"Hoa tháng ba"

  • 11:45 | Thứ Bảy, 26/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bền bỉ vượt qua khó khăn để tự tìm hướng đi riêng trên hành trình khởi nghiệp, không ngừng tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn…, họ-những người trẻ bản lĩnh, sáng tạo với nhiều hướng đi khác nhau đã và đang đóng góp sức mình tô đẹp thêm cho cuộc sống, như những bông hoa đẹp tỏa hương cho đời.
 
“Luôn có một ngày mai cho những ai bước tiếp”
 
“Nhìn em chững chạc hơn nhiều so với tuổi”, tôi đã thoáng nghĩ thế khi lần đầu gặp Nguyễn Duy Nin. Nhưng rồi được trò chuyện cùng em, tôi hiểu rằng những thiệt thòi, mất mát đã bồi đắp cho em sự mạnh mẽ.
 
Nin sinh năm 1990, trong một gia đình thuần nông tại thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh). Năm 17 tuổi, biến cố cuộc đời ập đến Nin khi em không may gặp tai nạn, mất một chân.
 

Ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, khi những ước mơ, hoài bão chưa kịp nhen nhóm, đã có lúc, Nin muốn buông xuôi. Nhưng rồi thấu hiểu những lo toan, vất vả của bố mẹ, Nin tự nhủ, mình phải học cách đối diện, học cách chấp nhận bởi sẽ “luôn có một ngày mai cho những ai bước tiếp”.

Say mê sản phẩm mộc mỹ nghệ, Nin quyết tâm xin phụ việc tại các xưởng mộc để học nghề rồi một mình khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh, theo chân các đội thợ ở Tân Thới Hiệp (quận 12) và làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên nức tiếng đất Huế tích lũy kinh nghiệm.
 
Khoảng sân nhỏ trước nhà là nơi Nin chọn để bắt đầu khởi nghiệp trong những ngày đầu về quê. Từ chỗ xin nhận gia công sản phẩm để “bắt mối”, dần dà, xưởng mộc của Nin được biết đến nhiều hơn với lượng hàng khá ổn định.
Hành trình khởi nghiệp của Nguyễn Duy Nin (áo đỏ) gắn với niềm đam mê mộc mỹ nghệ.
Hành trình khởi nghiệp của Nguyễn Duy Nin (áo đỏ) gắn với niềm đam mê mộc mỹ nghệ.
Khát khao lập thân, lập nghiệp, từ chút vốn ở xưởng mộc, Nin tiếp tục tận dụng toàn bộ đất vườn, đầu tư hệ thống nhà màng, trồng trên 2.000 gốc lan. Vất vả nhưng vì đam mê, vừa làm, vừa học, vườn lan của Nin qua nhiều năm chăm sóc đã có người tìm đến hỏi mua. “Vun cây” đã gần ngày “hái quả”, vậy nhưng trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã vùi chôn của Nin tất cả. Nhìn 2.000 gốc lan tan hoang, xác xơ theo dòng nước, Nin bật khóc.
 
Quay về “vạch xuất phát”, Nin quyết tâm dồn sức lực và tâm huyết cho xưởng mộc bởi hiểu rằng để tạo ra những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, người thợ phải thực sự tâm huyết, kiên nhẫn, tinh tế và tư duy sáng tạo. Bằng sự nhạy cảm của người trẻ, Nin nhận thấy điêu khắc gỗ không còn dừng lại ở việc điêu khắc bằng tay mà còn có sự hỗ trợ của máy móc, phổ biến nhất phải kể đến máy điêu khắc gỗ CNC (máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính). Nghĩ vậy, Nin mày mò tìm kiếm thông tin trên mạng, các diễn đàn khởi nghiệp về cách lắp ráp, nguyên lý hoạt động của của máy CNC và tự tập thiết kế mẫu mã sản phẩm trên máy vi tính.
 
“Giờ em đã có thể một mình làm tròn ở mọi khâu, từ thiết kế sản phẩm trên máy vi tính đến ráp hoàn thiện. CNC là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực khắc gỗ nghệ thuật với nhiều ưu thế vượt trội khi vừa có thể chế tác được tất cả các loại họa tiết trên gỗ, kể cả những họa tiết khó, phức tạp; vừa bảo đảm sản xuất nhanh, giảm sức lao động, mẫu mã đẹp, độ bền cao”, Nin chia sẻ.
 
