.
Thảo luận của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV:

Tập trung các giải pháp khắc phục những tồn tại trong phát triển kinh tế-xã hội

.
08:10, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)

Qua xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ cho thấy, các báo cáo lần này đã được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đề cập sâu đến nhiều ưu điểm và cũng thẳng thắn chỉ ra được những bất cập, hạn chế cơ bản.

Nhìn tổng thể sau 3 năm, đặc biệt là năm 2018; mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đất nước đã kiềm chế được lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; phát huy được ngành, lĩnh vực lợi thế; ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển KTXH. Tôi xin phân tích thêm một số kết quả như sau:

- Một số chủ trương, chính sách đề ra được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo được niềm tin và dấu ấn khá sâu sắc trong lòng dân, như: chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo; chủ trương phòng, chống tham nhũng, tinh giản biên chế.

Tiêu biểu, như: Bộ Công an vừa tích cực trong phòng chống tham nhũng, vừa đi đầu trong tinh giản biên chế; Bộ Tài chính, Bộ Công thương và một số địa phương, như: Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…, đã tích cực, gương mẫu trong thực hiện tinh giản biên chế. Đây là những bước đột phá tích cực trong thực hiện tinh gọn bộ máy; tổng kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này đề nghị xem xét tuyên dương, khen thưởng, suy tôn phong tặng anh hùng cho một số tổ chức, cá nhân.

- Lĩnh vực tài chính đã có những giải pháp tích cực thắt chặt chi tiêu, giảm thiểu nợ công, tăng thu ngân sách. Hệ thống ngân hàng đã tập trung ổn định dự trữ ngoại hối, điều hành tín dụng tăng trưởng, chất lượng chính sách, hiệu quả chương trình tín dụng được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo; sản phẩm ngân hàng ngày càng đa dạng, điều tiết tiền tệ hợp lý; khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu xử lý nợ xấu được hoàn thiện dần.

Lĩnh vực môi trường được quan tâm có nhiều giải pháp quản lý, thanh tra, xử lý; lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ cả về y đức và y thuật, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao áp dụng hiệu quả, việc xây dựng mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư; vấn đề khám chữa bệnh BHYT được cải thiện; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao; chính sách người có công, chính sách cho đồng bào dân tộc, cho hộ nghèo được quan tâm.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong những năm gần đây. Tăng trưởng GDP 6,89%. Kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại, giá trị thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng; cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ; năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Vốn FDI và thị trường chứng khoán có bước phát triển; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30%.

 Tất cả những thành tựu trên đã khẳng định rõ xu hướng phục hồi, phát triển của nền kinh tế, làm cho đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ được củng cố; qua đó, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển KTXH trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri và nhân dân đề xuất, kiến nghị, báo chí nêu nhiều, Chính phủ đã điều hành nhưng chưa khắc phục được; tôi muốn đề cập, phân tích, kiến nghị thêm để Chính phủ có giải pháp tập trung giảm thiểu trong thời gian tới:

- Một là: Đề nghị Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh, phân cấp trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư một cách nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn kịp thời.

Qua giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, nhiều doanh nghiệp phản ánh, hầu hết các dự án đều mất rất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua quá nhiều khâu trung gian.

Để có vốn triển khai dự án, địa phương và doanh nghiệp phải làm việc với nhiều Bộ, ngành; trong Bộ có Cục, trong Cục có Vụ, trong Vụ lại có các Phòng, Ban và cá nhân phụ trách; với quá nhiều tầng nấc như vậy nên nguồn vốn khi đến được với doanh nghiệp hết sức chậm trễ. Thậm chí, có những dự án chỉ điều chỉnh một vấn đề nhỏ nhưng có khi phải mất hàng năm mới thực hiện do phải chờ đợi.

- Hai là: Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tích cực chỉ đạo tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chăn tình trạng bạo lực, các tệ nạn xã hội. Thời gian qua, tình trạng giết người man rợ, tàn độc diễn ra nhiều nơi.

Nạn cờ bạc, số đề, cá cược, cho vay nặng lãi, làm phát sinh những băng nhóm xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê đang làm cho nhiều gia đình tán gia bại sản. Bạo lực còn tràn cả vào trong trường học, bệnh viện, làm nhục thầy cô, đánh cả trẻ nhỏ; chống cả người thi hành công vụ, làm chết nhiều chiến sĩ công an, lực lượng biên phòng. Xu hướng xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ ngày càng gia tăng…

Thực trạng trên làm cho xã hội bức xúc, người dân lo lắng, bất an; xuất hiện hiện tượng “người ngay sợ kẻ gian”, gây cản trở nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, văn hóa ứng xử văn minh lịch sự, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

- Ba là: Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc có dấu hiệu oan sai; đồng thời, có biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, làm mất an toàn xã hội và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa -xã hội.

- Bốn là: Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả; trốn thuế, gian lận thương mại. Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn được. Không thể xác định được thiệt hại của vấn đề này nhưng chắc chắn không nhỏ.

Theo báo cáo của Chính phủ thì vấn đề này đã được khắc phục đáng kể; tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn liệu thực tế đã thật sự được khắc phục tốt chưa. Đơn cử như việc cấm buôn lậu pháo nhưng cứ mỗi dịp lễ, tết, hay có sự kiện gì đó thì pháo vẫn nổ râm ran.

- Năm là: Việc quy định dự án sử dụng đất hỗn hợp cũng phải thực hiện đấu giá đối với phần diện tích đất thuộc phạm vi áp dụng Nghị định số 167/2017/NĐ-CP sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án, do nhà đầu tư đã thực hiện thỏa thuận bồi thường đối với các phần đất áp dụng theo Luật Đất đai.

Nếu tiếp tục thực hiện đấu giá phần đất, tài sản trên đất còn lại thì sẽ gây khó khăn, có thể nhà đầu tư không trúng đấu giá vì có rất nhiều nhà đầu tư khác cũng tham gia; điều này ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư trên địa bàn. Mặt khác, việc quy định đối với các trường hợp bán chỉ định đều phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định là chưa phù hợp.

Từ những bất cập trên, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo khắc phục. Đối với các Dự án sử dụng đất hỗn hợp trong đó có diện tích đất thuộc phạm vi áp dụng Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, khi nhà đầu tư đề xuất dự án và thực hiện xong phần thỏa thuận bồi thường hỗ trợ đối với phần diện tích thuộc phạm vi áp dụng theo Luật Đất đai thì phần diện tích đất còn lại thuộc phạm vi áp dụng Nghị định 167/2017/NĐ-CP đề nghị giao cho nhà đầu tư theo hình thức thuê đất không thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với các trường hợp bán chỉ định, đề nghị quy định mức cụ thể để phân cấp cho địa phương (UBND tỉnh) thực hiện quyết định việc bán chỉ định, các trường hợp tài sản có giá trị lớn theo mức quy định cụ thể sẽ cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với các dự án đầu tư trên các địa bàn được ưu đãi đầu tư mà có sử dụng đất thuộc các nông, lâm trường, các công ty nông-lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ, đề nghị được áp dụng theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư, nhất là quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 110, Điểm b Khoản 2 Điều 118 của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để cho phép nhà đầu tư các dự án được thực hiện giao đất hoặc cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá.


 

,