Vai trò của Thiếu tướng Hoàng Sâm trong lịch sử Việt Nam cận-hiện đại

  • 11:54 | Thứ Năm, 28/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chỉ 53 tuổi đời song đã có 41 năm tham gia hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã có những đóng góp quan trọng trong lịch sử dân tộc cả trên lĩnh vực chính trị và lĩnh vực quân sự. Bài viết tập trung làm rõ thêm phẩm chất, tài năng và những đóng góp của Hoàng Sâm trong lịch sử Việt Nam cận-hiện đại.

Vị tướng tận tuỵ hết lòng vì cách mạng

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hoàng Sâm luôn tận tụy hết lòng vì nhiệm vụ, mãi lo việc chung mà không chú ý tới việc lập gia đình. Nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thúc giục, mai mối, nên đến năm 32 tuổi ông kết hôn với bà Mỹ Lệ. Đầu năm 1947, khi nhận được lệnh thành lập Bộ Chỉ huy Mặt trận miền Tây, đang ở Hòa Bình, bất chấp đêm tối, mưa rét ông lập tức hành quân lên Mường Hịch-nơi đặt trụ sở Bộ Chỉ huy Mặt trận. Từ Hòa Bình lên Mường Hịch, ông lệnh cho xe chạy suốt đêm, trên đường hành quân, Hoàng Sâm không ngủ mà cùng Lê Hiến Mai bàn công việc ngay trên xe: “.... điểm lại tình hình, nhận định âm mưu mới của địch và biện pháp đối phó của ta ở Mặt trận Tây Tiến... Các anh lo lắng và trao đổi nhiều về những biện pháp để thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy về việc phải chuyển hẳn tư tưởng tác chiến của bộ đội Tây Bắc. Khuyết điểm nghiêm trọng nhất của một số đơn vị ở Tây Bắc lúc đó là rải lực lượng lập phòng tuyến trên các trục đường giao thông đương đầu với “mũi dùi” chủ lực địch, nên đã bị quân địch tập trung lực lượng vừa đánh vỗ mặt, vừa vu hồi đánh ở sau lưng, lần lượt phá vỡ từng phòng tuyến của quân ta. Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh bỏ cách đánh dàn quân giữ đất mà chuyển hẳn sang đánh du kích vận động chiến... Ngay trong đêm hành quân mưa rét này, các đồng chí Hoàng Sâm và Lê Hiến Mai không hề chợp mắt lo tính đủ điều và vạch kế hoạch cụ thể: Củng cố lại chủ lực, chuyển các đơn vị sang làm tốt các nhiệm vụ là vừa tác chiến, vừa bám sát dân, hòa vào dân, vừa luyện tập, vừa tổ chức dân quân du kích, vừa phân nhỏ đơn vị luồn vào vùng địch phát động du kích chiến tranh thật mạnh mẽ, rộng khắp. Có làm được như vậy, ta mới có điều kiện chủ động đánh địch và thắng địch...”[1].

Đồng chí Hoàng Sâm cùng đồng chí Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947.
Đồng chí Hoàng Sâm cùng đồng chí Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947.

Vừa lên tới Mường Hịch mặc dù cả đêm không ngủ, Hoàng Sâm không nghỉ, làm việc ngay. Sau đó ông lập tức triệu tập hội nghị quân chính toàn mặt trận để triển khai ngay các biện pháp vừa mới vạch ra trên đường hành quân.

Hoàng Sâm là vị tướng “chí công vô tư”, ông luôn luôn đặt nhiệm vụ cách mạng lên trên hết. Vì nhiệm vụ, ông sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân và gia đình. Mặc dù rất cưng chiều con nhưng với công việc, Hoàng Sâm luôn rạch ròi giữa công và tư. Người con trai cả-Hoàng Sùng kể lại: “Ông chiều con đến nỗi mấy chị em muốn ăn một cái kẹo, mua một cái áo mới cũng đều xin bố chứ không xin mẹ. Bố tôi rất nghiêm. Chị tôi đi sơ tán học ở tận Hưng Yên, những lần bố tôi có chuyến đi công tác xuống đó, mẹ tôi xin cho chị đi nhờ, ông không bao giờ đồng ý. Ông bảo xe của công, không thể dùng vào việc riêng”[2].