Với thu nhập 150-200 triệu đồng/năm, xưởng mộc là thành quả đáng tự hào ghi nhận cho đam mê, nỗ lực khởi nghiệp của chàng trai trẻ như Nin.
 
“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”
 
“Dưỡng dán nhãn cầu vai máy lập trình khổ nhỏ”, “Dường quay bác tay 2 hệ cỡ máy lập trình khổ to”, “Nghiên cứu điều chỉnh thành công lực hút chân không của máy cắt tự động Geber”…, đó là những sáng kiến cải tiến đã làm lợi hàng trăm triệu đồng/năm mà Võ Thị Thanh Thương (SN 1986, quê ở Xuân Thủy, Lệ Thủy) và các đồng nghiệp đã tạo ra chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
 
Nhanh nhẹn, tâm huyết, nhiều năm liền, Thương được hội đồng xét thưởng sáng kiến cải tiến Tổng công ty May 10 tuyên dương. Với Thương, sáng tạo chính là niềm đam mê.
 
Thương kể, em từng có thời gian theo học tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng rồi em từ chối vì mong muốn được lập nghiệp ở quê nhà. Tốt nghiệp và trở về giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề Lệ Thủy, rồi Trường trung cấp nghề số 9… Nhưng dường như chưa đủ “duyên” để gắn kết, Thương rẽ ngang làm công nhân tại Xí nghiệp may Hà Quảng, “khởi nghiệp” với việc may thép tay, cắt, may và làm nhân viên phân tích thuộc phòng kỹ thuật…
Võ Thị Thanh Thương (người ngồi),  "cây " sáng kiến luôn chủ động, sáng tạo trong công việc.
Võ Thị Thanh Thương (người ngồi), "cây" sáng kiến luôn chủ động, sáng tạo trong công việc.
Nhanh nhẹn, tâm huyết và ham học hỏi, năm 2018, Thương được chọn đi đào tạo lớp cán bộ quản lý tại Tổng công ty May 10 (Long Biên, TP. Hà Nội) rồi được điều sang hỗ trợ công tác tổ chức sản xuất tại Công ty TNHH S&D Quảng Bình.
 
Được phân công làm trưởng bộ phận nghiên cứu tổ chức sản xuất (IE) lại vừa kiêm chuyền trưởng, tổ trưởng, trực tiếp tham gia sản xuất, Võ Thị Thanh Thương luôn trăn trở là làm sao sáng tạo ra những cách làm mới, rút ngắn công đoạn sản xuất, cho năng suất lao động cao nhất nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
 
 “Cữ may nẹp khuyết beo kê lồng dựng” đã rút ngắn thời gian sản xuất từ 40 giây xuống còn 29 giây/sản phẩm và làm lợi 270 triệu đồng/đơn hàng. “Cữ ép khẩu trang 3 lớp”, tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng khi tận dụng được máy ép tổ cắt dư (đang tạm dừng hoạt động) để làm cữ tạo lá chắn, cho 3 lớp vải chạy qua và ép thành khẩu trang thay vì mua máy ép mới với chi phí rất cao... Những sáng kiến này đã được Thương và các thành viên nhóm nghiên cứu, thử nghiệm và sử dụng thành công.
 
Không chỉ “giàu” sáng kiến, Thương còn tận tâm với các hoạt động vì cộng đồng. Là Bí thư Đoàn cơ sở Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Thương chủ động kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch, sáng tạo trong kết nối tuyển dụng lao động… Võ Thị Thanh Thương thực sự là thủ lĩnh Đoàn năng nổ, nhiệt huyết.
 
“Tuổi trẻ của em, đẹp nhất là khi được gắn bó với màu áo xanh”
 
Bén duyên với công tác Đoàn khi còn là sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế. Tốt nghiệp, Phạm Thị Mỹ Linh  (SN 1994, xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn) về sinh hoạt tại địa phương và tiếp tục gắn bó với công tác Đoàn khi được tín nhiệm giữ chức Bí thư Đoàn xã Quảng Trung. Vốn có niềm đam mê, lại từng là cán bộ Đoàn từ trường học, Linh nhanh chóng trở thành người “truyền lửa” cho các hoạt động đoàn tại địa phương. Nữ Bí thư Đoàn xã nhỏ nhắn với gương mặt sáng cứ thế hòa mình vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội trên địa bàn, thu hút ngày càng nhiều các đoàn viên, thanh niên cùng tham gia.
 
