Năm học 2021-2022: Vượt khó để thành công

  • 08:21 | Thứ Hai, 20/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt hoạt động dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
 
Tập trung củng cố hệ thống trường lớp
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Ngành đã tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV), nhân viên; xem xét, điều động, thuyên chuyển và cân đối đội ngũ chuẩn theo phương án tạo điều kiện cho CBGV được bố trí công tác ở đơn vị gần nhà; đồng thời xây dựng kế hoạch biên chế năm 2022. Đến nay, toàn ngành đã có 26 GV THPT được điều chuyển về dạy học gần nhà, tạo điều kiện cho GV yên tâm công tác.
 
Ngay trong dịp hè, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất (CSVC) nhằm bảo đảm phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học văn hóa đạt 84,95%, phòng học bộ môn đạt 92,77%, phòng phục vụ học tập đạt 86,7%. Hệ thống nhà vệ sinh, công trình nước sạch dần được cải tạo, thiết bị dạy học tối thiểu cơ bản bảo đảm.
Nhiều trường học đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ tốt nhiệm vụ dạy học
Nhiều trường học đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ tốt nhiệm vụ dạy học
Các trường tiểu học (TH) đều đủ phòng học để tổ chức cho 100% HS lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Ngành cũng quan tâm đến việc bảo đảm 100% HS có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập. Riêng sách giáo khoa (SGK) lớp 1, 2, 6 đã cung cấp khoảng 95% (do thực hiện giãn cách xã hội), 5% còn lại sẽ cung ứng đầy đủ trước ngày HS đi học.
 
Thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, hiện tại, toàn ngành đã tiến hành lựa chọn SGK và tập huấn sử dụng SGK, hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Đội ngũ GV cũng được tập huấn kiến thức để triển khai tốt các nội dung của chương trình.
 
Chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19
 
Công tác chuẩn bị dạy học trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được ngành quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho GV sử dụng các nền tảng, phần mềm dạy học trực tuyến để sẵn sàng triển khai trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Đội ngũ GV đã tập trung thiết kế bài học, củng cố các kỹ năng dạy học trực tuyến để có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học. Ở những địa bàn khó khăn, chưa thể triển khai hoạt động dạy học trực tuyến, GV tiến hành lập danh sách HS, chuẩn bị các phương án để dạy học cho phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện của địa phương và HS.
 
Ngành cũng đã tiến hành khảo sát, rà soát điều kiện về CSVC, trang thiết bị (phần mềm, máy tính, điện thoại thông minh, tivi…) trong đội ngũ GV và HS để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình nếu việc đến trường chưa thể thực hiện được do dịch bệnh. Hiện tại, có 99,8% GV phổ thông, giáo dục thường xuyên đủ điều kiện để dạy học trực tuyến; 69,8% HS phổ thông, giáo dục thường xuyên có đủ điều kiện học trực tuyến; 50,6% HS phổ thông, thường xuyên có tivi kết nối kỹ thuật số, cáp quang có thể xem truyền hình quốc gia VTV7.
 
Bước vào năm học mới, ngành GD-ĐT vẫn đang đứng trước những khó khăn nhất định. CSVC ở một số đơn vị (nhất là các trường vùng dân tộc thiểu số, các trung tâm giáo dục-dạy nghề) vẫn còn nhiều bất cập như: Thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, thiết bị dạy học, một số công trình vệ sinh bị hư hỏng, xuống cấp...
 
Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, ngành cũng gặp không ít rào cản, đặc biệt là ở các địa bàn thuộc vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tại các địa bàn này, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để mua sắm thiết bị học trực tuyến, hạ tầng CSVC, công nghệ thông tin còn hạn chế. Theo điều tra, khảo sát, tỷ lệ HS phổ thông, thường xuyên chưa đủ điều kiện học trực tuyến là 30,2%; tỷ lệ học sinh phổ thông, thường xuyên chưa thể xem truyền hình quốc gia VTV7 là 49,4%.
 
Mặt khác, một số gia đình có 2-3 con đang độ tuổi đi học nhưng không đủ máy tính, điện thoại thông minh nên ảnh hưởng đến việc học của con em. Một trong những khó khăn lớn nữa là do tình hình dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nên chưa có tâm thế để hỗ trợ con em học tập trực tuyến, chưa yên tâm với hiệu quả của hình thức học tập này. Ngành chưa tạo được sự đồng thuận trong thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
 
Để chia sẻ với những khó khăn của HS, Sở GD-ĐT đã trình HĐND tỉnh bổ sung nghị quyết về việc không thu học phí, hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 đối với trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, HS do ảnh hưởng của dịch bệnh.
 
Ngành GD-ĐT mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, các ngành nhằm có sự hỗ trợ thiết thực đối với HS vùng khó khăn, tạo điều kiện để các em có thể tiếp cận với hình thức học trực tuyến nhằm duy trì việc học, bảo đảm an toàn cho GV, HS trước dịch bệnh Covid-19.
 
Tại lễ phát động lễ phát động trực tuyến toàn quốc chương trình “Sóng và máy tính cho em”, phục vụ cho việc dạy học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em HS có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Theo Thủ tướng Chính phủ: “Dạy và học trực tuyến là phương thức học tập mới, mang tính tình thế, đòi hỏi các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy, cô giáo phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để HS tiếp thu tốt nhất”.
                               
Nh. V

tin liên quan

Con chữ như nước suối vẫn chảy

(QBĐT) - Trong nhiều năm qua, giáo dục xã biên giới Lâm Thủy (Lệ Thủy) luôn vươn lên dẫn đầu khối giáo dục vùng đặc biệt khó khăn toàn tỉnh. Chất lượng đại trà, mũi nhọn học sinh giỏi và việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, đầu tư bài bản, khoa học. Mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành 2 năm nay, nhưng nhà trường vẫn tiến hành hoạt động dạy học chất lượng.