Mặt trận Trị-Thiên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là tuyến đầu-nơi đối diện trực tiếp với miền Bắc, lại là nơi trung chuyển của những tuyến đường Trường Sơn chiến lược (Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây) của ta. Vì thế nơi đây trở thành chiến trường khốc liệt, nơi đấu trí, đấu lực cam go của cả hai phía. Trong Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, do ta mắc sai lầm chủ quan trong việc đánh giá lực lượng của địch, vì thế sau những thắng lợi trong đợt 1, địch củng cố lại và phản kích quyết liệt trong đợt 2 và đợt 3 nên lực lượng của ta ở Trị Thiên bị tổn thất lớn. Trước tình hình đó Quân ủy Trung ương đã chọn cử Thiếu tướng Hoàng Sâm vào làm Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên. Vào chiến trường lúc này là đi vào nơi vô cùng gian khổ, hiểm nguy, đối mặt hàng giờ với cái chết. Trước lúc ông ra trận, bà Mỹ Lệ (vợ ông) đã rất lo lắng chất vấn: “Chiến trường ác liệt như thế, anh đi nếu chẳng may không về, ai nuôi 3 đứa con nhỏ?”. Trước câu hỏi của vợ, ông đã không chút đắn đo trả lời: “Anh chết thì các con đã có em, đã có Đảng, có Nhà nước lo. Chúng nhất định nên người”[3]. Câu trả lời của ông đã thể hiện rõ khí phách kiên cường, trách nhiệm của một “người lính” đối với Tổ quốc và niềm tin lớn của ông đối với Đảng và Nhà nước, đối với vợ, con.

Vị tướng gan dạ, dũng cảm vô song

Nói về sự gan dạ, dũng cảm chúng ta có thể gọi ông là người có thần kinh “thép” điều này được thể hiện rõ qua những lần ông một mình xông vào tận hang ổ của các trùm phỉ Lý Xíu, Voòng A Sáng để đấu trí, thi tài uống rượu, bắn súng, ném lựu đạn với chúng khiến các trùm phỉ phải quy phục.

Trên chiến trường Tây Bắc thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, Hoàng Sâm và Bộ Chỉ huy Mặt trận miền Tây; ngoài việc đương đầu với hoàn cảnh hiểm nghèo, khổ sở, còn phải trải qua những cuộc đấu tranh căng thẳng nhằm làm thay đổi căn bản tư tưởng tác chiến của các đơn vị vũ trang đang chiến đấu ở Tây Bắc. Chỉ có bản lĩnh của một người chỉ huy như Hoàng Sâm mới làm được điều này và chỉ có uy tín của ông mới tìm được tiếng nói chung trong Bộ Chỉ huy Mặt trận miền Tây lúc bấy giờ. “Hoàng Sâm hiểu rất rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp đối với Tây Bắc và thấy rằng để đánh thắng quân Pháp trên chiến trường này chúng ta cần phải củng cố liên minh chiến đấu Việt-Lào. Vì vậy Hoàng Sâm đã tổ chức ra Đội vũ trang tuyên truyền liên quân chiến đấu Lào-Việt; đội quân mà ngay từ khi vừa mới ra đời đã có chỗ đứng vững chắc trong phong trào cách mạng quần chúng của hai dân tộc Việt-Lào”[4]. Hoàng Sâm nổi tiếng với những trận đánh có tính chất “kinh điển” như trận dốc Đẹt hay cuộc đấu trí với Liên khu trưởng quân Tưởng để rồi được y biếu không 300 khẩu súng bộ binh cho quân ta vì bái phục “Tướng quân Hoàng”.

Thiếu tướng Hoàng Sâm (bên phải) đang nói chuyện với cụ Bùi Kỷ (Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt) tại Đại hội Luyện quân lập công do quân và dân Liên khu 3 tổ chức tại Sở Kiện, Phủ Lý, Hà Nam, năm 1948.    Ảnh: Tư liệu
Thiếu tướng Hoàng Sâm (bên phải) đang nói chuyện với cụ Bùi Kỷ (Chủ tịch Ủy ban Liên Việt) tại Đại hội Luyện quân lập công do quân và dân Liên khu 3 tổ chức tại Sở Kiện, Phủ Lý, Hà Nam, năm 1948. Ảnh: Tư liệu

Trong trận quân Pháp âm mưu đánh úp Bộ Chỉ huy Mặt trận miền Tây ở Mường Hịch năm 1947, qua cách đối phó với địch chúng ta càng thấy sự gan dạ, dũng cảm có thừa ở Thiếu tướng Hoàng Sâm. Khi có tin quân Pháp nhảy dù xuống Suối Rút để chuẩn bị đánh úp trụ sở Bộ Chỉ huy; một trung đội do đồng chí Chu Đốc được điều tới tăng cường bảo vệ Bộ Chỉ huy. Tuy nhiên, khi đơn vị này đến nơi, Hoàng Sâm lại điều động toàn đội đến dốc Văn để bảo vệ và giúp Quân y xá di chuyển. Do vậy, Chỉ huy sở chỉ có một lực lượng cảnh vệ ít ỏi và cơ quan văn phòng đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng Sâm. “Không điều lực lượng bảo vệ Bộ Chỉ huy mà chính đồng chí Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề còn xông ra lập trận địa chặn địch ở dốc Đẹt để bảo vệ cho Quân y xá di chuyển. Để lên dốc Đẹt, quân địch phải đi qua con đường hẻm, rất hiểm trở. Trên dốc cao hai ông chọn những vị trí cao tiện quan sát, rồi bình tĩnh chờ đợi những tên lính Pháp đến thật gần mới nổ súng. Vốn là những thiện xạ Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề được dịp trổ tài. Riêng Hoàng Sâm đã tiêu diệt 5 tên địch. Quân giặc kinh hoàng không dám tiến lên nữa vì lên tên nào chết tên đó. Sau 1 ngày chiến đấu, quân Pháp không thể tiến quân được, buộc phải rút lui. Âm mưu đánh úp Bộ Chỉ huy Tây Tiến thất bại. Nhờ vậy Quân y xá mặt trận di chuyển an toàn về Châu Trang và Sở chỉ huy mặt trận cũng chuyển về Mường Bi an toàn”[5].

