Dạy học trong bối cảnh dịch bệnh: Cần sự nỗ lực, chung tay

  • 16:12 | Thứ Ba, 21/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong triển khai hoạt động dạy học. Hiện tại, toàn ngành đang thực hiện việc dạy học trực tuyến (TT) và học qua truyền hình, xem đây là giải pháp tình thế để duy trì việc học cho HS.  
 
Gia đình, nhà trường cùng nỗ lực
 
Chị Lê Thị Ánh Nguyệt ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) cho hay, chị có 2 con đang theo học lớp 1 và lớp 4. Hàng ngày, cả hai vợ chồng đều đi làm nên không thể giám sát việc học của con qua truyền hình (lớp 1). Thế nên buổi tối, cả 2 vợ chồng đều cố gắng thu xếp thời gian hỗ trợ con học tập.
 
Các bậc phụ huynh cũng thường xuyên tương tác với GV chủ nhiệm thông qua nhóm zalo. Chị Nguyệt cho rằng học TT và học qua truyền hình là cần thiết vì không biết lúc nào mới kiểm soát chặt chẽ được dịch bệnh. Tuy nhiên, với HS bậc TH nhất là lớp 1, chắc chắn chất lượng sẽ không cao. Vì vậy, cùng với sự tích cực, chủ động của GV, cần có sự nỗ lực rất lớn từ phụ huynh mới có thể đôn đốc, giám sát, hỗ trợ các em trong học tập.  
HS TH còn nhiều bở ngỡ khi bước đầu làm quen với công nghệ
HS TH còn nhiều bỡ ngỡ khi bước đầu làm quen với công nghệ
Cô giáo Đặng Thị Đào, Trường tiểu học Đức Ninh (TP. Đồng Hới) tâm sự rằng không thể trực tiếp giúp HS thể hiện đúng những nét chữ đầu tiên nên chị thường xuyên trao đổi thông tin với phụ huynh qua nhóm zalo và phát động các hình thức thi đua nhằm thu hút HS tham gia, như: thi giới thiệu về bản thân, thi viết, đọc đúng chữ cái tiếng Việt…
 
Theo đó, phụ huynh có thể quay, chụp ảnh hoạt động học tập của con em và gửi cho GV. Mỗi hoạt động, GV đều có đánh giá, khích lệ biểu dương, tạo cho HS sự hứng thú trong học tập, sinh hoạt. GV chủ nhiệm còn đặt các câu hỏi liên quan đến từng bài học trên kênh truyền hình VTV7 để kiểm tra mức độ tiếp thu bài học của HS. 
 
“Chúng tôi rất biết ơn phụ huynh đã tích cực hợp tác, hỗ trợ trong việc dạy học. Nếu không có sự vào cuộc tích cực của phụ huynh, cả cô và trò khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trước mắt, chúng tôi chỉ muốn HS làm quen với việc học. Khi có cơ hội được dạy học trực tiếp, chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian để bổ trợ kiến thức cho các em, bảo đảm nội dung, chương trình dạy học”- chị Đào chia sẻ.
 
Hướng tới công bằng trong giáo dục
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc dạy và học TT trên địa bàn TP. Đồng Hới và các vùng trung tâm huyện, thị xã cơ bản thuận lợi. Các trường học đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng bài giảng sáng tạo, linh hoạt, tạo sự tương tác, thu hút HS học tập. 
 
Cô giáo Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 Nam Lý cho biết: Qua 2 ngày triển khai dạy học trực tuyến, có khoảng 99% HS tham gia học tập. Nhà trường cũng đã cử cán bộ tham gia dự giờ các tiết học bằng cách sử dụng phần mềm tiện ích. Nhìn chung, GV và HS tương tác tốt, các giờ học rất sôi nổi, chất lượng.
 