Linh tâm niệm: Người làm công tác Đoàn phải thực sự có lòng say mê, yêu thích và nhiệt huyết giữ “ngọn lửa” đam mê cho mình. Có lẽ, chính bởi vì thế mà Linh luôn trăn trở mong muốn triển khai được nhiều mô hình hay, ý nghĩa để thanh niên trên địa bàn có cơ hội được góp sức trẻ cho cộng đồng.
Phạm Thị Mỹ Linh, thủ lĩnh Đoàn được trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng.
Phạm Thị Mỹ Linh, thủ lĩnh Đoàn được trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng.

Một trong những mô hình tâm huyết của Linh và những người trẻ ở xã Quảng Trung chính là “Con đường tuổi trẻ”. Linh chia sẻ: Một số tuyến đường nội thôn chưa có điện chiếu sáng nên người dân đi lại sinh hoạt rất khó khăn, khó bảo đảm an ninh trật tự. Hiểu được điều đó, Linh bàn với Ban Thường vụ Đoàn xã đề xuất hiện mô hình “Con đường tuổi trẻ”. Để thực hiện hiệu quả, Mỹ Linh cùng Ban Thường vụ Đoàn xã, các chi đoàn tích cực ứng dụng mạng xã hội để liên kết, tạo cầu nối giữa tuổi trẻ xã nhà với người dân, thanh niên làm ăn xa quê, kêu gọi nguồn quỹ cho các hoạt động vì cộng đồng.

Chỉ ít tháng sau khi huy động nguồn lực thực hiện, Mỹ Linh và các đoàn viên đã bắt tay triển khai thực hiện mô hình “Con đường tuổi trẻ” với các phần việc rất cụ thể: Thi công, lắp đặt công trình “Thắp sáng đường quê” tại thôn Biểu Lệ, “Đường hoa thanh niên” tại thôn Thượng Thôn và “Tuyến đường thanh niên bảo đảm an ninh trật tự” tại thôn Trung Thôn với tổng trị giá các công trình trên 200 triệu đồng, thu hút hơn 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.
 
Từ thành công của mô hình “Con đường tuổi trẻ”, nữ thủ lĩnh trẻ Mỹ Linh tiếp tục đề xuất và triển khai thành công mô hình "Chi đoàn nói không với tệ nạn xã hội"; triển khai nhiều công trình ý nghĩa “Đóa sen dâng mộ liệt sỹ”, làm giá và treo cờ dọc tuyến liên thôn, xã…
 
Bằng đam mê, sức trẻ, Phạm Thị Mỹ Linh đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2021, Mỹ Linh vinh dự là 1 trong 98 cán bộ Đoàn tiêu biểu xuất sắc toàn quốc được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng. Chia sẻ về niềm vui của mình, Mỹ Linh chỉ khiêm tốn: “Tuổi trẻ của em, đẹp nhất là khi được gắn bó với màu áo xanh. Em hạnh phúc vì mình có được sự đồng hành của các bạn trẻ trong các hoạt động vì cộng đồng”.
 
Thanh Hải

tin liên quan

WB cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào 2045

Đại diện Ngân hàng Thế giới luôn khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
 

Tuổi trẻ Quảng Bình: Khát vọng, tiên phong, bản lĩnh

(QBĐT) - Những năm qua, tuổi trẻ Quảng Bình luôn xung kích, tình nguyện, khẳng định sức trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2022), phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Đại Bàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn về nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

59 năm đồng hành cùng bạn đọc

(QBĐT) - Cách đây tròn 59 năm, ngày 27-3-1963, Báo Quảng Bình số đầu tiên được xuất bản trong gian lao khó khăn với biết bao công sức, tâm huyết của đội ngũ người làm báo tỉnh nhà. Như lời đồng chí cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan đăng trên trang 1 của số báo này: "Đây là một sự kiện quan trọng đối với đời sống chính trị và tinh thần của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác tuyên truyền giáo dục của Đảng bộ".