Trẩy hội làng Đông Dương
(QBĐT) - Người dân làng Đông Dương (nay là thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, Quảng Trạch) luôn tự hào khi đến nay họ vẫn lưu giữ được nhiều “báu vật”: Ngôi đình làng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; làn điệu ca trù cổ và rừng trâm bầu ngút ngàn xanh. Điều đáng quý là các “báu vật” này đều có quan hệ mật thiết với nhau, được người dân đồng sức, đồng lòng bảo vệ và thể hiện rõ nét nhất trong ngày hội làng được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng.
Nghe hát ca trù dưới mái đình làng
Người dân làng Đông Dương có câu rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày lễ hội tháng giêng, ngày rằm/Dù ai buôn bán trăm bề/Đến ngày lễ hội nhớ về cùng vui”. Hàng năm, cứ đến dịp rằm tháng giêng, người dân làng Đông Dương lại rộn ràng trong ngày hội làng, còn gọi là lễ hội cầu yên. Trong những ngày này, trẻ em xúng xính với bộ quần áo mới, người lớn y phục chỉnh tề, hồ hởi tề tựu trước đình làng để tổ chức lễ hội.
Theo các bậc cao niên ở làng Đông Dương, lễ hội cầu yên đã có từ xa xưa và là lễ hội lớn nhất được tổ chức thường niên, được người dân mong đợi nhất. Lễ hội gồm phần lễ với các nghi thức tôn nghiêm và phần hội với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, nên đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Trưởng thôn Đông Dương Phạm Thanh Hải cho biết, lễ hội cầu yên được tổ chức để cầu cho làng xã an yên, một năm mới tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân làm ăn phát đạt, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Đây cũng là dịp để người dân trong làng cùng tưởng nhớ những người có công với quê hương, đất nước; tri ân các vị khai canh, thần hoàng làng với mong muốn bảo trợ cho làng, các dòng họ và cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng, xóm.
Lễ hội được tổ chức từ chiều 14 đến hết ngày 15 tháng giêng. Đặc biệt, trong đêm 14 tháng giêng, đại diện các dòng họ, người dân đều tập trung ở đình làng Đông Dương để tổ chức dâng hương cúng tổ và nghe hát ca trù.
Trong không gian linh thiêng của đình làng, những làn điệu ca trù độc đáo do các nghệ nhân, ca nương, kép đàn của làng biểu diễn trầm bổng, sâu lắng, đủ sức níu chân du khách thập phương. Cũng từ sân đình, những làn điệu ca trù của làng Đông Dương đã được bảo tồn và phát triển, trở thành niềm tự hào to lớn của người dân nơi đây. Hiện, Câu lạc bộ ca trù của làng Đông Dương có hơn 20 thành viên, đủ cả 3 thế hệ tham gia, không chỉ biểu diễn trong các ngày hội của làng mà còn tham gia biểu diễn nhiều nơi trong huyện, tỉnh.
Náo nức xem hội vật
Như một quy luật, đi kèm với phần lễ là phần hội, trong tiếng trống rộn ràng giục xuân mới, trong lúc các bậc cao niên tổ chức lễ dâng hương bố cáo với trời đất, thì tại những khu đất rộng, bằng phẳng diễn ra các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, trong đó nổi bật là các trò chơi dân gian độc đáo như đánh đu, kéo co, cờ tướng, cờ thẻ. Nhưng có lẽ điều thú vị của phần hội ở lễ hội cầu yên đầu xuân làng Đông Dương là hội vật truyền thống. Bởi lẽ, ở hội vật, không chỉ có những trai tráng trong làng mà còn thu hút đông đảo thanh niên các làng, xã lân cận và du khách thập phương đến tham gia thử sức.
Sau 3 hồi trống vật nổi lên, mọi người già, trẻ, gái, trai đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh đấu trường để cổ vũ cho các đô vật. Với mỗi trận đấu, mọi người bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng, từng keo vật và tác phong của mỗi đô vật.