Cô giáo Phạm Thị Thúy Hằng, Trường THCS Quảng Thuận cho hay: Mặc dù không được đến trường nhưng cô và trò vẫn được tương tác với nhau qua từng bài học. Tỷ kệ HS tham gia học tập khá cao, khoảng 98%.  
Một buổi học của cô và trò Trường THCS Quảng Thuận
Một buổi học của cô và trò Trường THCS Quảng Thuận.
Trước khi dạy học, các trường học đều rà soát, lên danh sách số HS đủ, không đủ điều kiện học để có kế hoạch dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho HS. Các trường học còn căn cứ vào tình hình cụ thể để bố trí thời gian, lịch học phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS trong học tập. Đối với HS THCS, THPT các trường bố trí học vào ban ngày; HS lớp 3, 4, 5 học vào buổi tối để tranh thủ sự giúp đỡ của phụ huynh trong việc sử dụng thiết bị học tập.
 
Tuy nhiên, hình thức học TT lại là rào cản đối với những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; các gia đình không có điều kiện mua sắm thiết bị hoặc phụ huynh không biết ứng dụng công nghệ… 
 
Ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 30% HS TH, 20% HS THCS không đủ điều kiện học TT, phần lớn tập trung ở những địa bàn như: Tân Trạch, Thượng Trạch, bản Rào Con (Sơn Trạch)… Đối với những HS này, các trường học đều lập danh sách cụ thể để cung cấp, bồi dưỡng kiến thức cho HS khi có chủ trương dạy học trực tiếp.
 
Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học tiến hành khảo sát chất lượng học tập đối với HS. Theo đó, sẽ bố trí dạy phụ đạo cho những HS không tiếp thu hết nội dung qua học TT để các em có thể theo kịp chương trình học.  
Sự tương tác giữa cô và trò góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng.
Sự tương tác giữa cô và trò góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng.
Minh Hóa là địa phương có tỷ lệ HS khó khăn, không thể tham gia học TT cao nhất toàn tỉnh (50% số học sinh tiểu học và THCS) tập trung ở các xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, Hóa Phúc… Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa cho hay, đối với HS thuộc các địa bàn trên và HS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có phương tiện học TT, GV phụ trách các bộ môn soạn bài giảng theo hướng tinh gọn, dễ hiểu, in thành tập tư liệu cùng với bài tập ôn luyện và phát tại nhà (bảo đảm khoảng cách 2m khi tiếp xúc) cho HS.
 
Hình thức học tập này nhằm tạo điều kiện cho HS vẫn duy trì được việc học, góp phần ổn định tâm lý cho HS khi không thể tham gia học TT. Các trường học cũng xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động thời gian để dạy bù, dạy lại, bồi dưỡng kiến thức cho HS khi có điều kiện dạy học tập trung, ưu tiên nâng cao chất lượng cho HS lớp 5, lớp 6 và lớp 9.
 
Để triển khi nhiệm vụ năm học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT đã chủ động xây dựng các phương án dạy học cụ thể, phù hợp tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả nội dung chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ thiết bị phục vụ học tập, tạo điều kiện cho HS có hoàn cảnh khó khăn được tham gia học TT. 
 
Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đội ngũ cán bộ, GV, đồng thời triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho GV, HS khi tổ chức dạy học tập trung.
 
Năm học 2021-2022 thực sự là năm học đầy cam go, thử thách đối với ngành GD-ĐT. Để bảo đảm công bằng trong giáo dục, ngành GD-ĐT cần lắm sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn của mỗi phụ huynh, HS và sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương… nhằm tạo sự chung tay, góp sức vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, duy trì hoạt động dạy học chất lượng, hiệu quả.
 
Nh. V

tin liên quan

Các trường đại học lớn sẵn sàng xét tuyển thí sinh có điểm cao nhưng trượt đại học

Chiều 20-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về trường hợp thí sinh đạt 27 điểm, hoặc hơn nhưng không trúng tuyển một nguyện vọng nào. Đây là mức điểm thực của 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên.

Tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới hiệu quả, chất lượng

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Công điện số 1190/CĐ-TTg ngày 20-9-2021 về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.
 

130 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên vẫn trượt đại học nguyện vọng 1

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước có 130 em đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, trong đó có 61 em không đỗ nguyện vọng nào và 69 em đỗ ở các nguyện vọng sau.