.

Nhìn lại việc sáp nhập khu dân cư ở huyện Lệ Thủy

.
09:23, Thứ Hai, 06/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2017 và 2018, thị trấn Kiến Giang và xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã hoàn thành sáp nhập các khu dân cư. Việc làm này đã góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở.

Những năm qua, các khu dân cư ở thị trấn Kiến Giang và xã Trường Thủy hoạt động nền nếp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều thôn, tiểu khu có quy mô nhỏ khiến xã vẫn bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể với quy mô lớn. Bộ máy này dẫn đến tăng ngân sách chi trả phụ cấp cho đội ngũ cán bộ khu dân cư.

Hơn nữa, nhiều khu dân cư có quy mô nhỏ gây khó khăn cho công tác quản lý, tổ chức và hoạt động. Việc nhiều khu dân cư trên một đơn vị hành chính còn dẫn đến các khu không đạt tiêu chí về dân số, diện tích, khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động sức dân trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Để khắc phục những bất cập đó, huyện Lệ Thủy đã từng bước sáp nhập các khu dân cư trên địa bàn.

Theo đó, năm 2017, thị trấn Kiến Giang đã triển khai sáp nhập 8 tiểu khu thành 3 tổ gồm: tiểu khu 1, 2, 3 nhập thành tổ dân phố Xuân Giang. Tiểu khu 4 và 5 nhập lại thành tổ dân phố Phong Giang. Tiểu khu 6, 7, 8 nhập lại thành tổ dân phố Thượng Giang.

Ông Nguyễn Khắc Chi, một người dân ở tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang bày tỏ quan điểm: “Trước đây, khu vực Kiến Giang chỉ có 3 thôn gồm Xuân Giang, Phong Giang, Thượng Giang. Mỗi thôn đều có những nét văn hóa, phong tục riêng.

Thị trấn Kiến Giang đã hoàn thành việc sáp nhập 8 tiểu khu thành 3 tổ dân phố
Thị trấn Kiến Giang đã hoàn thành việc sáp nhập 8 tiểu khu thành 3 tổ dân phố

Vì vậy, việc sáp nhập các khu dân cư là chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, tránh sự bất hợp lý trong việc bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp, tăng cường thêm tình đoàn kết trong dân”.

Trước khi sáp nhập, Đảng ủy thị trấn Kiến Giang cũng đã làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là những cán bộ không chuyên trách ở các tiểu khu. Theo đó, quan điểm của Đảng ủy là chọn những cán bộ trẻ, có năng lực nhất để đưa vào làm cán bộ tổ dân phố mới, đồng thời các chế độ cho công an viên thôi làm nhiệm vụ cũng được giải quyết theo quy định thấu đáo.

Khi các tiểu khu được sáp nhập thì các chi bộ cũng nhập lại thành Đảng bộ bộ phận, còn các nhà văn hóa tiểu khu trước đó trở thành điểm sinh hoạt của các khóm. Sau đó, thị trấn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 3 nhà văn hóa tổ dân phố mới.

Trong đó, nhà văn hóa tổ dân phố Phong Giang có tổng mức đầu tư xây dựng 3 tỷ đồng. Nhà văn hóa 2 tiểu khu còn lại được nâng cấp từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Đức, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang khẳng định: “Từ khi sáp nhập các tiểu khu lại với nhau, nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi, mọi hoạt động diễn ra thuận lợi. Thị trấn cũng có điều kiện để đầu tư thiết chế văn hóa. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đễ dàng chuyển tải đến nhân dân. Chất lượng hoạt động của các tổ chức trong các tổ dân phố càng được nâng cao”.

Năm 2018, xã Trường Thủy cũng đã sáp nhập 9 thôn thành 4 thôn gồm: thôn Trường Giang được nhập lại từ 3 thôn, thôn Giang Sơn, Hương Thi và thôn Long Đại mỗi thôn cũng được nhập lại từ 2 thôn. Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: “Để sáp nhập các thôn, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền nên tạo được đồng thuận cao trong nhân dân”.

Sau khi sáp nhập từ 9 thôn thành 4 thôn, xã đã giảm được nhiều cán bộ hoạt động không chuyên trách đối với các chức danh, như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, thôn đội trưởng và giảm nhiều tổ chức, như: chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên. Sau khi sáp nhập thành công, xã đã xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn, cải tạo 2 nhà đủ rộng và có các sân chơi thể thao, vui chơi giải trí cho bà con đến sinh hoạt.

Bà Võ Thị Thuận Ngàn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Để bộ máy chính quyền các khu dân cư tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, giảm ngân sách cho Nhà nước trong việc chi trả phụ cấp cho cán bộ cấp thôn, huyện đã xây dựng đề án sáp nhập các khu dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2021 cho 8 xã, thị trấn”.

Theo đề án, năm 2019, thị trấn Lệ Ninh sẽ sáp nhập 12 tổ dân phố thành 7 tổ dân phố. Các xã Thái Thủy, Văn Thủy từ 7 thôn xuống 5 thôn. Năm 2020, xã Sen Thủy sẽ sáp nhập 12 thôn thành 7 thôn, xã Hưng Thủy 13 thôn thành 11 thôn, xã Cam Thủy 9 thôn thành 8 thôn. Năm 2021, xã Tân Thủy sáp nhập 12 thôn thành 6 thôn, xã Hoa Thủy 10 thôn thành 7 thôn.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: "Để hoàn thành đề án, huyện đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc sáp nhập các khu dân cư; thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ thôn, tổ dân phố để tạo sự thống nhất.

Đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp huyện được giao phụ trách cơ sở, cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc việc sáp nhập theo đúng kế hoạch. UBND các xã, thị trấn cần chủ động xây dựng đề án, triển khai thực hiện việc sáp nhập đúng lộ trình đề ra".

Xuân Vương

,