.

Học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Bình ngày càng vững mạnh

.
08:25, Chủ Nhật, 15/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương phản chiếu gần trọn thế kỷ XX-thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất, nhân cách của một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, một nhà hoạt động thực tiễn tiêu biểu; người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng và những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như những bản hùng ca đẹp nhất, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế yêu quý, kính trọng, ngưỡng mộ và tự hào.
 
Với quê hương Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con chí hiếu, chí tình. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng luôn dành cho Quảng Bình những tình cảm sâu nặng. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng luôn có những chỉ bảo, căn dặn sâu sắc cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà trong chiến đấu, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
 
Với tinh thần trách nhiệm cao cả và tầm nhìn sâu sát, cụ thể, Đại tướng đã có nhiều ý kiến quý báu về mọi mặt đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Bước chân của Đại tướng đến đâu, với những lời dặn dò chân tình, sâu sắc đã để lại trong lòng nhân dân, cán bộ, mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, chiến sỹ nhiều tình cảm sâu lắng.
 
Trong tim Đại tướng luôn luôn chỉ có một mong muốn, đó là: Quê hương Quảng Bình một thời nổi danh “Hai giỏi” sẽ mãi mãi vươn lên tiến đến dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Thực hiện những căn dặn của Đại tướng, từ những năm tháng chiến tranh trường kỳ gian khổ cho đến ngày hòa bình lập lại và thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Bình luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương năm 2004.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương năm 2004.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cao trào “Quảng Bình quật khởi” đã trở thành niềm tự hào, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ quân và dân Quảng Bình đoàn kết, chiến đấu kiên cường phá tan thế kìm kẹp của kẻ thù, mở rộng vùng giải phóng, cùng cả nước đưa sự nghiệp kháng chiến “toàn dân, toàn diện” đi đến thắng lợi, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
 
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Quảng Bình bắt tay vào khôi phục, phát triển kinh tế. Đây là giai đoạn cả nước biết đến Quảng Bình, nơi đã làm nên “Gió Đại Phong”, ngọn cờ đầu của miền Bắc XHCN trong sản xuất nông nghiệp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù, quân và dân Quảng Bình đã gan vàng, dạ sắt, quyết tâm “Nhà tan, cửa nát cũng ừ/Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc/Đường chưa thông không tiếc máu xương” vì mục tiêu cao cả của thời đại “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
 
Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và cả sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã kế thừa tinh thần quật khởi để làm nên phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi)-Một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mãi mãi đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thiêng liêng đối với cả nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
 
Sau ngày tái lập tỉnh (1989), Quảng Bình phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, hầu như phải bắt tay xây dựng lại từ đầu. KT-XH ở vào tình trạng khủng hoảng, kém phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp, đời sống, việc làm của nhân dân rất khó khăn. Đến nay, qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, hòa mình vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, Quảng Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
 
Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu rất quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn gay gắt, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
 
Kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng, GRDP bình quân 5 năm đạt 6,13%, đây là sự nỗ lực rất lớn trong điều kiện sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh, đại dịch Covid-19; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ cấu lại các ngành kinh tế đạt kết quả tích cực; du lịch phát triển nhanh, đã khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Lĩnh vực văn hóa (VH), giáo dục, đào tạo, y tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường; hoạt động đối ngoại ngày càng có hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao; giữ vững đoàn kết nội bộ.
 
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp có nhiều đổi mới; có nhiều cách làm hay trong tuyển chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, dân vận được đẩy mạnh.
 
Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân thường xuyên được đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
 
Phát huy kết quả đạt được, đặc biệt là vận dụng, học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Bình ngày càng vững mạnh, đòi hỏi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trước mắt tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
 
Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
 
Công tác xây dựng Đảng luôn được Đại tướng thường xuyên quan tâm. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005-2010), những lời căn dặn của Đại tướng cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho Đại hội xem xét, quyết định: “Tỉnh Quảng Bình đã có truyền thống hết sức vẻ vang, trong kháng chiến đã được Bác Hồ khen: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.
 
