Quảng Bình-Thích ứng-Đồng hành-Phát triển:

"Chìa khóa" thu hút đầu tư

  • 15:20 | Thứ Ba, 22/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin với doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, những năm qua, Quảng Bình đã nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), xem đây là “chìa khóa” quan trọng để xúc tiến, thu hút đầu tư.
 
Quyết tâm đột phá
 
Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt nổi trội, Quảng Bình hội tụ đủ các yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với các nhà đầu tư. Đồng hành cùng các nhà đầu tư, biến tiềm năng thành hiện thực, cùng với việc khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có, Quảng Bình đang nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư.
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định CCHC là một trong bốn chương trình hành động trọng tâm đột phá nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại. Năm 2020, tỉnh đã tập trung xây dựng hoàn thành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) nhằm tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành giữa các sở, ngành, địa phương, tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Các TTHC được giải quyết tại Trung tâm hành chính công của tỉnh góp phần tăng tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Các TTHC được giải quyết tại Trung tâm hành chính công của tỉnh góp phần tăng tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Nhằm đơn giản hóa TTHC, Quảng Bình đã ban hành kế hoạch và tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, TTHC, tạo hành lang pháp lý tốt hơn, đồng bộ hơn, thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
 
Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 96 quyết định công bố 982 TTHC; trong đó có 418 TTHC công bố mới, 157 TTHC sửa đổi, bổ sung và 402 TTHC bãi bỏ... Các sở, ngành đã kiến nghị xử lý đối với 17 nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện chỉ số cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
 
Ông Hoàng Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết: Với mong muốn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng những cam kết cụ thể, sở đã chủ động rà soát những TTHC không cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, đơn giản hóa.
 
Cụ thể, gần đây nhất, Sở KH-ĐT đã cắt giảm 2 thủ tục khi nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư gồm thủ tục chứng minh vốn tự có bằng cách xác minh số dư tài khoản ngân hàng và chứng minh vốn huy động bằng cam kết tín dụng giữa nhà đầu tư với các tổ chức tín dụng. Với quy trình cắt giảm này, nhà đầu tư được hỗ trợ đáng kể, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
 
Ngoài ra, Sở KH-ĐT cũng đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và chứng nhận con dấu cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng mã số thuế giữa cơ quan Hải quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh và cơ quan Thuế; thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế bằng một mã số doanh nghiệp duy nhất theo cơ chế một cửa liên thông, từ đó, rút ngắn đáng kể thời gian cấp mã số thuế.
 
Bước đột phá mạnh mẽ trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước của tỉnh chính là việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công và Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh-”bộ não” điều hành trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, địa phương thông minh, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp. 1.066 TTHC được triển khai tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh với sự tham gia của 12 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, 2 cơ quan Trung ương là điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, tăng tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
 
Ghi nhận từ thực tiễn
 
Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã mở ra kỳ vọng tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình đã có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư.
 
Thông qua các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tỉnh đã cùng lắng nghe, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc với doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo bước đột phá và thu hút các nguồn lực đầu tư.
 
Ông Phạm Tiến Duật, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của tỉnh, song năm 2021 vẫn được đánh giá là năm thành công của tỉnh trong hoạt động CCHC, thu hút đầu tư. Riêng tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 10 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 48,6 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư lên 163 dự án, với tổng số vốn đầu tư và đăng ký đầu tư đạt trên 106,5 nghìn tỷ đồng. 
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo
Đặc biệt, dự án Cụm trang trại điện gió B&T được triển khai trên địa bàn 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng bao gồm 60 tua bin, công suất 252 MW đã thực sự mở ra cơ hội phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho vùng cát Quảng Bình.
 
Và gần đây, DIC Corp-một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, du lịch sau khi tìm hiểu tiềm năng, cơ hội để phát triển đã bày tỏ mong muốn chọn Quảng Bình là địa bàn đầu tư chiến lược tại khu vực miền Trung về phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp… Đó chính là những dấu ấn đậm nét minh chứng cho quyết tâm và sự nỗ lực của tỉnh trong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả, đồng hành cùng các nhà đầu tư, biến tiềm năng thành hiện thực.
 
Quyết tâm của tỉnh cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong CCHC, để Quảng Bình thực sự là “điểm đến” thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn. 
 
Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư được Quảng Bình xác định rõ với những đột phá chiến lược: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây tiếp tục là tiền đề quan trọng để Quảng Bình “thích ứng-đồng hành-phát triển”, thực sự là điểm đến an toàn và khác biệt.
 
Năm 2021, toàn tỉnh tiếp nhận 289.972 hồ sơ, trong đó có nhiều hồ sơ liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư. Kết quả, có 94,4% hồ sơ đúng hạn, 5,1% hồ sơ đang giải quyết trong hạn và 0,5% hồ sơ quá hạn. Đây chính kết quả ghi nhận sự nỗ lực của Quảng Bình trong CCHC, đồng thời là “chìa khóa” để tỉnh mở rộng cánh cửa, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư.
Thanh Hải

 

tin liên quan

Đổi mới cách tiếp cận, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

(QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng trong công tác thu hút đầu tư là "giữ chân" nhà đầu tư, tạo sự gắn bó lâu dài và phát triển bền vững, hiệu quả. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với cách tiếp cận mới, sáng tạo trên tinh thần chủ động và cầu thị.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng công trình trái phép để đầu cơ

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban xây dựng Đảng quý I do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức vào sáng nay, 22-3.

Đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Malaysia đi vào chiều sâu

Chiều 21/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Ngài Dato' Sri Ismail Sabri bin Yaakob, Thủ tướng Chính phủ Malaysia, đến chào trong thời gian thăm chính thức tại Việt Nam.