Anh Trần Thanh Chương, một người con của làng Đông Dương đang làm ăn ở xa nhưng chưa năm nào anh bỏ lễ hội cầu yên, đặc biệt là hội vật truyền thống. Anh Chương chia sẻ, ngoài vui chơi, giải trí, hội vật còn là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết của người dân nhằm rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất. Chính vì vậy, năm nào cũng vậy, dù có bận việc gì thì đến dịp rằm tháng giêng, anh cũng cố gắng sắp xếp để về quê tham gia lễ hội cầu yên, xem các đô vật so tài…
Tảo mộ vô danh dưới rặng trâm bầu
Theo trưởng thôn Phạm Thanh Hải, có một điều đặc biệt ở lễ hội cầu yên của làng Đông Dương đó là tục tảo mộ vô danh đã có từ lâu đời, đến nay chưa năm nào bỏ.
Thôn Đông Dương có rừng trâm bầu rộng 34ha mà người làng coi như “báu vật”, được gìn giữ cẩn thận qua bao đời nay. Rừng trâm bầu như bức bình phong che chắn cho làng mỗi khi gặp giông bão, cung cấp nguồn nước tươi mát, tạo nguồn không khí trong lành cho làng.
Không những thế, dưới rặng trâm bầu là cả một nghĩa trang rộng lớn. Đây không chỉ nơi an nghỉ vĩnh hằng của các thế hệ người làng Đông Dương khi họ về với ông bà, tổ tiên mà dưới rặng trâm bầu còn có gần 400 ngôi mộ vô danh của những người viễn xứ đã nằm lại đất này.
Trưởng thôn Phạm Thanh Hải cho biết, vào sáng ngày 14 tháng giêng hàng năm, trước khi bước vào lễ hội cầu yên, thanh niên trai tráng trong làng đều tập hợp lại ở nhà văn hóa thôn để được phân công đi tảo mộ cho những người vô danh. Vì rừng trâm bầu rộng lớn, những ngôi mộ vô danh lại nằm rải rác trong rừng nên cần rất nhiều nhân lực để làm việc.
Vậy nhưng, theo trưởng thôn Phạm Thanh Hải, năm nào cũng vậy, lực lượng tham gia tảo mộ vô danh của làng Đông Dương cũng rất đông, hùng hậu. Họ chia thành 3 tổ, phụ trách 3 khu vực để bảo đảm không bỏ sót ngôi mộ vô danh nào không được làm cỏ, đắp nấm và hương khói chu toàn.
Cứ vậy, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, ngày tảo mộ vô danh trở thành một tập tục đẹp, được cư dân làng Đông Dương tiếp nối, gìn giữ và phát huy. Ngày 14 tháng giêng hàng năm trở thành ngày lễ Thanh minh, thể hiện đạo lý nhân văn, niềm thành kính của người làng Đông Dương trước những người đã khuất…
Trải nghiệm du lịch ở làng Đông Dương
Khách du lịch có thể về làng Đông Dương nghe ca trù bất cứ thời điểm nào trong năm, Câu lạc bộ ca trù của làng sẵn sàng phục vụ du khách khi có yêu cầu. Tuy nhiên để tận hưởng không khí sôi động, náo nhiệt và tìm hiểu nét văn hóa của người dân Đông Dương, bạn nên đến vào dịp rằm tháng giêng, lúc diễn ra lễ hội cầu yên vào đầu xuân mới.
Và có lẽ, muốn nghe ca trù thì không gian phù hợp nhất là được nghe các nghệ nhân, ca nương, kép đàn biểu diễn tại sân đình làng Đông Dương. Đây là ngôi đình cổ có diện tích 4.000 mét vuông và được xây dựng vào năm 1875 theo kiến trúc đình làng Việt Nam cổ xưa, đến nay đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Đến Đông Dương, ngoài nghe ca trù, du khách còn được tìm hiểu về những ngôi giếng cổ do người Chăm để lại và tản bộ dưới tán rừng trâm bầu xanh ngút ngàn, nghe kể những câu chuyện lịch sử hào hùng của các thế hệ dân làng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương.
|
Phan Phương