.

Ngành Tài chính Vật giá Quảng Bình thời kỳ tái lập tỉnh: Vượt lên gian khó

.
09:37, Thứ Sáu, 03/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - LTS: Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh và 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quang Lịch, nguyên Giám đốc Sở Tài chính Vật giá Quảng Bình từ năm 1989 đến năm 2001 về những ngày đầu tái lập tỉnh đầy gian khó của chính quyền và người dân Quảng Bình.
Ngành Tài chính Vật giá Quảng Bình chủ trì hội thảo quốc tế về chi tiêu công cộng (năm 2000).
Ngành Tài chính Vật giá Quảng Bình chủ trì hội thảo quốc tế về chi tiêu công cộng (năm 2000).
PV: Xin ông chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành Tài chính Vật giá Quảng Bình trong những ngày đầu tái lập tỉnh?
 
Ông Phạm Quang Lịch: Từ những ngày đầu tái lập tỉnh (tháng 7, năm 1989), tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài chính Vật giá Quảng Bình. Cũng như các ngành khác của tỉnh, ngành Tài chính Vật giá thời kỳ đó gặp rất nhiều khó khăn. 58 CBCNV đang công tác tại Sở Tài chính Vật giá Bình Trị Thiên được chuyển về công tác tại Sở Tài chính Vật giá tỉnh Quảng Bình.
 
Lúc bấy giờ, Sở Tài chính Vật giá chưa có trụ sở, CBCNV chưa có nơi ăn chốn ở nên phải dựa vào sự chia sẻ của Phòng Tài chính thị xã Đồng Hới vốn chật hẹp, thiếu thốn. Riêng tôi và một số cán bộ của Sở được Phòng Tài chính thị xã ưu ái bố trí cho căn nhà cấp 4, bếp ăn tập thể của cơ quan.
 
Tôi còn được ưu tiên ngủ trên bàn làm việc ở trụ sở vào buổi trưa, buổi tối, vì chỗ ở của gia đình chỉ vừa đủ cho vợ và 3 đứa con nghỉ ngơi. Nhiều CBCNV của Sở phải dựa vào bà con quen biết ở thị xã Đồng Hới để có được nơi ăn chốn ở.
 
Giờ đây, nhớ lại, tôi càng thấm thía về tình cảm, sự sẻ chia, đùm bọc của CBCNV Phòng Tài chính thị xã nói riêng và của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Đồng Hới nói chung. Dù vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng CBCNV Sở Tài chính Vật giá Quảng Bình rất nhiệt tình công tác, vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
PV: Trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan”, xin ông cho biết những đóng góp của ngành Tài chính Vật giá trong việc khắc phục khó khăn của một tỉnh vừa mới tái lập?
 
Ông Phạm Quang Lịch: Những ngày đầu tái lập tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị được chuyển từ thành phố Huế ra Quảng Bình hầu hết chưa có trụ sở làm việc, đa số CBCNV, người lao động chưa có nơi ăn chốn ở ổn định. Thời kỳ này, ngân sách tỉnh Bình Trị Thiên phân chia cho Quảng Bình chỉ được 202 triệu đồng, số tiền này chỉ vừa đủ để cấp kinh phí di chuyển và một vài việc quan trọng khác.
 
Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Xí nghiệp quốc doanh tuy đông nhưng không mạnh, đa số là xí nghiệp cấp huyện bung ra trong thời bao cấp, hoạt động yếu. Sản lượng lương thực chỉ ở mức dưới 11 vạn tấn. Tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới gần 40%, ở miền núi tỷ lệ đói nghèo lên tới trên 60%. Từ tình hình sản xuất kinh doanh yếu kém dẫn đến nguồn thu ngân sách địa phương vô cùng hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu rất bức bách.
 
Trước thực trạng này, Sở Tài chính Vật giá đã xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép trực tiếp ra Hà Nội trình bày khó khăn phát sinh đột xuất với Bộ Tài chính để xin nguồn trợ cấp của ngân sách Trung ương. Cần nói thêm rằng, việc chia tách tỉnh Bình Trị Thiên là chủ trương quyết định đột xuất của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính chưa biết trước để dự kiến trợ cấp cân đối ngân sách cho tỉnh Quảng Bình.
 