Vị tướng nhân ái, bao dung, hết lòng thương yêu bộ đội

Theo ông Tô Văn Cắm-một trong số 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân kể lại thì “Hoàng Sâm sống rất là tình cảm, ông thương anh em chiến sĩ lắm… mùa đông tháng rét ở rừng, đêm nằm ngủ ông còn đi đắp chăn, sửa màn cho từng người, kiểm tra hết đồng đội.... Đối với cán bộ, anh chú trọng phát hiện chỗ mạnh để khuyến khích phát huy mà không thành kiến với những mặt yếu của cấp dưới”[6]. Theo lời kể của ông Trần Kỳ-cựu chiến binh Tây Tiến thì “Khu trưởng là người điềm đạm, lịch lãm, thương yêu quý trọng cấp dưới, ít khi nóng giận. Nhưng khi nóng giận thì “trời cũng bé”[7]. Ông Hoàng Sinh-nguyên thư ký của Thiếu tướng Hoàng Sâm kể lại rằng: “... Anh thường nhắc nhở chúng tôi đi lại, ăn uống, ngủ đêm tránh thành quy luật nhất định mà cần luôn thay đổi bất ngờ để chủ động trong mọi tình huống”[8].

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm, đối chiếu với những tiêu chuẩn một vị tướng mà Hồ Chí Minh đề ra trong thư gửi Thiếu tướng Nguyễn Sơn: “Đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương” chúng ta thấy ông không thiếu một tiêu chuẩn nào. Bên cạnh những công lao to lớn về quân sự, Hoàng Sâm còn là một chính trị gia xuất sắc. Ông từng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, một trong những nhà vận động cách mạng tích cực ở Thái Lan; một trong những nhà dân vận bậc thầy ở Cao Bằng và ở Lào. Ông không chỉ thức tỉnh, giác ngộ quần chúng tham gia cách mạng mà còn có đủ tài trí để khuất phục được các trùm phỉ nổi tiếng, các tướng tá ngang tàng của quân đội hoàng gia Lào. Ông cũng là một trong những người góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển tình hữu nghị đoàn kết chiến đấu giữa hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Trọn đời đi theo cách mạng từ tuổi thiếu niên cho đến hơi thở cuối cùng, Thiếu tướng Hoàng Sâm là người trung thành vô hạn với Đảng, hết lòng chiến đấu, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do của nhân dân. Ông là một trong những người có công lớn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn chiến đấu, người đồng chí tin cậy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp quý trọng ca ngợi là “Tra pa ép của Việt Nam”. Thiếu tướng Hoàng Sâm “đã đi xa” nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi cùng Quân đội, cùng quê hương, đất nước. Thiếu tướng Hoàng Sâm hội tụ đầy đủ phẩm chất của một vị tướng cách mạng: Tài, trí, dũng, liêm; ông cũng là một nhà chính trị sắc sảo. 

Lê Trọng Đại

[1] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự (2011), Sđd, tr. 243-246

[2] Trần Ngọc Long (2015), Sđd, tr. 29.

[3] Trần Ngọc Long (2015), Sđd, tr. 30.

[4] Trần Ngọc Long (2015), Sđd, tr. 28.

[5] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự (2011), Sđd, tr. 92.

[6] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự (2011), Sđd, tr. 258.

[7] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự (2011), Sđd, tr. 275.

[8] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự (2011), Sđd, tr. 258.

tin liên quan

Tuyên truyền tấm gương đạo đức của Thiếu tướng Hoàng Sâm ở Quảng Bình

(QBĐT) - Thiếu tướng Hoàng Sâm thuộc thế hệ các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam; là vị tướng đức độ, tài năng, người học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Thông báo thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ 8

(QBĐT) - Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa có văn bản thông báo thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ 8 và một số nội dung liên quan.

Thiếu tướng Hoàng Sâm-Người con ưu tú của Quảng Bình

(QBĐT) - Trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Quảng Bình đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc, trong đó phải kể đến Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đội trưởng đầu tiên và một trong những Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người mà tên tuổi và sự nghiệp đều gắn liền với những bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.