng lưới trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của HS.
Đối với giáo dục mầm non (MN), toàn ngành đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện tốt chủ đề năm học ‘‘Xây dựng trường MN xanh-an toàn-thân thiện”. Các đơn vị đã tích cực tham mưu lãnh đạo địa phương, huy động các nguồn lực đầu tư tăng trưởng cơ sở vật chất phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Đặc biệt, ngành GD-ĐT đã tổ chức tốt hội thi GV dạy giỏi MN các cấp và triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” và triển khai thực hiện giai đoạn 2 đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ MN, HS tiểu học (TH) vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ đạt kết quả tốt.
Đối với giáo dục TH, đã triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, 2 và tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 3, 4, 5. Các trường học đã tổ chức dạy học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức, giải pháp giáo dục hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng. Công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tiếp tục được các trường thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho HS khuyết tật tham gia vào các hoạt động chung của lớp. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.031 HS khuyết tật, trong đó, số HS học tại các trung tâm chuyên biệt là 259 em, tại các trường hòa nhập là 772 em.
Đối với giáo dục trung học, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương, linh hoạt với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhờ vậy, kết quả giáo dục đại trà về học lực bảo đảm và có chuyển biến tích cực: Tỷ lệ HS xếp loại giỏi cấp THCS đạt 24,06% (tăng 0,74% so với năm học 2020-2021); cấp THPT đạt 20,55% (tăng 1,78%). Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 96,99%. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT xếp thứ 38 so với toàn quốc, tăng 11 bậc so với năm trước.
Trong năm học, các đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện được 1.010 chuyên đề “Tiết dạy sáng tạo” (THPT: 300 tiết, THCS: 710 tiết); 790 chuyên đề giáo dục kỹ năng sống (THPT: 74 chuyên đề, THCS: 716 chuyên đề)… Các trường học còn chú trọng đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, tăng cường hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để lan tỏa cách dạy hay, sáng tạo trong đội ngũ toàn ngành, hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch bài dạy các môn học.
Công tác giáo dục thường xuyên (GDTX) được quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Bên cạnh việc thực hiện chương trình GDTX cấp THPT, Trung tâm GDTX tỉnh và Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố đã linh hoạt trong tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 151 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố; 15/34 cơ quan, đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập” cấp tỉnh; 68 cơ quan, ban, ngành được công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện.
Về giáo dục dân tộc, toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 12 trường phổ thông dân tộc bán trú. Các trường đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực HS trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với HS dân tộc thiểu số; đồng thời tổ chức tốt các hoạt động giáo dục đặc thù cho HS.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho HS. Các trường đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 387 câu lạc bộ thể dục, thể thao.
Chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học cũng có bước phát triển đáng mừng. Các phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục MN phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, thời lượng 2 tiết/tuần. Bậc giáo dục TH đã triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 theo Chương trình GDPT 2018 và tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm tiếng Anh bậc TH cho HS lớp 3, lớp 4, lớp 5.
Đối với THCS, ngoài khối lớp 6 thực hiện Chương trình GDPT 2018, có trên 98% trường THCS, TH-THCS, THCS-THPT thực hiện Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm thí điểm của Bộ GD-ĐT đối với cấp THCS. 100% trường THPT, THCS-THPT thực hiện Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (thí điểm đối với khối lớp 10, 11) tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 trong năm học tới và những năm tiếp theo.
Các trường còn triển khai tốt việc dạy học môn Tin học. Kỹ năng ứng dụng CNTT của HS ngày một tăng lên. Đặc biệt, ngành đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT bảo đảm an toàn, đúng quy chế; chất lượng đại trà, mũi nhọn được củng cố và nâng cao...
Thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án liên quan thuộc lĩnh vực GD-ĐT nhằm tăng trưởng cơ sở vật chất trường học. Công tác đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học cho giáo dục luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các nhà trường quan tâm. Nhờ vậy, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học văn hóa đạt 85,46%, phòng học bộ môn đạt 93,11%, phòng phục vụ học tập đạt 88,18%.
Công tác cải cách hành chính ngày càng được quan tâm và nâng cao chất lượng. Kết quả cải cách hành chính của Sở GD-ĐT xếp thứ 11 trong toàn tỉnh, tăng 9 bậc so với năm 2020.
Thành quả đó tạo một tâm thế mới để ngành vững tin bước vào năm học 2022-2023 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Đồng lòng vượt qua khó khăn, năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Bước vào năm học 2022-2023, toàn ngành tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt chủ đề năm học là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”. Theo đó, ngành sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HS và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số… |
Đặng Ngọc Tuấn,
Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.