Thật vui sướng khi những nhu cầu cấp bách về tài chính đã được Bộ Tài chính giải quyết kịp thời. Từ nguồn trợ cấp của Trung ương và nguồn thu ngân sách tại tỉnh, Sở Tài chính Vật giá đã tham mưu cho tỉnh phân bổ cho các mục tiêu chi thường xuyên, như: lương cán bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, đầu tư phát triển, hoạt động của bộ máy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể…
 
PV: Được biết, Sở Tài chính Vật giá đã từng tham mưu về khoản vay từ nguồn ngân sách cho cán bộ làm nhà riêng và được Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ ký quyết định thực thi. Ông có thể chia sẻ thêm về quyết định "có một không hai" này?
 
Ông Phạm Quang Lịch: Đúng như vậy. Đây cũng là quyết định mang tính chiến lược đưa lại nhiều lợi ích cho người dân của cố Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Sự lúc bấy giờ. UBND tỉnh đã bố trí một khoản ngân sách cho CBCNV từ Huế chuyển về Đồng Hới được vay làm nhà riêng. Mỗi người được vay 1.500.000 đồng, tương đương 9 tấn xi măng.
 
Tuy số tiền được vay không lớn nhưng có ý nghĩa là “vốn mồi” để tạo thêm điều kiện cho CBCNV làm nhà ở riêng. Nhờ vậy, cả thị xã Đồng Hới những năm đầu tái lập, cảnh tượng làm nhà, xây dựng công trình, trụ sở khẩn trương tấp nập như một đại công trường.
 
Có thể nói, quyết định của tỉnh Quảng Bình về việc cho CBCNV được vay vốn làm nhà ở thời kỳ tái lập tỉnh là phù hợp, đúng đắn, như “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa xóa được bao cấp trong việc bố trí nhà ở tập thể, vừa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo CBCNVC có nhà ở lâu dài, bảo toàn nguồn vốn ngân sách khi đối tượng vay vốn trả nợ đúng hạn.
 
Ngoài ra, Sở Tài chính Vật giá cũng đã tham mưu cho tỉnh bố trí một khoản ngân sách để mua lương thực dự trữ phòng khi thiên tai, thiếu đói xẩy ra.
 
PV: Vậy những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian này, thưa ông?
 
Ông Phạm Quang Lịch: Được sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương, sự lãnh đạo kịp thời sát đúng của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển, thu ngân sách ngày càng tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 1990, thu ngân sách mới vẻn vẹn 41,7 tỷ đồng thì đến năm 1995 con số này là 242 tỷ đồng, đến năm 1999 đã lên đến 590 tỷ đồng, gấp 14 lần sau chặng đường 10 năm kể từ ngày tái lập.
 
Nhờ có nguồn thu ngân sách này cùng các chương trình MTQG của Trung ương hỗ trợ, tỉnh Quảng Bình đã tập trung phân bổ ngân sách cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, giải quyết đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
 
PV: Vẹn nguyên ký ức những ngày đầu tái lập tỉnh, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, tâm sự của mình về khoảng thời gian "trọn nghĩa vẹn tình" này?
 
Ông Phạm Quang Lịch: Những năm tháng đầu tiên khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát đúng, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng sự đồng thuận quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ to lớn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã vượt lên gian khổ thiếu thốn, viết lên trang sử mới của công cuộc xây dựng kiến thiết quê hương.
 
Tôi luôn tâm niệm, suốt chặng đường dài từ thời kỳ tái lập tỉnh đến hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình rất có ý chí nghị lực và quyết tâm cao nên mới vượt qua được nhiều thử thách lớn như vậy.
 
Dẫu bây giờ vẫn còn đó bao thách thức nhưng với những gì đã trải qua, tôi rất hy vọng, một tương lai không xa, diện mạo tỉnh Quảng Bình sẽ khởi sắc, lớn mạnh, phát triển nhanh, bền vững, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện tốt hơn, tỉnh Quảng Bình sẽ giàu đẹp văn minh…
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa này!
 
Phan Hòa (thực hiện)
,