Phát huy truyền thống đó, ngày nay chúng ta phải quyết tâm chiến đấu thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu mạnh, văn minh. Muốn vậy, tôi thấy vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tỉnh là phải không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trước hết là trong cấp ủy. Phải coi trọng công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng đào tạo thế hệ trẻ; sử dụng những cán bộ thực sự có đức, có tài”.
 
Để thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng, các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu về nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền; chú trọng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
Tập trung xây dựng nhân tố con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khát vọng, hoài bão và năng lực nổi trội, luôn tìm tòi đổi mới sáng tạo, có sản phẩm cụ thể, uy tín cao, thực sự tiên phong, gương mẫu, trung thực. Xây dựng các chương trình về thu hút cán bộ giỏi, xuất sắc; hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Đồng thời, đổi mới và tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ. Rà soát, đánh giá, bố trí cán bộ đứng đầu cơ quan, ngành, lĩnh vực trọng yếu bảo đảm đúng tầm, đủ sức chỉ đạo, điều hành nhằm tạo bứt phá cho sự phát triển. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, xử lý nghiêm vi phạm; kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.
 
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần phát triển KT-XH.
 
Chăm lo xây dựng, phát triển KT-XH để nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm và đó cũng là vấn đề mà Đại tướng luôn đau đáu  để làm sao đưa Quảng Bình đi lên thoát nghèo.
 
Trong lần về thăm quê sau những ngày đầu tái lập tỉnh, nhận thấy tình hình KT-XH tỉnh nhà đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn: Tỉnh nhà mới lập lại, được Trung ương hết sức giúp đỡ đó là thuận lợi lớn. Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi.
 
Để huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần phát triển KT-XH, cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
 
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất; đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, giá trị gia tăng. Xây dựng, định vị thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc.
 
Thứ ba, chú trọng xây dựng, phát triển con người, VH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ KH-CN.
 
Tỉnh Quảng Bình là vùng đất giàu tiềm năng và thế mạnh về VH. Những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Bình tập trung đầu tư xây dựng, phát triển VH, con người Quảng Bình, đem lại những kết quả tích cực trong xây dựng nền VH mới trên địa bàn. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ KH-CN.
 
Trong mỗi lần về thăm quê hay gửi thư cho tỉnh nhà, Đại tướng luôn nhắc tỉnh nhiều về phát triển giáo dục-đào tạo và KH-CN, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững, lâu dài. Năm 2002, về thăm quê, đến nói chuyện với thầy và trò Trường THPT chuyên Quảng Bình (nay là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp), Đại tướng ân cần dặn dò thầy và trò nhà trường phải nhận thức “Tri thức là của cải quý nhất của con người, của dân tộc và của nhân loại” và chúc các cô giáo thầy giáo ra sức dạy giỏi, các em học sinh học giỏi, trở thành một trường chuyên gương mẫu, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cả nước.
 
Để xây dựng, phát triển con người, VH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ KH-CN phù hợp trong tình hình hiện nay, cần gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển VH và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Cấp ủy các cấp cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong VH ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; đổi mới cơ chế tuyển dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, KH-CN và đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả vai trò các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Quảng Bình ở trong nước và nước ngoài. Xây dựng chính sách vượt trội để KH-CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
 
Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện cải cách tư pháp; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Năm 1992, trong chuyến về thăm quê sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, Đại tướng đã có buổi làm việc và dành cho lãnh đạo tỉnh những lời tâm sự chân tình. Đại tướng chỉ rõ: “Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu...”.
 
Do đó, để đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thực hiện cải cách tư pháp; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian, giảm chi phí.
 
Thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Thứ năm, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bồi đắp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
 
Năm 1999, trong một lần về thăm quê, Đại tướng nhấn mạnh đến vấn đề đại đoàn kết. Người nói: “Phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, không đoàn kết thì không làm gì được”. Để thực hiện tốt những lời căn dặn của Đại tướng, cần đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, quyền làm chủ của nhân dân. Cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thường xuyên đối thoại trực tiếp với người dân, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân.
 
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức sâu sắc về dân chủ cho đoàn viên, hội viên và nhân dân để tự giác thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận xã hội; phát động các phong trào thi đua sâu rộng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người người trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chính là góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.
 
Cao Văn Định
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

,