.

Ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII

.
09:03, Thứ Hai, 15/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có ý kiến về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch; công tác chống thất thu ngân sách...

Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi

* Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Đối với tỉnh Quảng Bình, chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng, với tỷ trọng chiếm 50,3% giá trị sản xuất nông nghiệp (cuối năm 2018). Để phát triển chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) là nhiệm vụ quan trọng được ngành Nông nghiệp đặt lên hàng đầu.

Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch PCDB cho đàn gia súc, gia cầm; kế hoạch tiêm phòng vắc xin; tiêu độc khử trùng; công điện, chỉ thị trong trường hợp cần thiết…

Công tác phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn được lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên.
Công tác phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn được lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên.

Vấn đề nổi lên thời gian qua là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Để chỉ đạo công tác PCDB, Tỉnh ủy đã có chỉ thị, UBND tỉnh ban hành công điện; thành lập Ban chỉ đạo PCDB, lên kế hoạch, lập kịch bản chống dịch, ban hành đầy đủ văn bản thực hiện nội dung chỉ đạo của Trung ương; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp tập trung mọi nguồn lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp PCDB.

Tuy nhiên, DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên loài lợn, gây chết lên đến 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, đường truyền lây đa dạng, khó kiểm soát... Quảng Bình nằm ở vị trí phức tạp, có quốc lộ 1A đi qua, giáp ranh với các tỉnh đã xảy ra DTLCP…

Do đó, nguy cơ bệnh DTLCP phát sinh trên địa bàn tỉnh là điều khó tránh khỏi. Đầu tháng 6-2019, DTLCP đã xuất hiện tại huyện Minh Hóa (tỉnh thứ 56/63 tỉnh, thành phố bị DTLCP) và tiếp tục lây lan tại một số địa phương trong tỉnh.

Đến ngày 7-7-2019, toàn tỉnh có 19 xã trên địa bàn 5 huyện, thành phố xảy ra DTLCP, số lợn buộc tiêu hủy 535 con, chiếm 0,2% tổng đàn lợn (trọng lượng tiêu hủy 22.811,5 kg). Nhằm ngăn chặn DTLCP lây lan trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường các biện pháp để ngăn chặn.

Do ảnh hưởng của DTLCP, tổng đàn lợn toàn tỉnh đã giảm khoảng 15%. Để bảo đảm cho việc tái đàn sau khi khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không nên “quay lưng” với thịt lợn sạch, có nguồn gốc rõ ràng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê...), gia cầm, nuôi trồng thủy sản... để bù đắp sự thiếu hụt sản phẩm thịt lợn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân.

Lê Mai (thực hiện)

Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch

* Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 2.450.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 133.200 lượt, tăng hơn 31%.

Thời gian qua, chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Bình cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, thu hút khách, như: tham quan hang động, du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng…, du lịch Quảng Bình đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào thử nghiệm. Một số điểm đến du lịch mới thu hút du khách, như: công viên Ozo, thác Mơ và loại hình du lịch cộng đồng; du lịch kết hợp với thể thao cũng đã xuất hiện ở Quảng Bình.

Các sản phẩm du lịch hang động của Quảng Bình hút khách. Ảnh: Oxalis
Các sản phẩm du lịch hang động của Quảng Bình hút khách. Ảnh: Oxalis

Chất lượng các cơ sở lưu trú, địa điểm kinh doanh ăn uống phục vụ du lịch cũng được bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Hầu hết các khách sạn 3 sao trở lên vào các ngày cuối tuần đều đạt công suất cao. Các dịch vụ vui chơi giải trí bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách, đặc biệt là các dịch vụ vui chơi giải trí ven biển, tham quan thành phố về đêm bằng xe điện… 

Để đạt được kết quả này, ngành Du lịch đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch. Từ đầu mùa du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở các khu, điểm du lịch để có thái độ ứng xử phục vụ khách du lịch tốt hơn.

Sở Du lịch đã hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; yêu cầu các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Luật Du lịch năm 2017.

Kết quả thanh tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ du khách cũng luôn được chú trọng, cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách kịp thời. Do vậy, từ đầu mùa du lịch đến nay, khách du lịch cơ bản hài lòng và có nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp khi đến tham quan, du lịch Quảng Bình.

Trong thời gian tới, du lịch Quảng Bình phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là sẽ đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế từ 250.000-300.000 lượt.

D.Hương (thực hiện)

Quyết liệt triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách

* Ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện số thu ngân sách hơn 2.307 tỷ đồng, đạt 63% dự toán Trung ương, 53,5% dự toán tỉnh giao và tăng 41% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ đọng thuế vẫn còn ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp giải thể, phá sản, khó khăn về tài chính; một số doanh nghiệp do triển khai dự án chậm dẫn đến nợ tiền thuê đất, đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, dây dưa nợ thuế…

Vì thế, để tiếp tục tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách, ngành Thuế và các sở, ngành liên quan, các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Ngành Thuế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu ngân sách nhà nước.
Ngành Thuế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu ngân sách nhà nước.

Một là, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước. Trong đó cần đẩy mạnh công tác giám sát kê khai, quản lý chặt chẽ doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tổng cục Thuế.

Hai là, đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra thuế bằng việc phân tích, đánh giá, phát hiện theo phương pháp quản lý rủi ro; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước theo kế hoạch định kỳ và đột xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Thuế đã thực hiện 280 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, phát hiện, xử lý tăng thu hơn 17 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng cần được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; đồng thời tham mưu, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh và phối hợp với các ngành trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Ngoài các giải pháp trên, thời gian tới ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu nợ qua việc thẩm định hồ sơ dự án và cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

,